Nguyên nhân ngân hàng ồ ạt rao bán bất động sản sau Tết

Thuế - Tài chính - Ngày đăng : 12:43, 10/02/2025

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng đẩy mạnh rao bán các bất động sản thế chấp, với giá trị từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ đồng.

Bất động sản được rao bán ồ ạt

Ngân hàng VietinBank, chi nhánh Hà Thành vừa thông báo đấu giá bất động sản để thu hồi nợ xấu. Cụ thể, tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, có diện tích 77,5m² tại A11 Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP.HCM, với giá khởi điểm 15,54 tỷ đồng. Đây là lần thứ tư ngân hàng này rao bán bất động sản này.

Trước đó, ngày 6/2, Agribank chi nhánh Long Biên thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Khánh Hương, được thế chấp bằng ba bất động sản. Tài sản thứ nhất: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền tại số 12, ngõ 66, phố Yên Lạc, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tài sản thứ hai: Căn hộ số 606, nhà 17T2, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tài sản thứ ba: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền tại thửa đất số 04 và 02, tờ bản đồ số K4 và K5, xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ngân hàng không công bố giá khởi điểm của khoản nợ này.

Ngoài ra, Agribank cũng thông báo đấu giá lô đất rộng hơn 6.700m² tại phường 12, TP. Vũng Tàu, với giá khởi điểm 62,7 tỷ đồng.

Ngân hàng này tiếp tục đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH TM DV ASV tại Agribank chi nhánh Tân Phú theo hợp đồng tín dụng ký năm 2019. Đến ngày 20/1/2025, khoản nợ tạm tính hơn 105 tỷ đồng, bao gồm 68,9 tỷ đồng nợ gốc và 36,4 tỷ đồng nợ lãi. Khoản nợ được thế chấp bằng ba lô đất tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM, với diện tích từ 290m² đến 2.285m². Giá khởi điểm cho toàn bộ khoản nợ là 93,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Agribank cũng thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH TM DV Chăm Sóc Cuộc Sống, phát sinh từ hợp đồng tín dụng năm 2020. Đến ngày 20/1/2025, khoản nợ tạm tính 37,8 tỷ đồng, gồm 24,8 tỷ đồng nợ gốc và 12,9 tỷ đồng nợ lãi. Khoản nợ này được đảm bảo bằng hai lô đất tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM, với diện tích 322m² và 734m². Giá khởi điểm của toàn bộ khoản nợ là 33,8 tỷ đồng.

Trong ngày đầu năm, Vietcombank cũng ra thông báo rao bán quyền sử dụng đất và công trình xây dựng gồm bốn tầng + một tum, tại thôn Hồng Thắng, xã Quảng Cư, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Giá khởi điểm của tài sản này là 32,5 tỷ đồng. Theo Vietcombank, giá khởi điểm chưa bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí chuyển nhượng theo quy định pháp luật.

Nguyên nhân ngân hàng ồ ạt rao bán bất động sản sau Tết
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng đẩy mạnh rao bán các bất động sản thế chấp, với giá trị từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ đồng.

Liệu nợ xấu có tăng?

Năm 2024, nợ xấu tiếp tục là một thách thức lớn đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, phản ánh tình trạng tài chính của nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch và chịu nhiều áp lực từ môi trường kinh tế toàn cầu.

Việc doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong thanh toán nợ do lãi suất cao, sự suy giảm của thị trường bất động sản và sản xuất đã khiến tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải có chiến lược chủ động và linh hoạt để ứng phó.

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết tỷ lệ nợ xấu đang tăng. Cụ thể, đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ này đạt 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023 và cao hơn nhiều so với mức 2% của năm 2022.

Tuy nhiên, theo báo cáo Triển vọng ngành ngân hàng năm 2025 của VIS Rating, nợ xấu dự kiến sẽ giảm dần nhờ khả năng trả nợ của khách hàng được cải thiện trong điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn.

Các yếu tố như đẩy mạnh đầu tư công, dòng vốn FDI ổn định, thặng dư thương mại và những nỗ lực tháo gỡ rào cản pháp lý sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh, cải thiện dòng tiền của doanh nghiệp trong năm 2025.

Khả năng thanh toán nợ của khách hàng cá nhân cũng được kỳ vọng sẽ dần ổn định nhờ thu nhập từ kinh doanh và việc làm phục hồi, cùng với sự hồi sinh của thị trường bất động sản.

VIS Rating dự báo tỷ lệ nợ có vấn đề trong toàn ngành ngân hàng sẽ giảm xuống 2,2% vào năm 2025 từ mức 2,3% của năm 2024, với động lực chính đến từ các ngân hàng quốc doanh và một số ngân hàng lớn có chiến lược cho vay thận trọng, hạn chế rủi ro từ các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn.

Tuy vậy, một số ngân hàng nhỏ và vừa vẫn có thể đối diện với thách thức liên quan đến các khoản vay mua nhà gắn với các dự án mang tính đầu cơ.

Thanh Cao