Chất lượng lao động người dân tộc thiểu số

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 07:28, 03/03/2025

Gần đây, ông Gennady Kuznetsov (người Nga), Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn liên doanh Thung Lũng Nắng (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), một công ty chuyên sản xuất cá tầm thịt và trứng cá tầm thương phẩm chất lượng cao đã tự hào kể với chúng tôi về những công nhân người dân tộc thiểu số Cơ Ho làm việc tại công ty.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Đại đoàn kết)Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Đại đoàn kết)

Ông cho biết, công nghệ nuôi cá tầm, nhất là cá tầm lấy trứng, là một quy trình kỹ thuật hết sức phức tạp, đòi hỏi khắt khe, chính xác từ chọn giống, nuôi con giống, phát triển cá thịt và trứng cá, đến cách lấy trứng, bảo quản sản phẩm và nhiều công đoạn khác. Ông Kuznetsov nói rằng, hơn 10 công nhân người Cơ Ho tại Thung Lũng Nắng là những người lao động rất có trách nhiệm và kỹ năng làm việc tuyệt vời. Họ đã đáp ứng hết sức xuất sắc yêu cầu công việc, thậm chí còn làm cho các chuyên gia nước ngoài ngạc nhiên.

Theo ông Kuznetsov, mới đây, nhóm chuyên gia ngành cá nước lạnh từ Liên bang Nga qua để hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cá tầm. Trưa hôm đó, các chuyên gia đề nghị công nhân cho cá ăn. Nhóm công nhân người Cơ Ho nhìn trời, nhìn nước, nhìn cá rồi kiên quyết không chịu thực hiện theo sự chỉ đạo. Họ khẳng định, nếu ăn vào thời điểm này thì cá sẽ chết. Chuyên gia khăng khăng sẽ chịu trách nhiệm về quyết định này, công nhân đành lòng cho cá ăn và sau khi được cho ăn no, cá lăn đùng ra chết hàng loạt.

Từ việc này, ông Kuznetsov kết luận, ngoài những kỹ thuật bài bản và kiến thức khoa học thì kinh nghiệm, kỹ năng và tri thức bản địa cũng hết sức quan trọng. Những ngọn gió, dòng nước và rừng núi nơi này là quê hương ngàn đời của đồng bào Cơ Ho. Bởi vậy, các chủ nhân của đại ngàn hiểu rõ về không gian sinh tồn của họ hơn ai hết. Một chuyện khác cũng rất thú vị là khi cá tầm đến giai đoạn lấy trứng, các chuyên gia phải dùng máy siêu âm để ghi nhận độ chín của trứng, còn những người công nhân Cơ Ho chỉ cần vuốt lên bụng cá là đã biết trứng cá ở giai đoạn nào, lấy được hay chưa…

Đã có những doanh nghiệp từng than phiền về kỷ luật lao động của công nhân người dân tộc thiểu số; cũng như kỹ năng, chất lượng làm việc chưa cao của họ. Nhưng sự ghi nhận của không ít doanh nghiệp khác có sử dụng công nhân người dân tộc thiểu số thì hoàn toàn ngược lại. Thực tế, tại một số doanh nghiệp, thời gian đầu, công nhân là người dân tộc thiểu số thường làm việc theo cảm hứng, chưa chú ý đến kỷ luật lao động; nhất là vào mùa lễ hội hoặc có việc gia đình là tự ý nghỉ việc.

Tuy nhiên, nhờ sự vận động, giải thích, khi hiểu sâu sắc về quan hệ quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động, họ đã thay đổi, gắn bó với doanh nghiệp.

Bà con dân tộc thiểu số ngày càng làm việc một cách có trách nhiệm, hiệu quả. Đơn cử, xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) có 13 nhà đầu tư, trong đó có 7 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chủ yếu là trồng chè chất lượng cao, xuất khẩu ra thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), các quốc gia Trung Đông, tạo việc làm thường xuyên cho gần 2.000 lao động người dân tộc thiểu số địa phương.

Từ khi làm việc cho các nông trường, nhà máy, đồng bào đã tiếp cận được khoa học kỹ thuật, vừa để làm tốt công việc tại công ty, vừa biết cách chăm sóc tốt cho vườn chè nhà mình. Ví như trước đây bà con sử dụng nông dược theo cảm tính, nay đã biết "bệnh nào phải dùng thuốc ấy"; nhiều hộ đã trồng thành công cây chè Oolong (trà ô long) cao cấp tại vườn nhà mình. Địa phương này cũng đã thí điểm mô hình vận động nông dân "góp cổ phần" với các nhà đầu tư bằng cách cho các doanh nghiệp sử dụng quỹ đất gia đình để làm ăn, tỷ lệ lợi nhuận được chia có lợi cho người dân. Đến nay, mô hình này đã đạt những kết quả tích cực, góp phần cải thiện đời sống của người dân…

UÔNG THÁI BIỂU