Nhập khẩu phân bón góp phần đảm bảo nguồn cung ổn định cho sản xuất nông nghiệp

Thuế - Tài chính - Ngày đăng : 21:26, 16/02/2025

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia nông nghiệp lớn với các sản phẩm xuất khẩu chính như lúa gạo, cà phê, cao su và hoa quả. Tuy nhiên, nguồn cung phân bón nội địa được cho là vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nhập khẩu phân bón vẫn là giải pháp cần thiết trong ngắn hạn để đảm bảo nguồn cung, ổn định sản xuất.
Vai trò của việc nhập khẩu phân bón trong phát triển nông nghiệp
Phân Kali và SA (phân đạm 1 lá) vẫn phải nhập khẩu chủ yếu từ nước ngoài (Ảnh minh họa).

Theo Hiệp hội Phân Bón Việt Nam, hiện nay nhu cầu phân bón ở Việt Nam vào khoảng trên 11 triệu tấn các loại trên năm (Urea khoảng 2 triệu tấn, DAP khoảng 900.000 tấn, SA 850.000 tấn, Kali 950.000 tấn, phân Lân trên 1,8 triệu tấn, phân NPK khoảng 3,8 triệu tấn, ngoài ra còn có nhu cầu khoảng 400 – 500.000 tấn phân bón các loại là vi sinh, phân bón lá) trong khi đó năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 8 triệu tấn/năm.

Nhiều dòng phân bón cao cấp như DAP, Kali, và các dạng phân bón tan chậm cần phải nhập khẩu từ các quốc gia như Nga, Israel, Trung Quốc và Indonesia. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc với 1,6 triệu tấn, trị giá 519,38 triệu USD. Tiếp theo lần lượt là thị trường Trung Quốc, Nga, Lào và Hàn Quốc.

Việc nhập khẩu phân bón giúp giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn cung, đảm bảo sự liên tục trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Điều này đặc biệt quan trọng trong các giai đoạn cao điểm như vụ gieo cấy và thu hoạch.

Các sản phẩm phân bón nhập khẩu thường được sản xuất theo công nghệ tiên tiến, đảm bảo hiệu quả cao trong việc cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Chẳng hạn, phân bón tan chậm từ Israel giúp cung cấp dinh dưỡng lâu dài cho cây, tối ưu hóa sự phát triển trong từng giai đoạn mà không gây ô nhiễm đất và nguồn nước, giảm thiểu lượng phân bón phải sử dụng. Tương tự, các loại phân sinh học nhập khẩu giúp tăng cường sức khỏe đất đai và duy trì độ phì nhiêu.

Việc nhập khẩu phân bón còn là cơ hội chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước. Những quy trình, quy chuẩn sản xuất hiện đại từ các quốc gia phát triển có thể được áp dụng để tăng năng lực cạnh tranh của phân bón nội địa. Nhập khẩu phân bón tạo cơ hội cho nông dân và doanh nghiệp tiếp cận nhiều lựa chọn hơn về giá cả và chất lượng. Điều này thúc đẩy cạnh tranh, giúp cải thiện chất lượng phân bón trên thị trường.

Phân bón nhập khẩu giúp gia tăng năng suất cây trồng mà không cần tăng lượng phân bón sử dụng, từ đó giảm tiết nguyên liệu và bảo vệ tài nguyên. Ngoài ra, việc chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ, phân sinh học còn góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, đảm bảo tăng trưởng kinh tế nông nghiệp lâu dài.

Chiều 26/11/2024, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trước đó đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật này. Luật được thông qua, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất phân bón trong nước có thể giảm, đồng thời giá bán phân bón nhập khẩu sẽ tăng thêm 5% do thuế VAT. Điều này giúp gia tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa.

Việc nhập khẩu phân bón không chỉ đơn thuần là giải pháp đáp ứng nhu cầu cung ứng, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính cạnh tranh và cải thiện chất lượng toàn diện trên thị trường phân bón. Nông dân và doanh nghiệp không chỉ hưởng lợi trực tiếp từ việc có nhiều lựa chọn hơn mà còn gián tiếp được hưởng lợi từ những cải tiến trong sản phẩm và dịch vụ do thị trường cạnh tranh mang lại. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và hiệu quả hơn trong tương lai.

Mai Chi