Kon Tum chú trọng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 04:16, 13/02/2025

Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách về đào tạo nghề của Ðảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tập trung triển khai các giải pháp đào tạo nghề hiệu quả. Ðào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động người dân tộc thiểu số, đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác giảm nghèo tại tỉnh.
Anh A Ngực (bên trái) ở làng Ðăk Rô Gia, xã Ðăk Trăm, huyện Ðăk Tô đang chăm sóc vườn dứa trồng xen lẫn mắc-ca của gia đình.Anh A Ngực (bên trái) ở làng Ðăk Rô Gia, xã Ðăk Trăm, huyện Ðăk Tô đang chăm sóc vườn dứa trồng xen lẫn mắc-ca của gia đình.

Sau khi được huyện tạo điều kiện tham gia các lớp học về phát triển cây dược liệu, cây mắc-ca, anh A Ngực ở làng Ðăk Rô Gia, xã Ðăk Trăm, huyện Ðăk Tô đã về tuyên truyền, vận động dân làng mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu xen lẫn mắc-ca.

Qua đó, dân làng được tiếp cận và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa trong khâu làm đất và đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm; giống cây trồng được đưa vào sản xuất là những giống mới có năng suất cao. Các hộ gia đình dần thành thục trong việc chăm sóc, tưới, tỉa cành cây mắc-ca cho nên cây trồng đạt năng suất cao.

Thực tế, nhiều đơn vị, địa phương tại tỉnh Kon Tum đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ, có năng lực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp...

Từ đó, người học nghề sau khi tốt nghiệp có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới; nâng cao nhận thức cho người dân về các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề.

Là địa phương với hơn 57% số dân là người dân tộc thiểu số, huyện Sa Thầy sớm xác định các ngành nghề đào tạo, các hình thức giáo dục phù hợp với đồng bào đồng thời đáp ứng tình hình thực tế tại địa phương. Huyện Sa Thầy thực hiện tốt công tác dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, tư vấn, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho hơn 50 nghìn lượt người.

Các ngành nghề được đào tạo chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp như: Trồng và chăm sóc cà-phê vối; cạo mủ cao su; trồng lúa; trồng cây ăn trái; trồng nấm sò, nấm linh chi; nuôi và chăm sóc trâu, bò, dê, thỏ và nuôi heo thịt, heo sinh sản; vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp; sửa chữa điện dân dụng; nghề nề, nề hoàn thiện, nghề hàn điện...

Bên cạnh việc phát huy thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp, huyện Sa Thầy ưu tiên nguồn ngân sách để phát triển các nghề truyền thống ở nông thôn như nghề nấu rượu, dệt thổ cẩm, làm chổi đót để nâng cao thu nhập cho người dân. Ðặc biệt, huyện thực hiện tốt việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Huyện đã mở được 16 lớp với hơn 400 học viên đào tạo nghề, số học viên sau đào tạo nghề phát huy hiệu quả làm việc trên địa bàn, đạt gần 90%. Ðến nay, hàng trăm lao động nông thôn có việc làm thường xuyên tại các cơ sở này.

Anh A Vôl ở làng Chứ, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy cho biết, năm 2022, gia đình anh có 6 ha cao su đang chuẩn bị cho thu mủ, gia đình anh loay hoay không biết thu hoạch ra sao. Khi nghe tin có lớp học cạo mủ cao su được mở tại xã, anh A Vôl đăng ký học ngay. Sau một thời gian chịu khó “lên lớp”, những kỹ thuật về cạo mủ cao su đã được anh nắm chắc và thành thục, sau đó về dạy lại cho những người trong gia đình.

Tại các lớp đào tạo nghề cho lao động người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum được thực hiện theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, người học trước chỉ cho người học sau, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành giúp các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức vào thực tế.

Chị Y Blẻo ở làng Chứ, xã YaLy, huyện Sa Thầy cho biết, hồi nhỏ chị cũng được học nghề dệt từ cha mẹ nhưng lâu ngày không sử dụng cho nên quên hết. Vừa rồi xã tổ chức lớp học, chị đăng ký học với mong muốn dệt đồ cho người trong gia đình đi dự lễ hội trong làng. Sau khi học nghề, ngoài các sản phẩm được học trên lớp, chị Y Blẻo còn sáng tạo, dệt thêm các sản phẩm khác với nhiều ý tưởng, hoa văn độc đáo để bán, kiếm thêm thu nhập cho gia đình và góp phần bảo tồn bản sắc của dân tộc mình.

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số, lao động nông thôn trên địa bàn, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu đến năm 2030, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, trong đó tỷ trọng làm việc trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đối với người dân tộc thiểu số đạt khoảng 17,6% và khoảng 49,2% số lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động là người dân tộc thiểu số (có ít nhất 50 lao động người dân tộc thiểu số tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng); số người trong lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo là 42,7%, trong đó đào tạo có bằng, chứng chỉ là 30,5%...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Y Ngọc cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… để tạo cơ hội cho đào tạo nghề; triển khai thực hiện có hiệu quả Ðề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Bên cạnh đó, phát huy tối đa hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm trong việc hướng nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động vùng nông thôn, là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, giúp họ tiếp cận thông tin, dữ liệu người tìm việc, việc tìm người…

PHÚC THẮNG