Vì sao cây điều Đắk Nông nhiều năm sa sút?
Hiện nay, do thời tiết bất lợi, dịch bệnh và sự cạnh tranh với nhiều loại cây trồng khác, cây điều đang dần mất lợi thế tại Đắk Nông.
Đắk Nông hiện có khoảng 16.500ha điều, tập trung tại các huyện Đắk R'lấp (3.870ha), Tuy Đức (5.469ha), Krông Nô (2.490ha), Cư Jút (3.112ha)...
Mặc dù được xác định là một trong bốn cây trồng chủ lực của tỉnh nhưng nhiều năm gần đây, cây điều không mang lại hiệu quả cao, khiến người dân chuyển đổi sang cây trồng khác.
.jpg)
Tại những vùng đất sét pha, sỏi đá bạc màu, nắng nóng của thị trấn Ea T’ling và xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút, cây điều từng được xem là loại cây giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân.
Tuy nhiên, hiện nay, cây điều mất dần vị thế trong cơ cấu cây trồng tại địa phương. Gia đình ông Nguyễn Văn Chính ở thị trấn Ea T’ling có hơn 1ha đất trồng điều nhưng do năng suất kém, gia đình ông bắt đầu chuyển đổi dần sang trồng cà phê.
Ông Chính cho biết: “Những năm gần đây, do thời tiết thường xuất hiện sương muối, mưa trái mùa vào thời điểm cây điều ra hoa, cộng thêm bệnh hại phát sinh nhiều nên tỷ lệ đậu trái không cao. Do đó, tình trạng mất mùa điều thường xuyên diễn ra”.
Theo ông Chính, không chỉ vậy, giá điều bấp bênh, không ổn định nên nhiều người đã chặt bỏ cây điều để chuyển sang trồng cây ăn trái nhằm mong có thu nhập cao hơn.
Gia đình ông Điểu Quynh ở xã Quảng Tín, huyện Đắk R'lấp từng nhiều năm gắn bó với cây điều. Tuy nhiên, do sản lượng liên tục giảm sút, ông đã trồng xen cà phê, tiêu, cao su trong vườn điều hơn 2 ha của mình.
.jpg)
Ông Điểu Quynh chia sẻ: “Từ năm 2007, tôi đã đưa các loại cây trồng khác vào trồng xen trong vườn điều. Nhờ chuyển đổi như vậy, nên một vài năm gần đây, khi điều liên tục mất mùa, tôi vẫn có thu nhập ổn định”.
Theo ông Điểu Quynh, vụ mùa 2024 vừa qua, gia đình ông chỉ thu được khoảng 5 tạ hạt điều. Nếu không có các loại cây trồng khác, gia đình ông không biết xoay xở thế nào để trang trải cuộc sống.
Theo các hộ trồng điều, những năm trước đây, đa số nông dân đều cho rằng cây điều là loại cây trồng “dễ tính”. Vì thế, bà con ít quan tâm đến quá trình sinh trưởng cũng như năng suất của cây.
Bên cạnh đó, tại một số địa phương, cây điều được trồng ở những nơi có điều kiện không phù hợp như tầng canh tác mỏng, lượng mưa nhiều vào thời điểm ra hoa… Ngoài ra, nhiều hộ trồng điều không chú trọng đầu tư thâm canh, dẫn đến vườn điều bị bệnh hại tấn công, năng suất thấp.
Trước thực tế đó, thời gian qua, các cấp, ngành và địa phương đã xây dựng nhiều mô hình phòng trừ bệnh hại trên những vườn điều, giúp người dân duy trì diện tích cây điều tại những vùng đất phù hợp.
.jpg)
Đắk Nông triển khai Đề án phát triển và chuyển đổi cây điều với định hướng không mở rộng diện tích tại các vùng có thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp.
Các huyện có điều kiện thuận lợi như Tuy Đức, Cư Jút, Krông Nô… cần tập trung mở rộng, thâm canh và cải tạo để cây điều sinh trưởng, phát triển ổn định.
Để tạo vị thế cho cây điều, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện phương án vừa phát triển, vừa chuyển đổi diện tích không phù hợp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong canh tác cho nông dân.
Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Đắk Nông cho biết: “Để cây điều phát triển ổn định, Đắk Nông đã xác định mục tiêu khai thác tối đa lợi ích về kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của ngành điều. Tỉnh tiến hành những bước đi phù hợp từ khâu chọn giống, phương thức canh tác đến thay đổi tập quán sản xuất của người dân”.
.jpg)
Ngoài ra, tại một số huyện có cơ sở gia công, sơ chế hạt điều, các đơn vị cũng đã đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngành chuyên môn đang nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học và quy trình canh tác nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho cây điều.