Kinh tế

Hiệu quả từ giải pháp IPM trên cà phê

Văn Tâm 20/02/2025 08:41

Người dân Đắk Nông áp dụng giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh, giúp sản xuất cà phê hiệu quả, bền vững.

Vào thời điểm này, nông hộ trồng cà phê ở Đắk Nông tích cực chăm sóc, tưới nước cho cây cà phê. Đây là giai đoạn cà phê ra hoa, đậu trái, dễ phát sinh nhiều loại sâu bệnh.

dsc_0565(1).jpg
TS. Nguyễn Xuân Hòa, Trưởng Bộ môn Hệ thống nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên hướng dẫn người dân Đắk Nông áp dụng IPM trong canh tác cà phê

Gia đình anh Nguyễn Văn Nhật ở xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) có gần 1,5ha cà phê. Những năm trước, anh chủ yếu sử dụng thuốc trừ sâu hóa học để bảo vệ vườn cây mỗi khi sâu hại tấn công.

Thời gian gần đây, anh Nhật cùng với người dân trong xã đã tham gia các lớp tập huấn áp dụng IPM trên cây cà phê, giúp vườn cây sinh trưởng, phát triển ổn định.

Ngoài ra, anh còn bổ sung thêm nguồn phân hoai mục từ vỏ cà phê được xử lý bằng chế phẩm Trichoderma cho cà phê. Đây cũng là biện pháp dùng vi sinh vật đối kháng trong canh tác và quản lý dịch hại một cách khoa học.

Nhờ thế, môi trường sinh thái vườn cây dần dần được cải thiện, các loại thiên địch có ích xuất hiện nhiều hơn. Việc bón phân hoai mục từ vỏ cà phê đã giúp đất tơi xốp, tăng độ mùn, giúp giữ ẩm, cung cấp chất hữu cơ cho đất.

z5270047356493_0c770078355b2eab17ecae19c515df2b(1).jpg
Anh Lê Ngọc Quỳnh, thôn Tân Phương, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa thường xuyên thăm vườn, theo dõi sâu bệnh trên vườn cà phê

Cũng áp dụng giải pháp IPM, vườn cà phê của anh Lê Ngọc Quỳnh ở thôn Tân Phương, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa những năm qua hầu như miễn nhiễm với các loại sâu hại thông thường.

“Giải pháp IPM giúp phòng bệnh hơn trị bệnh cho cây trồng. Do đó, tôi thường xuyên kiểm tra vườn cây, phát hiện sâu bệnh sớm. Nếu số lượng cây nhiễm sâu hại nhiều thì khoanh vùng phun thuốc chứ không sử dụng thuốc đại trà như cách làm truyền thống”, anh Hiền cho biết.

Theo ngành Nông nghiệp Đắk Nông, những năm qua, người trồng cà phê lạm dụng quá mức các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, dẫn đến đất đai ngày càng ô nhiễm, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, dịch bệnh phát sinh.

Trước tình trạng đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tổng hợp cấp bách và lâu dài. Trong đó, việc áp dụng chương trình IPM trên vườn cà phê được nhiều nông hộ, đơn vị ứng dụng và mang lại hiệu quả tích cực.

Theo TS. Nguyễn Xuân Hòa, Trưởng Bộ môn Hệ thống nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), các loại sâu bệnh hại cây cà phê phổ biến gồm các loại rệp sáp, rệp vảy, sâu đục thân cành, mọt đục quả, bệnh gỉ sắt, bệnh khô cành, khô quả…

Do đó, người nông dân bắt đầu bằng quản lý cây trồng ngay từ vườn ươm cây giống, đất trồng được xử lý triệt để. Trồng những cây giống cà phê khỏe mạnh, không nhiễm sâu bệnh hại. Thực hiện quản lý đất và dinh dưỡng hợp lý, tủ gốc nhất là khi cây còn nhỏ.

khuyen-nong8(1).jpg
Vệ sinh, loại bỏ tàn dư thực vật giúp cắt nguồn lây lan nấm bệnh trên vườn cà phê

Trồng cà phê tránh quá râm và cần cắt tỉa cành kịp thời. Quản lý vườn cây để các côn trùng có lợi sinh sôi, giữ thảm thực vật cây trồng đa dạng trên vườn.

Người dân cần kiểm tra và theo dõi hàng tuần đối với sâu bệnh hại. Chỉ dùng thuốc trừ sâu khi có sự gây hại lớn hơn ngưỡng gây hại kinh tế. Nếu có thể, phun thuốc cục bộ trong trường hợp đầu tiên.

“Bà con cần chú trọng giải pháp chăm sóc hợp lý để cây sinh trưởng và phát triển tốt bằng cách áp dụng các thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Sử dụng giống tốt, tạo hình tỉa cành để cây thông thoáng, quản lý cây che bóng, chắn gió trên vườn. Đồng thời, bón phân cân đối và hợp lý, tưới nước đầy đủ, tủ gốc vào mùa khô giúp cây phát triển ổn định”, TS. Nguyễn Xuân Hòa cho biết thêm.

Cà phê là cây trồng chủ lực của Đắk Nông, với khoảng 142.000ha, chiếm gần 23% diện tích nông nghiệp và gần 60% tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm của toàn tỉnh. Trong đó, những địa bàn có diện tích cà phê lớn là Đắk Mil, Đắk Song, Tuy Đức, Đắk Glong… Năng suất cà phê của Đắk Nông đạt bình quân khoảng 2,8 tấn/ha.

Văn Tâm