Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Luật Tổ chức chính quyền địa phương nên có hiệu lực thi hành ngay khi Quốc hội thông qua

Đ. Diệu 13/02/2025 13:55

Tham tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) diễn ra vào sáng 13/2, đại biểu Dương Khắc Mai, TUV, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng luật này cần quy định có hiệu lực ngay sau khi Quốc hội thông qua.

Cụ thể, tại khoản 1, Điều 49 dự thảo Luật quy định: “Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2025”. Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Quốc hội xem xét để Luật này có hiệu lực thi hànhh ngay khi được Quốc hội thông qua để các địa phương có cơ sở thực hiện kịp thời công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Trên thực tế, nhiều địa phương sẽ tổ chức họp HĐND tỉnh ngay khi kết thúc họp Quốc hội.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Tại điểm b khoản 3 Điều 5 quy định một trong những tiêu chuẩn của đại biểu HĐND là: “Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Đại biểu đề nghị bổ sung từ “duy nhất” để khẳng định rõ tiêu chuẩn đại biểu HĐND là không có quốc tịch nào khác ngoài quốc tịch Việt Nam.

Tại khoản 2 Điều 7 dự thảo Luật quy định như sau: “Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương được mời tham dự các kỳ họp HĐND, phiên họp UBND cùng cấp khi bàn về các vấn đề có liên quan” có 2 vấn đề cần rà soát, điều chỉnh:

Tại đoạn 2 khoản 1 Điều 22 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định: “Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương tham dự các kỳ họp HĐND; được mời tham dự các phiên họp UBND cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

Khoản 2 Điều 22 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc: “Tại kỳ họp HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thông báo về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng chính quyền, ý kiến, kiến nghị của Nhân dân địa phương; đề xuất, kiến nghị với HĐND, UBND những vấn đề cần thiết”.

Như vậy, “Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương tham dự các kỳ họp HĐND như quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chính xác hơn là “Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được mời tham dự các kỳ họp HĐND như dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định.

Bên cạnh đó, trong khi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “được mời tham dự các phiên họp UBND cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” thì dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định “được mời tham dự các phiên họp UBND cùng cấp khi bàn về các vấn đề có liên quan”. Như vậy, việc quy định như dự thảo Luật có phần chưa hoàn chỉnh, không rõ ràng về nội dung và ngữ nghĩa.

Đ. Diệu