Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Đại biểu Dương Khắc Mai góp ý dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

Đ. Diệu 14/02/2025 14:11

Sáng 14/2, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV thảo luận tập trung về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông góp ý nhiều nội dung của dự án Luật.

Đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh: Trong nhiều năm qua, quan điểm, đường lối của Đảng về công tác cán bộ, về đào tạo cán bộ, cán bộ người dân tộc thiểu số được thể hiện rõ nét trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định “... tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc... Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số”.

Mai 14
Đại biểu Dương Khắc Mai tham gia góp ý về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

Để thực hiện thành công các chủ trương, chính sách về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tạo thế và lực cho cách mạng, vai trò của cán bộ nói chung, của cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số nói riêng được xem là một khâu then chốt, trọng yếu, có tính quyết định.

Vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị bổ sung “chính sách dân tộc” vào khoản 1, Điều 5 (Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, cụ thể như sau: “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo đảm chính sách dân tộc và bình đẳng giới”.

Tại điểm a và điểm b, khoản 1, Điều 10 (Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ) đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị rà soát lại việc “thông qua các dự án luật” quy định tại điểm a khoản 1 và “thông qua các luật” quy định tại điểm b, khoản 2 có điểm khác biệt gì? Vì tại Điều 5 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội quy định nhiệm vụ của Quốc hội là “Làm luật và sửa đổi luật”. Do đó nên bỏ nội dung “thông qua các dự án luật”.

Khoản 2, Điều 15 (Phó Thủ tướng Chính phủ) quy định: “Khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt, một Phó Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm thay mặt Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ”.

Tại điểm a, khoản 2, Điều 9 (Ủy quyền) quy định rất rõ ràng hình thức ủy quyền: “Việc ủy quyền phải thực hiện bằng văn bản hành chính của người có thẩm quyền ủy quyền; văn bản ủy quyền phải quy định cụ thể nội dung, phạm vi và thời hạn ủy quyền; cách thức thực hiện ủy quyền và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn ủy quyền”. Do đó, để khả thi khi Luật áp dụng vào thực tiễn, đề nghị quy định bổ sung việc “ủy nhiệm” này được thực hiện theo hình thức nào, cụ thể như hình thức ủy nhiệm bằng văn bản hay trong kết luận cuộc họp của thành viên Chính phủ.

Đ. Diệu