Đăng kiểm tàu thủy ở Đắk Nông mắc kẹt vì thủy điện
Việc đăng kiểm tàu hút cát của nhiều doanh nghiệp ở Đắk Nông gặp khó khăn bởi kẹt giữa 2 thủy điện và chưa có cơ sở đủ điều kiện.
Công ty TNHH MTV Hải Khánh Ngân được cấp phép khai thác mỏ cát Quảng Phú 5, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô từ tháng 12/2012. Doanh nghiệp này có 1 tàu khai thác cát thuộc diện phương tiện thủy nội địa phải đăng kiểm.
Con tàu này đã hết hạn đăng kiểm vào cuối tháng 12/2024. Điều này đồng nghĩa với việc phương tiện này không thể lưu thông trên sông Krông Nô để khai thác cát. Doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động để thực hiện các thủ tục đăng kiểm.
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Hải Khánh Ngân, khu vực doanh nghiệp được cấp phép nằm giữa 2 thủy điện: Buôn Tua Srah (ở thượng nguồn) và Chư Pông Krông (ở hạ nguồn). Việc di chuyển các tàu theo đường thủy đi đăng kiểm không thể thực hiện do kẹt giữa 2 thủy điện này.
.jpg)
Việc vận chuyển tàu theo đường bộ cũng gặp khó bởi con đường kết nối bến tàu khai thác cát với quốc lộ 28 rất nhỏ hẹp. Tàu khai thác cát dài gần 30m nên muốn vận chuyển trên đường đi đăng kiểm, doanh nghiệp buộc phải cắt thân tàu ra thành nhiều phần.
Sông Krông Nô là ranh giới của 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Trên sông Krông Nô đoạn qua xã Quảng Phú, UBND tỉnh Đắk Nông đã cấp phép khai thác cát cho 4 doanh nghiệp với tổng trữ lượng 82.000m3/năm. 4 doanh nghiệp này có 7 phương tiện khai thác cát thuộc diện phải đăng kiểm.
Tính đến giữa tháng 2/2025, 6/7 tàu khai thác cát tại đoạn sông này đã hết hạn đăng kiểm. Tàu khai thác cát duy nhất còn hạn đăng kiểm (16/4/2025) thuộc quản lý của Doanh nghiệp tư nhân Văn Hồng.

Trước đây, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị đăng kiểm đã cho phép các tàu khai thác cát được kiểm tra và đăng kiểm ngay tại bãi. Nhưng sau đó, đơn vị đăng kiểm yêu cầu tàu đóng mới sau 36 tháng phải đưa đến đơn vị có chức năng bảo dưỡng, sửa chữa tàu để thực hiện thủ tục đăng kiểm.
Tuy nhiên, ở Đắk Nông hiện chưa có cơ sở nào được cấp phép đóng mới, hoán cải, sửa chữa và phục hồi phương tiện thủy nội địa. Ở phía Đắk Lắk, có 2 cơ sở đã được cấp phép, trong đó có 1 cơ sở đặt ở huyện Krông Ana, gần hạ nguồn sông Krông Nô.
Cách đây ít năm, thủy điện Chư Pông Krông chưa hoạt động. Muốn đăng kiểm tàu ở phía hạ nguồn, các doanh nghiệp khai thác cát có thể đưa tàu đến cơ sở để kiểm tra, đăng kiểm. Nhưng sau khi thủy điện Chư Pông Krông hoạt động, việc di chuyển bị kẹt giữa 2 thủy điện.
Vào tháng 10/2024, UBND tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải gỡ khó trong đăng kiểm lại đối với các phương tiện thủy nội địa hết hạn trên địa bàn. Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu phải đưa các phương tiện hết hạn đến cơ sở đủ điều kiện để đăng kiểm. Để gỡ khó trong việc đăng kiểm, tỉnh Đắk Nông cần có chính sách khuyến khích đầu tư các cơ sở sửa chữa, hoán cải phương tiện để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Hải Khánh Ngân, việc kêu gọi các đơn vị khác đầu tư cơ sở đăng kiểm là rất khó khăn. Bởi việc đầu tư cần mặt bằng và chi phí lớn (khoảng trên 2 tỷ đồng) nhưng nhu cầu đăng kiểm không nhiều.
Hiện nay, có 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát tại Đắk Nông đã xúc tiến các thủ tục để xây dựng cơ sở sửa chữa, hoán cải phương tiện tàu thủy. Tuy nhiên, để hoàn tất thủ tục xây dựng cơ sở theo quy định, doanh nghiệp cần nhiều thời gian. Nếu thuận lợi, sớm nhất cũng phải đến giữa hoặc cuối năm 2025 thì Đắk Nông mới có cơ sở đủ điều kiện sửa chữa, hoán cải phương tiện để thực hiện đăng kiểm.