Những bất cập tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Nông
Sau gần 2 năm hoạt động, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Nông đang bộc lộ một số bất cập, ảnh hưởng lớn tới công tác chăm sóc, quản lý các đối tượng bảo trợ, nhất là người tâm thần nặng, khuyết tật vận động.
Hơn 10 giờ sáng, sau tiếng loa thông báo, 2 tốp nam giới từ Khu điều trị bệnh nhân tâm thần nam và Khu nhà ở cho người già neo đơn cầm theo thùng nhựa tới khu vực nhà ăn để nhận thực phẩm.
Do bếp ăn nằm trên cao, lại cách xa Khu nhà nuôi dưỡng nên hơn 1 năm qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh buộc phải chia phát thức ăn theo cách này.

Theo một số cán bộ, nhân viên đang làm việc tại trung tâm, vị trí xây dựng bếp ăn không hợp lý đã ảnh hưởng tới việc di chuyển của các đối tượng. Trong đó, một số đối tượng già yếu, khuyết tật vận động không thể đi lại được; một số đối tượng là bệnh nhân tâm thần, không thể tự đi đến nhà ăn.
Ngoài bất cập nêu trên, theo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, việc thiết kế, lắp đặt hệ thống cửa và thoát nước chưa khoa học, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là hệ thống cửa sổ, cửa phòng tại khu cho bệnh nhân tâm thần.

Anh Đỗ Phương Đông, nhân viên Khu khuyết tật, thần kinh, tâm thần nam cho biết, tất cả cửa tại đây đều là cửa kính. Đã có nhiều trường hợp, khi người bệnh phát bệnh, đập phá cửa, gây nguy hiểm cho chính mình và người khác.
Để khắc phục các cánh cửa hư hỏng, trung tâm không thể thay kính mới mà chỉ có thể hàn thêm các thanh sắt để ngăn người bệnh không trốn ra ngoài.
Anh Đông nói thêm: “Một số đối tượng lên cơn thì rất khó kiểm soát, tấn công cả người bệnh, nhân viên trung tâm và đập phá đồ đạc. Do lực lượng mỏng, không thể quản lý hết các đối tượng, buộc chúng tôi phải đi lấy cơm từ bếp về chia cơm cho bệnh nhân tâm thần”.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Nông đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 94 đối tượng, trong đó có 44 đối tượng là người tâm thần đặc biệt nặng. Tuy nhiên, khi bàn giao, sử dụng, trung tâm chỉ có một khu chăm sóc chung dành cho bệnh nhân nam và nữ. Sau một thời gian ngắn hoạt động, trung tâm phải tận dụng một tòa nhà khác để chăm sóc, quản lý người bệnh tâm thần nữ.
Đặc biệt, dù số lượng người bệnh đông nhưng vì thiếu cán bộ, nhân viên, nhất là nhân viên y tế có chuyên môn về điều trị bệnh tâm thần nên trung tâm mới chỉ thực hiện được chức năng quản lý người bệnh tâm thần.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, nhân viên chăm sóc, quản lý đối tượng tâm thần nữ cho biết: “Hiện tại khu vực này đang có 13 đối tượng là người tâm thần nặng nhưng mỗi ca trực chỉ có 1 nhân viên làm việc. Nhiều khi đối tượng bất chợt lên cơn, kích động thì chúng tôi rất khó xử trí, những lúc như này phải nhờ thêm nhân viên nam để kiểm soát, trấn an người bệnh”.
Trước tình trạng thiếu nhân viên y tế có chuyên môn điều trị bệnh tâm thần, Sở LĐTB-XH đã có văn bản gửi Sở Y tế, thông báo nhu cầu tiếp nhận nhân sự làm việc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Tuy nhiên sau gần 3 tháng thông báo, đến nay vẫn chưa có nhân viên y tế nào về trung tâm công tác.
Bà Trần Nữ Trang, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Nông cho biết, trợ giúp, chăm sóc người khuyết tật, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống an sinh xã hội.

Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng bảo trợ được sống trong môi trường đầy đủ, hiện đại, qua đó góp phần cải thiện tình trạng bệnh, phục hồi chức năng và có cơ hội hòa nhập cộng đồng.
Trước những bất cập hiện tại, lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Nông mong muốn chính quyền các cấp sớm quan tâm, khắc phục, đặc biệt là vấn đề giải phóng mặt bằng và cán bộ, nhân viên có trình độ, chuyên môn về điều trị bệnh nhân tâm thần, người khuyết tật và người cao tuổi.
Dự án Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Nông được triển khai trên diện tích hơn 5,7ha tại phường Nghĩa Phú, TP. Gia Nghĩa. Dự án ban đầu do Sở LĐTB - XH làm chủ đầu tư. Đến năm 2021, UBND tỉnh Đắk Nông giao dự án này cho Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư.