Đại biểu Dương Khắc Mai: Cần tháo gỡ nhiều điểm nghẽn để tăng trưởng đạt 8% trở lên
Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, để phấn đấu tăng trưởng nền kinh tế đạt 8% trở lên trong năm 2025, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tăng tốc tháo gỡ nhiều điểm nghẽn đang tồn tại.
Chiều 15/2, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV thảo luận tập trung về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Tham gia thảo luận về đề án này, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tán thành cao với Báo cáo của Chính phủ “Nước ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2024” trong bối cảnh quốc tế, khu vực diễn biến nóng, mới, hết sức phức tạp, trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức...
Năm 2025 như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế thì “Tình hình, cục diện thế giới dự báo sẽ tiếp tục bất định, có những diễn biến, chuyển động, thay đổi khó lường hơn. Chiến tranh thương mại, công nghệ giữa các nền kinh tế lớn, xung đột quân sự, bất ổn địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, tiềm ẩn nguy cơ đối với ổn định và phát triển kinh tế khu vực và thế giới”. Vì vậy, với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam thì để bảo đảm thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 8% cần phải có sự nỗ lực hơn 100% của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân.
Cụ thể về một số nội dung, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh: Về chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%, đại biểu đồng tình với đánh giá và kiến nghị của Ủy ban Kinh tế.
Về đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo đánh giá của Chính phủ thì “Thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”; tư duy xây dựng pháp luật còn nặng về quản lý hơn là kiến tạo phát triển. Một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; phân cấp, phân quyền còn vướng mắc…”. Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị trong nghị quyết nên bổ sung thêm, tập trung đưa ra các giải pháp mang tính căn cơ, định hướng trong công tác xây dựng pháp luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, không nên đưa ra việc phải sửa luật này, xây dựng luật kia một cách cụ thể như trong dự thảo nghị quyết, từ đó làm cho thể chế không là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" mà là "đột phá của đột phá" như tất cả mọi người mong muốn.
Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên Quốc hội đã, đang và sẽ ban hành nhiều luật theo dạng một luật sửa nhiều luật và ngược lại thì một luật cũng được sửa đổi, bổ sung ở nhiều luật có liên quan, kéo theo đó là các văn bản hướng dẫn thi hành cũng được sửa đổi, bổ sung nhưng tình trạng “nợ” các văn bản để hướng dẫn thi hành vẫn còn. Vì vậy, cần chấm dứt tình trạng này, thêm vào việc ban hành văn bản hợp nhất cũng phải đặc biệt quan tâm thực hiện để bảo đảm thuận tiện trong khi thi hành pháp luật.
Về tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, đại biểu Dương Khắc Mai thống nhất ý kiến của Ủy ban Kinh tế là “Đầu tư công năm 2025 là một trong những trụ cột để tăng trưởng nên cần có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý đầu tư công. Bảo đảm giải ngân được số vốn đầu tư công đã giao dự toán và bổ sung thêm trong điều kiện giải ngân vốn đầu tư là khâu yếu kéo dài nhiều năm và đặc thù năm 2025 tăng cường chính sách tài khóa, vốn đầu tư công bố trí ở mức cao, nhiều dự án trọng điểm hoàn thành hoặc chuẩn bị đầu tư. Có giải pháp thực chất, hiệu quả để thu hút đầu tư xã hội, thực hiện thành công chủ trương lấy “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; lưu ý giải quyết các tồn tại trong giải ngân đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.”
Về việc phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 để bổ sung đầu cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đại biểu đồng ý nhưng đề nghị không cào bằng mà phải căn cứ vào nhiệm vụ được giao để có mức tiết kiệm phù hợp.
Về việc đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về bội chi và nợ công, trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi NSNN lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP, đại biểu Dương Khắc Mai thống nhất cao với ý kiến Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Về nội dung đẩy nhanh tiến độ sửa đổi và triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII trong bối cảnh mới, đại biểu đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc đối với các dự án năng lượng tái tạo đang đứng im, gây lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội
Theo đánh giá trong báo cáo của Chính phủ thì “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển, chưa góp phần tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Trong khi đó, yếu tố quan trọng để tăng năng suất lao động là nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng cao và năng suất lao động là yếu tố quyết định sự thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 8% đặt ra. Do chỉ tiêu này gắn liền với tốc độ tăng trưởng, sức cạnh tranh và quy mô của nền kinh tế. Vì vậy, theo đại biểu Dương Khắc Mai, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hơn nữa, có kế hoạch cụ thể, khả thi cho việc đào tạo nguồn nhân lực để phát triển kỹ năng nghề của người lao động theo quy mô, số lượng và cơ cấu trình độ kỹ năng nghề…
Ngoài ra, đại biểu Dương Khắc Mai còn nhấn mạnh nhiều nội dung tại “Điều 2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu” của dự thảo nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các cuộc giám sát chuyên đề, đồng thời ban hành các nghị quyết yêu cầu các cơ quan, cá nhân liên quan tập trung thực hiện các nội dung này như khai thác hiệu quả cơ hội từ 17 FTA đã ký kết; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, vận tải; nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics; tạo đột phát trong phát triển khoa học, công nghệ; tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao; tháo gỡ ngay các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản … Tuy nhiên, thực tế việc triển khai một số nghị quyết còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới. Do đó, các cấp, ngành cần đẩy nhanh việc nghiên cứu, rà soát, tổ chức thực hiện, đưa ra các giải pháp hữu hiệu, căn cơ để bảo đảm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Và cuối cùng để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026_2030, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu có cơ chế, chính sách đặc thù, cho các địa phương có thế mạnh, trong đó Đắk Nông có trữ lượng khoáng sản bô xít lớn nhất nước để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển chung của đất nước và của địa phương.