Cây mắc-ca giúp người dân vùng núi Kbang thoát nghèo
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 04:06, 13/02/2025
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kbang Mã Văn Tình cho biết, cây mắc-ca tương đối dễ trồng và rất phù hợp ở vùng đất có khí hậu mát lạnh như huyện Kbang. Chi phí đầu tư cho cây mắc-ca tương đối rẻ, trung bình một năm chỉ khoảng 30 - 40 triệu đồng/ha và giảm dần theo từng năm, trong khi giá bán ra thị trường ổn định từ 80-90 nghìn đồng/kg đối với sản phẩm tươi, còn qua chế biến, giá lên đến 180 nghìn đồng/kg.
Ðối với huyện Kbang, cà-phê vẫn được xem là cây trồng chủ lực, mắc-ca chủ yếu được trồng xen, vừa mục đích chắn gió, vừa tăng thêm thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cây mắc-ca ngày càng cho giá trị kinh tế cao cho nên nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư trồng thuần.
Ðồng chí Võ Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơ Pai cho biết, trên địa bàn xã vài ba năm trở lại đây, cây mắc-ca đang ngày càng được mở rộng diện tích. Thời điểm hiện tại, giá trị kinh tế từ cây mắc-ca cao hơn nhiều so với cây trồng chủ lực là cà-phê. Ðối với những hộ dân trồng thuần, cây mắc-ca cho năng suất rất cao, thu nhập trung bình mỗi năm hơn 300 triệu đồng/ha. Còn những hộ dân trồng xen với cà-phê thu nhập từ cây mắc-ca cũng khoảng 200 triệu đồng/ha.
Theo thống kê, tỉnh Gia Lai hiện có 14 trong số 17 địa phương trồng cây mắc-ca, trong đó huyện Kbang được coi là “thủ phủ” mắc-ca của tỉnh với diện tích khoảng 3.100 ha, tập trung tại các xã phía bắc và thị trấn Kbang. Mắc-ca không đơn thuần là cây lâm nghiệp được trồng để che chắn gió cho cây cà-phê mà đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Ðáng chú ý, ngày 10/7/2024, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Mắc-ca Kbang-Gia Lai”, mở ra chu kỳ phát triển kinh tế bền vững cho cây mắc-ca trên mảnh đất Kbang. Nhiều hộ gia đình đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để chế biến cho nên sản phẩm mắc-ca Kbang đã có mặt ở nhiều siêu thị trên toàn quốc.
Huyện Kbang kỳ vọng cây mắc-ca sẽ là hướng đi mới giúp nông dân thoát nghèo bền vững. Có cây trồng chủ lực, mang lại kinh tế sẽ giúp người dân hạn chế tình trạng du canh du cư, xâm chiếm đất rừng để trồng sắn, hoa màu, giảm áp lực bảo vệ rừng nguyên sinh ở Kbang.
Tỉnh Gia Lai đã ban hành Ðề án phát triển bền vững cây mắc-ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cây mắc-ca sẽ được phát triển chủ yếu tại huyện Kbang, đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích tại các vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp của các huyện: Ðak Ðoa, Mang Yang, Chư Păh… với chỉ tiêu phấn đấu tổng diện tích trồng mắc-ca đến năm 2030 đạt 4.045 ha.
Ông Ðoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, qua kiểm tra thực tế cho thấy, cây mắc-ca tương đối thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại các địa phương của tỉnh. Diện tích cây mắc-ca phát triển mạnh đã khẳng định hiệu quả kinh tế, nhất là ý nghĩa về an sinh xã hội khi tạo ra nhiều việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.