Nữ nghệ nhân vượt qua cổ tục, khôi phục điệu hát xưa
Pháp luật - Đời sống - Ngày đăng : 14:33, 23/02/2025
Gian nan tìm lại điệu hát cổ
Về thăm Liệp Nghĩa những ngày đầu xuân mới, du khách thập phương ai nấy đều nức lòng trước những lời ca, tiếng hát mượt mà của các thành viên trong câu lạc bộ (CLB) hát Dô xã Liệp Nghĩa. Đằng sau những làn điệu ấy, không thể không nhắc đến Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1955), Chủ nhiệm CLB, người đã tận tâm khôi phục và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Thay cho lời chào khách, bà Lan ngân nga: “Quạt này có 16 chương/Ở giữa phiến giấy tư lương căng màu/Có nắng thì che lên đầu/Có nực thì quạt, đi đâu thì cầm/…”.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lan thể hiện làn điệu hát Dô. Video: Hải Ly |
Chia sẻ về điệu hát Dô, NNND Nguyễn Thị Lan cho biết, đây là một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc của vùng đất Lạp Hạ, ven sông Tích (nay là xã Liệp Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội), gắn liền với lễ hội đền Khánh Xuân (hay còn gọi là hội hát Dô), nơi thờ Đức Thánh Tản Viên. Theo tục lệ, cứ 36 năm, lễ hội mới được tổ chức 1 lần.
Trước kỳ tổ chức hội hát, đền Khánh Xuân mở cửa để dân làng làm lễ xin Thánh cho mở sách, sao chép bài hát để kén người tập luyện. Sau kỳ hát hội, tất cả tư liệu, đạo cụ múa, hát được cất kỹ vào tráp, không ai được nhắc đến nữa. 36 năm sau, khi mở hội, người dân sẽ tập lại từ đầu. Nếu ai hát Dô vào các ngày thường mà không phải dịp lễ hội thì sẽ bị Thánh phạt, dẫn đến câm, điếc. Người dân Liệp Nghĩa coi đó là “lời nguyền”, không ai dám vi phạm.
![]() |
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lan đã gắn bó với điệu hát Dô cổ 36 năm. Ảnh: Hải Ly |
“Lần cuối cùng hội đền Khánh Xuân tổ chức hát dô là năm 1926. Sau 36 năm, chiến tranh khiến lễ hội không được tổ chức. Khi ấy, cuốn sách cổ về hát Dô dùng để thờ Thánh bị thất lạc, trong khi người biết hát lại càng ít dần. Làn điệu này đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn”, bà Lan nhớ lại.
Không đành lòng để làn điệu hát Dô cổ của quê hương mai một, năm 1989, bà Lan khi ấy là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Liệp Tuyết (nay là xã Liệp Nghĩa) quyết tâm vượt qua “lời nguyền” để khôi phục điệu hát truyền thống này.
![]() |
Những tư liệu cũ về hội hát Dô được bà Lan lưu giữ cẩn thận. Ảnh: Hải Ly |
Nữ nghệ nhân cho biết, thời gian đầu bà gặp nhiều khó khăn trong hành trình tìm lại làn điệu truyền thống của quê hương. Nếu ở những vùng quê khác, người ta thường sinh ra và lớn lên bằng sự nuôi dưỡng của những làn điệu truyền thống, thì bà lại chưa nghe hát Dô bao giờ. Bởi tục lệ 36 năm mở hội hát 1 lần, nên hát Dô chỉ được lưu truyền trong trí nhớ của lớp người đã tham gia hội hát chứ không được truyền dạy rộng rãi trong vùng.
“Lúc đó, tôi đi khắp các xã trong huyện để thu thập, sưu tầm làn điệu, thể thức và kỹ năng diễn xướng từ những nghệ nhân còn giữ bí quyết hát Dô. Có khi sáng không gặp các cụ, trưa tôi lại đến, trưa không gặp, chiều lại tiếp tục tìm, chỉ mong sao có người truyền dạy cho mình”, bà Lan kể.
![]() |
Nhiều lần có ý định bỏ cuộc, song những tâm nguyện giữ vốn cổ của cha ông giúp nữ nghệ nhân giữ vững tình yêu với văn hóa truyền thống. Ảnh: Hải Ly |
Sau nhiều lần tìm hiểu và thuyết phục, năm 1990, bà Lan được 3 cụ: Tạ Văn Lai, Kiều Thị Nhuận và Đàm Thị Điều (những người từng tham gia hát tại hội đền Khánh Xuân năm 1926, khi ấy đều đã hơn 80 tuổi) truyền lại những bài hát Dô cổ. “Cụ Đàm Thị Điều sau khi đọc lời bài hát cho tôi chép xong thì dặn phải bảo quản và gìn giữ chúng cẩn thận vì đây là di sản của ông cha để lại. Sau đó vài ngày thì cụ mất. Tôi nghĩ, cụ tin tưởng giao lại cho mình nên mới yên tâm về với trời. Vì vậy, tôi càng tin tưởng hơn vào hành trình của mình”, nữ NNND chia sẻ.
![]() |
Bản chép tay lời hát Dô của NNND Nguyễn Thị Lan từ năm 1990. Ảnh: Hải Ly |
Có được bản chép làn điệu hát Dô, bà Lan bắt đầu vận động thanh thiếu niên và gia đình cho phép các cháu tham gia học hát. Bà cho biết, ban đầu do quan niệm “ăn sâu” bao đời, nhiều người e ngại, né tránh, thậm chí phản đối. Nhưng sau khi được thuyết phục, nhất là thấy bà Lan kiên trì đi hát mà không bị Thánh “quở”, mọi người dần tin tưởng và tham gia học hát ngày càng đông.
