Sự khác biệt giữa “Chỉ dẫn địa lý” Và “Xuất xứ hàng hóa”
Thuế - Tài chính - Ngày đăng : 06:52, 10/02/2025
Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam định nghĩa “Chỉ dẫn địa lý” là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ một khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể với những tiêu chí đặc thù như sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý hay sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

Chỉ dẫn địa lý thường gắn liền với tên địa danh, như nước mắm Phú Quốc, bưởi Đoan Hùng hay nho Ninh Thuận. Tại Việt Nam, quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý thuộc về Nhà nước, và chỉ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tại khu vực địa lý đó mới có quyền sử dụng. Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý được xác lập thông qua quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ theo thủ tục đăng ký hoặc theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đặc biệt, theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi sử dụng (gắn) dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó và việc gắn dấu hiệu này được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân không có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý bị coi là hành vi giả mạo về sở hữu trí tuệ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Tại Việt Nam, Điều 3 Luật Thương mại định nghĩa “Xuất xứ hàng hoá là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hoá trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hoá đó”. Điều 3 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa cũng ghi nhận định nghĩa tương tự.
Xuất xứ hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế, ảnh hưởng đến thuế quan và chính sách nhập khẩu. Ngoại trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật (như bất động sản, thực phẩm tươi sống bán trực tiếp cho người tiêu dùng, hàng hóa đã qua sử dụng…), hàng hóa khi lưu thông trên thị trường bắt buộc phải ghi rõ xuất xứ trên nhãn hàng hóa. Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện xuất xứ hàng hóa, nội dung này phải được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi xuất xứ hàng hóa.

Xuất xứ hàng hóa còn được coi là “quốc tịch” của hàng hóa mà căn cứ vào đó, cơ quan hải quan xác định được hàng hóa đến từ đâu và có được hưởng ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hay không. Tại Việt Nam, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đối với hàng hóa xuất khẩu là Bộ Công Thương.
Sự khác biệt giữa hai khái niệm này thể hiện rõ qua mục đích và phạm vi áp dụng. Chỉ dẫn địa lý nhằm xác nhận danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính riêng biệt của sản phẩm dựa vào yếu tố địa lý, trong khi xuất xứ hàng hóa chỉ đơn thuần xác định quốc gia hoặc vùng lãnh thổ sản xuất hàng hóa. Chỉ dẫn địa lý chủ yếu liên quan đến nông sản, thực phẩm, đồ uống, hàng thủ công truyền thống, trong khi xuất xứ hàng hóa áp dụng cho mọi loại hàng hóa. Yếu tố quyết định của chỉ dẫn địa lý là đặc điểm chất lượng, danh tiếng hoặc đặc tính riêng biệt do yếu tố tự nhiên hoặc con người của địa phương đó mang lại. Ngược lại, xuất xứ hàng hóa được xác định dựa trên nơi sản xuất, lắp ráp cuối cùng hoặc nguồn gốc nguyên liệu chính. Về mặt pháp lý, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo luật sở hữu trí tuệ và có thể đăng ký quốc tế, trong khi xuất xứ hàng hóa thường được quy định trong luật thương mại và quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Chỉ dẫn địa lý mang ý nghĩa kinh tế quan trọng khi giúp gia tăng giá trị sản phẩm, bảo vệ danh tiếng của địa phương và hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững cho các khu vực sản xuất đặc thù. Trong khi đó, xuất xứ hàng hóa là yếu tố quan trọng trong thương mại quốc tế, ảnh hưởng đến thuế quan, quy định nhập khẩu và niềm tin của người tiêu dùng.
Dù đều liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý và xuất xứ hàng hóa có những khác biệt rõ rệt về bản chất và mục đích. Việc hiểu đúng hai khái niệm này không chỉ giúp doanh nghiệp tận dụng lợi thế thương mại mà còn góp phần bảo vệ và phát triển thương hiệu sản phẩm một cách hiệu quả.