Nông nghiệp Đắk Nông hướng tới sản xuất xanh, bền vững
Để hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH), Đắk Nông đang hướng tới phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Sản xuất nông nghiệp ở Đắk Nông còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật thiếu kiểm soát. Điều này không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường mà còn làm suy giảm chất lượng nông sản, ảnh hưởng uy tín khi tham gia vào các kho thị trường khó tính trên thế giới.
.jpg)
Nhận thấy những hạn chế này, trong những năm gần đây, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã đồng hành với nông dân từng bước thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, từng bước hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Theo bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) TM DV Hữu cơ Hoàng Nguyên, sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ không chỉ giúp mang lại giá trị cao về mặt kinh tế cho người sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu như hiện nay.
.jpg)
Đây cũng là những khó khăn, thách thức và cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân hiện nay. “Ngoài những giá trị, hiệu quả về mặt kinh tế, sản xuất hướng tới phát triển bền vững trong nông nghiệp, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, nhằm ứng phó BĐKH, phòng chống thiên tai là điều tất yếu”, bà Thu cho biết.
Là đơn vị chuyên sản xuất, chế biến hồ tiêu xuất khẩu, hiện HTX TM DV Hữu cơ Hoàng Nguyên có tổng diện tích 986ha hồ tiêu. Trong đó 198,6ha đạt tiêu chuẩn chứng nhận Organic USDA (Mỹ), tiêu chuẩn châu Âu EU, tiêu chuẩn JAS (Nhật).
Diện tích còn lại sản xuất theo hướng hữu cơ và đang trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Hiện nay, HTX Hoàng Nguyên được đánh giá là đơn vị tiêu thụ sản lượng hồ tiêu hữu cơ hàng đầu Việt Nam.
Với nhiều năm đồng hành cùng nông dân Đắk Nông, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Gian hàng Xanh ESG (TP. HCM) đã hướng đến mô hình nông nghiệp xanh, tạo ra sản phẩm chất lượng tại địa phương.
.jpg)
Theo ông Vương Đình Soái, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Gian hàng Xanh ESG, “Công ty đã kết hợp với các hộ nông dân để phân tách các vùng trồng đạt các tiêu chuẩn về sản xuất sạch trước, sau đó nâng lên tiêu chuẩn hữu cơ. Còn các vùng khác thì hướng dẫn nông dân giảm bớt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng các loại thuốc được phép sử dụng”.
Theo Sở NN - PTNT Đắk Nông, đồng hành trong thúc đẩy chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã xuất hiện nhiều tổ chức kinh tế tập thể, hộ nông dân đi tiên phong và đóng vai trò trung tâm trong sản xuất xanh, bền vững, mang lại hiệu quả tích cực.
Qua đó, các sản phẩm khi xuất khẩu đã đạt tiêu chuẩn quốc tế, giúp giá bán tăng cao hơn so với sản phẩm nông sản thông thường. Không những thế, việc tuân thủ các tiêu chuẩn sạch, hữu cơ còn giúp nông dân hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, tạo điều kiện để xây dựng chuỗi giá trị mang tính bền vững cho nông hộ.
Ngoài ra, các chính sách khuyến khích từ chính quyền địa phương như: hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật đã tạo điều kiện để nông dân tham gia các chuỗi liên kết giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT Đắk Nông, định hướng trong sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới không chỉ dừng lại ở mục tiêu giảm tác động tiêu cực từ BĐKH mà còn hướng tới một nền nông nghiệp mang tính cạnh tranh cao.
Địa phương sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ 4.0, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương… giúp khẳng định vị thế nông sản trên thị trường thế giới.
Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: “Đắk Nông sẽ xây dựng các chính sách đặc thù, đặc biệt là việc quản lý quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Từ đó, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện hai đề án lớn là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với BĐKH và Đề án phát triển nông nghiệp CNC để bảo đảm ngành nông nghiệp phát triển bền vững”.
Đắk Nông có trên 130 loại cây trồng, vật nuôi khác nhau. Diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh đạt trên 86.000ha, cây lâu năm khoảng 235.000 ha.