Ngày thơ cất lên bài ca thống nhất, phát triển
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 15:39, 11/02/2025

Bắt nhịp với ngày lễ lớn của đất nước
Diễn ra trong hai ngày 11 và 12/2/2025 (tức ngày 14 và 15 tháng Giêng, năm Ất Tỵ), Ngày thơ Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có chủ đề “Bài ca thống nhất”. Bên cạnh Sân thơ trẻ và Sân thơ thiếu nhi còn có triển lãm và hoạt động biểu diễn của 11 câu lạc bộ thơ trên địa bàn thành phố.
Khai thác thế mạnh trình diễn để đưa thơ đến gần công chúng là điểm nhấn của Ngày thơ này. Sau phần ngâm bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gióng trống khai hội sẽ là trích đoạn trường ca “Đường tới thành phố” (Hữu Thỉnh), “Hoa của nước” (Trầm Hương) cùng các ca khúc nổi tiếng như “Đất nước”, “Tiếng Việt ơi, tiếng Việt”, “Mùa chim én bay”… Mỗi phần trình diễn sẽ được Hội Nhà văn thành phố cùng Nhà hát Ca múc nhạc dân tộc Bông Sen chuẩn bị kỹ lưỡng để vừa truyền tải thông điệp ý nghĩa, vừa tạo nên không gian thưởng thức đặc sắc cho công chúng. Bên cạnh sân khấu trình diễn còn có chương trình giao lưu với các nhà thơ từng tham gia chiến đấu, các nhân chứng lịch sử, giới thiệu tác giả - tác phẩm mới, tọa đàm “Vần điệu thi ca dưới mái trường” và “Sức trẻ thơ phương Nam trong dòng chảy thơ Việt”. Các câu lạc bộ cũng tranh tài trình diễn thơ ca bên cạnh hoạt động giao lưu, quảng bá tác phẩm.
Không gian triển lãm tại “Đường thơ” sẽ giới thiệu 12 tác giả tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn từ sau thời điểm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước đến nay với những tên tuổi quen thuộc như Bảo Định Giang, Chế Lan Viên, Hoài Vũ, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Lê Giang, Viễn Phương, Chim Trắng, Diệp Minh Tuyền, Phạm Sỹ Sáu, Trương Nam Hương, Thu Nguyệt. Chiếm đại đa số là thế hệ văn nghệ giải phóng, những nhà thơ đã chiến đấu ở chiến khu Nam Bộ, góp phần thống nhất đất nước và sau năm 1975 họ vẫn tiếp tục sáng tác.
Còn không gian “Gương mặt mới cho kỷ nguyên mới” sẽ giới thiệu 8 tác giả trẻ (dưới 35 tuổi) đang được công chúng yêu mến là Minh Anh, Trần Đức Tín, Trần Văn Thiên, Đoàn Nguyễn Anh Minh, Nguyễn Trần Khải Duy, Huỳnh Xuân Tùng, Lương Phan Huy Bảo, Trần Trọng Đoàn. “Năm nay, chúng tôi giới hạn độ tuổi của các gương mặt trẻ thấp hơn so mọi năm. Ban tổ chức chọn ra 8 gương mặt với đa dạng đời sống sáng tác để thấy được sự sinh động của thi ca. Họ đều có tác phẩm xuất bản và thơ của nhiều người đã trở thành hiện tượng trên mạng xã hội. Có bạn là học sinh, có bạn sinh viên hoặc đang làm những nghề khác nhau. Trên poster sẽ bao gồm chân dung tác giả và 4 câu thơ tâm đắc nhất của họ thay vì chỉ giới thiệu gương mặt như mọi năm. Bạn trẻ sẽ thấy những người cùng thế hệ với họ sống và viết như thế nào”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó trưởng Ban tổ chức Ngày thơ cho hay.
Kỳ vọng nhân lên các không gian Ngày thơ
Nếu như “Bài ca thống nhất” là chủ đề nhiều hàm ý của Ngày thơ từ thành phố mang tên Bác, trước thềm kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), thì dường như cũng mang ý nghĩa cộng hưởng với Ngày thơ này và của nhiều địa phương khác, “Tổ quốc bay lên” sẽ là chủ đề chính của hoạt động Ngày thơ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Đây cũng là cuộc phối hợp đầu tiên giữa Hội và tỉnh Ninh Bình để Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 diễn ra trọn vẹn tại tỉnh, là một gợi mở cho việc thúc đẩy đưa Ngày thơ đến với các địa phương khác nhau.
Thông tin từ Ban tổ chức cho thấy, các hoạt động khác nhau sẽ diễn ra từ sáng đến tối ngày Nguyên tiêu. Tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ” sẽ diễn ra từ 8 giờ 30 phút tại khách sạn Hoàng Sơn, TP Hoa Lư. Đêm thơ “Tổ quốc bay lên” - lấy từ câu “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” trong bài “Dáng đứng Việt Nam” của nhà thơ Lê Anh Xuân, sẽ diễn ra từ 8 giờ tại Nhà hát Phạm Thị Trân, TP Hoa Lư. Điểm giữa các bài thơ của các gương mặt qua các giai đoạn từ sau 1975 đến đổi mới và từ đổi mới đến nay sẽ là các bài hát phổ thơ nổi tiếng, cùng những sáng tác về lịch sử, văn hóa miền đất Ninh Bình. Nhà thơ Hữu Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, người tham gia xây dựng kịch bản và chương trình Ngày thơ cho biết, hoạt động khác cần kể đến là trưng bày các tấm pa-nô với khoảng 30-40 bài thơ cổ khắc trên những ngọn núi ở Ninh Bình. Bảo tàng Văn học Việt Nam sẽ trưng bày 20 poster giới thiệu các nhà thơ được Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kỳ vọng, việc mở rộng không gian, địa bàn tổ chức Ngày thơ của Hội ra ngoài Thủ đô Hà Nội sẽ góp phần thu hút thêm nhiều người yêu thơ ở Ninh Bình và các địa phương khác đến tham dự.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường: Thời gian qua, Ninh Bình là nơi tổ chức và diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc gia, quốc tế. Mong lần đăng cai phối hợp tổ chức Ngày thơ sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp về văn hóa, thiên nhiên, thi ca và con người Ninh Bình với các nhà văn, nhà thơ và công chúng yêu thơ.