Thời sự

Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Không ngừng nghỉ trong phòng, chống lãng phí”

Nguyễn Lương 25/02/2025 13:58

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành Trung ương đến địa phương nâng cao nhận thức, hành động cụ thể trong phòng, chống lãng phí.

Ngày 25/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí.

Tại điểm cầu Đắk Nông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười; TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự.

hinh-can(1).jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười; TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh tham dự phiên họp tại điểm cầu Đắk Nông

Tại hội nghị, Bộ Tài chính, Bộ KH - ĐT; Bộ TN - MT báo cáo tình hình, kết quả phòng chống lãng phí các nguồn lực kinh tế.

Hiện nay, tại 26 cơ quan Trung ương và 62 địa phương có hơn 1.000 dự án gặp vướng mắc. Trong đó, có 181 dự án đầu tư công, 801 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 60 dự án hợp tác công tư (PPP).

Các địa phương cho biết số lượng các dự án còn khó khăn, vướng mắc trên thực tế còn cao hơn nhiều. Trong đó, các khó khăn, vướng mắc chủ yếu do thiếu vốn đầu tư, nợ đọng xây dựng cơ bản.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng các dự án, trùng lắp quy hoạch cũng là nguyên nhân gây lãng phí.

hinh-trung(1).jpg
Phòng, chống lãng phí thời gian qua tại các địa phương đã có chuyển biến nhưng còn tồn tại nhiều hạn chế

Các đại biểu đề xuất Trung ương tiếp tục hoàn thiện thể chế, có cơ chế đặc biệt, đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Đối với các dự án có sai phạm cần được chỉ ra trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...

Trung ương cần có có hướng dẫn kịp thời để sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất, tránh lãng phí trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Phát biểu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí nhấn mạnh lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thẳng thắn chỉ rõ, lãng phí diễn ra khá phổ biến dưới nhiều hình thức.

Trong đó, lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên khoáng sản... gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, làm suy giảm nguồn lực, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội.

img7988-17404605919251373393837(1).jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát các dự án lãng phí, kéo dài và đề xuất cơ chế, chính sách xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả

“Việc phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Phòng, chống lãng phí trên tinh thần không có giới hạn về không gian và thời gian. Làm liên tục, không ngừng nghỉ, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài và phải gắn kết với cải cách bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát các dự án lãng phí, kéo dài và đề xuất cơ chế, chính sách xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả, trên tinh thần “vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.”

Trong đó, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.

Ngày 17/12/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến phòng, chống lãng phí.

Nguyễn Lương