Mối lo của Đắk Nông từ 500 tấn thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm
Việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải phát sinh trong sản xuất nông nghiệp tại Đắk Nông đã có những chuyển biến nhưng còn gặp nhiều khó khăn.
Đã có thay đổi
Những ngày đầu năm mới, không khí lao động trên cánh đồng Đắk Rền, xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô rất khẩn trương. Trên cánh đồng hàng trăm ha, người dân đã và đang xuống giống, chăm sóc đủ loại cây trồng ngắn ngày như lúa, ngô, khoai lang…
Nhờ đất đai màu mỡ và hệ thống trạm bơm, kênh mương hoàn chỉnh, người dân áp dụng các biện pháp luân canh, gối vụ. Tại phần lớn khu đất, nhiều loại cây trồng đang bước vào độ tăng trưởng mạnh. Hàng ngày, người dân cấp nước, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho cây trồng.
Vỏ chai, vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng được người dân tập kết tại các thùng bê tông tròn đặt ngay tại các trục đường chính. Trên cánh đồng này có nhiều thùng bê tông chứa vỏ bao thuốc BVTV như vậy, do thanh niên xã Nâm N’đir lắp đặt trong năm 2024.

Theo người dân địa phương, hầu hết các vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đều được người dân bỏ vào thùng. Khi lượng rác đầy, người dân sẽ tiến hành đốt.
Việc lắp đặt các thùng bê tông tập kết vỏ thuốc BVTV đã giúp thay đổi thói quen của nông dân. Người dân không còn vứt vỏ thuốc BVTV bừa bãi như trước, giảm tác động đối với môi trường.
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến, lượng vỏ thuốc BVTV trên cánh đồng Đắk Rền là khá lớn. Một số thùng tập kết rác BVTV đã đầy và chưa được xử lý nên vỏ thuốc được để xung quanh. Đáng lo lắng là những thùng tập kết rác BVTV nằm sát các mương nước, tiềm ẩn nhiều mối lo về môi trường.

Trên các trục đường chính trên cánh đồng Buôn Choáh, huyện Krông Nô, các thùng tập kết, xử lý rác từ thuốc BVTV đã được lắp đặt nhiều năm. Các thùng tập kết này bằng bê tông, hình tròn với đường kính hơn 1m, cao hơn 1,5m.
Việc lắp đặt các thùng tập kết vỏ thuốc BVTV đã thay đổi hẳn thói quen của nông dân Buôn Choáh. Hiện nay, rác thải từ thuốc BVTV trên cánh đồng Buôn Choáh cơ bản đều được tập kết và xử lý bằng hình thức đốt tại các hố thu gom.
Tại huyện Cư Jút, việc thu gom rác thải từ thuốc BVTV đã được quan tâm cách đây nhiều năm. Các thùng tập kết, thu gom rác thải từ thuốc BVTV đã được thí điểm lắp đặt và mở rộng từ năm 2020 tại nhiều xã như: Trúc Sơn, Cư K’nia, Đắk D’rông…
Lãnh đạo UBND huyện Cư Jút cho biết, phần lớn các hộ nông dân đều sử dụng thuốc BVTV trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Người dân thường có thói quen vứt bỏ vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng khá tùy tiện. Các chất thải này còn chứa dư lượng thuốc BVTV, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Vận dụng nguồn lực từ chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Cư Jút đã bố trí hàng trăm triệu đồng để lắp đặt hàng chục bể chứa chất thải thuốc BVTV. Chính quyền còn hợp đồng với một đơn vị ở tỉnh khác để thu gom, xử lý rác thải phát sinh từ thuốc BVTV.
Còn nhiều mối lo
Theo Sở NN-PTNT Đắk Nông, thời gian qua, các đơn vị chuyên môn của sở đã tổ chức các khóa tập huấn về sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” và thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV. Một số công văn chỉ đạo được Sở NN-PTNT ban hành để hướng dẫn thực hiện.
Qua báo cáo của các địa phương, toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 230 bể chứa rác thải thuốc BVTV. Trong đó, có 94 bể không đáy, 106 bể có đáy và nắp, 30 bể có đáy. Tuy nhiên, có 22 bể chứa rác thải thuốc BVTV đã hư hỏng, không sử dụng được.
Trong năm 2024, Sở NN-PTNT Đắk Nông thống kê được khoảng 3,8 tấn rác thải từ thuốc BVTV tại địa bàn được thu gom. Trong số này, huyện Cư Jút được thu gom hơn 2,34 tấn, huyện Krông Nô gần 1,22 tấn và huyện Đắk Mil 0,24 tấn.

Tại huyện Cư Jút, chính quyền đã hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý rác thải từ thuốc BVTV. Tại huyện Krông Nô, lượng rác phát sinh từ vỏ chai, vỏ bao bì thuốc BVTV được thu gom và đốt ngay tại các bể chứa.
Đối với 5 đơn vị hành chính cấp huyện còn lại, Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết chưa nhận được báo cáo về số lượng bể chứa và lượng thuốc BVTV sau sử dụng. Hình thức tiêu hủy chủ yếu do người dân tự thu gom, đốt tại ruộng, rẫy.
Việc thu gom, xử lý rác thải từ thuốc BVTV tại Đắk Nông đã có chuyển biến nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Trong điều kiện địa bàn rộng và dân cư phân tán, nhiều người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường.
Nhiều địa phương chưa xây dựng các bể chứa hoặc có xây dựng nhưng các bể chứa chất thải từ thuốc BVTV không bảo đảm tiêu chuẩn.

Bao bì thuốc BVTV thuộc nhóm chất thải nguy hại, nếu không xử lý đúng quy trình có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong khi đó, tại Đắk Nông hiện chưa có đơn vị nào có chức năng thu gom, xử lý chất thải nguy hại.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chuyên môn về phân bón, thuốc BVTV tại Đắk Nông thời gian qua đã lồng ghép việc thu gom, xử lý rác thải từ thuốc BVTV. Tuy nhiên, việc tuyên truyền chủ yếu được lồng ghép với nội dung đơn giản, thiếu tính lan tỏa.
Tại Đắk Nông, Sở NN-PTNT thống kê, mỗi năm, nông dân sử dụng khoảng 2,6 triệu tấn phân bón các loại và khoảng 500 tấn thuốc BVTV. Lượng rác thải từ vật tư nông nghiệp nói chung, thuốc BVTV nói riêng, rất lớn. Nếu không được thu gom, xử lý sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Sở NN-PTNT Đắk Nông cho rằng, để thay đổi nhận thức của người dân về thu gom, xử lý rác thải từ thuốc BVTV cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân cần được tăng cường hơn nữa bằng các hình thức đa dạng, trực quan, có tính lan tỏa.
“Sở đã đề nghị các địa phương xây dựng thêm các bể chứa đạt tiêu chuẩn để người dân có nơi tập kết rác thải thuốc BVTV. Chúng tôi cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn quy trình tiêu hủy rác thải từ thuốc BVTV phù hợp với quy định của pháp luật”, lãnh đạo Sở NN-PTNT Đắk Nông cho hay.