Năm 1990, CLB hát Dô xã Liệp Tuyết (nay là xã Liệp Nghĩa) được thành lập, bà Lan và các thành viên hăng say luyện tập, quyết tâm hồi sinh làn điệu hát cổ. Từ đó, điệu hát Dô không còn phải chờ đến 36 năm mới được thực hành, mà mỗi độ xuân về, ngôi đền Khánh Xuân ở xã Liệp Nghĩa lại tổ chức hội hát Dô trong không khí háo hức vui mừng của người dân và du khách thập phương.
Quyết tâm gìn giữ di sản quê hương
Nhìn lại hành trình gần 4 thập kỷ gắn bó với nghệ thuật hát Dô, bà Lan tự hào khi đã góp phần hồi sinh di sản quý giá của cha ông. Đến nay, CLB hát Dô xã Liệp Nghĩa thu hút hơn 1.000 thành viên, trong đó có 35 em nhỏ, từ 11 đến 16 tuổi, tham gia sinh hoạt thường xuyên.
![]() |
Từ làn điệu ít người biết đến, đến nay, hát Dô đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Liệp Nghĩa. Ảnh: NVCC |
Cùng với các thành viên trong CLB, bà Lan đã đưa hát Dô vươn ra ngoài phạm vi địa phương như: Tham gia biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám hay tại Tượng đài vua Lý Thái Tổ ở Hồ Hoàn Kiếm và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Đặc biệt, nghệ thuật hát Dô còn được giới thiệu đến bạn bè quốc tế qua chuyến biểu diễn của CLB tại Malaysia (năm 2008) và Philippines (năm 2010).
Hằng năm, bà Lan đều mở các lớp dạy hát Dô miễn phí cho các bạn từ 11 đến 16 tuổi, nhằm khơi dậy “máu” nghề từ sớm cho thế hệ tương lai. “Hiện nay thế hệ trẻ xã Liệp Nghĩa, từ các cháu lớp mẫu giáo, tiểu học đến trung học cơ sở đều biết đến làn điệu hát này. Đó là niềm vui, động lực thôi thúc tôi tiếp tục bảo tồn, gìn giữ hát Dô”, bà Lan phấn khởi nói.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Lan (hàng trên, thứ 4 từ trái sang) đưa CLB hát Dô Liệp Tuyết đi biểu diễn. Ảnh: NVCC |
Năm 2003, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận CLB hát Dô xã Liệp Tuyết (nay là xã Liệp Nghĩa) là địa chỉ văn nghệ dân gian. Năm 2024, nghệ thuật trình diễn dân gian hát Dô của xã Liệp Tuyết (nay là xã Liệp Nghĩa) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với những cống hiến cho loại hình nghệ thuật này, bà Nguyễn Thị Lan vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (năm 2015) và Nghệ nhân Nhân dân (năm 2022).
“Tôi luôn khâm phục tâm huyết của Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lan - người đã dành cả cuộc đời để gìn giữ và truyền dạy hát Dô. Nhìn bà trân trọng từng câu hát, nâng niu từng lời ca, tôi càng thấm thía trách nhiệm của thế hệ sau trong việc tiếp nối. Tôi và các thành viên CLB sẽ nỗ lực hơn nữa để làn điệu này không chỉ được duy trì mà còn lan tỏa đến nhiều người hơn”, chị Trần Thị Thảnh, Phó chủ nhiệm CLB hát Dô xã Liệp Nghĩa chia sẻ.
![]() |
Năm 2022, bà Nguyễn Thị Lan vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân vì đã có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Ảnh: Hải Ly |
Nói về mong muốn phát huy giá trị di sản trong đời sống đương đại, NNND Nguyễn Thị Lan cho biết: “Muốn làn điệu hát Dô được bảo tồn, phát huy, nhân rộng để nhiều người biết đến, thì ngoài sự nỗ lực của các thành viên trong CLB rất cần sự chung tay, quan tâm của chính quyền địa phương, cũng như sự đóng góp của cộng đồng và các cá nhân”.
![]() |
Ở tuổi 70, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lan vẫn đang miệt mài viết tiếp truyền thống văn hóa đặc sắc của loại hình Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này. Ảnh: NVCC |
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự trao truyền hát Dô có khi gián đoạn, rồi lại được hồi sinh đầy kỳ tích. Đau đáu với việc giữ lại văn hóa, lời ca, tiếng hát của người xưa, người dân xã Liệp Nghĩa nói chung và NNND Nguyễn Thị Lan nói riêng đã vượt lên nhiều khó khăn để hồi sinh điệu hát cổ ấy. Không chỉ là di sản quý giá của nhân dân, hát Dô còn biểu trưng cho những giá trị lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc. Hành trình hồi sinh làn điệu hát Dô đã đóng góp những bài học quý trong việc phục hồi các loại hình văn hóa dân gian khác, từ đó, bồi đắp và tạo động lực cho công tác bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.
Các thành viên CLB hát Dô xã Liệp Tuyết (nay là xã Liệp Nghĩa) biểu diễn tiết mục “Trúc trúc mai mai”. Video: NVCC |
Bài, ảnh: HẢI LY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" xem các tin, bài liên quan.