Đời sống

Đắk Nông bảo đảm sinh kế để người dân giảm nghèo bền vững

Dương Phong 06/02/2025 10:43

Nhiều hộ dân ở tỉnh Đắk Nông đã được hỗ trợ thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, qua đó giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và tạo ra cơ hội việc làm để giảm nghèo bền vững.

Không còn cảnh chạy ăn từng bữa, 2 năm qua, đời sống gia đình chị H’Hồng, dân tộc Mạ, thôn 3, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong dần đi vào ổn định nhờ vườn cà phê và đàn dê giống.

Theo chị H’Hồng, cuối năm 2023, gia đình chị được Nhà nước hỗ trợ 6 con dê sinh sản. Nhận thấy nuôi dê ít tốn công chăm sóc, thức ăn dễ tìm kiếm nên chị đã mua thêm 5 con về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, đàn dê ngày càng phát triển. Phân dê được gia đình chị tận dụng, tạo nguồn phân bón cho vườn cà phê.

img_8491.jpg
Cuối năm 2023, gia đình chị H'Hồng được Nhà nước hỗ trợ 6 con dê sinh sản

Chị H’Hồng chia sẻ: “Trước khi được cấp dê giống, vợ chồng tôi đã được tập huấn kỹ thuật, làm chuồng trại và kỹ thuật chăm sóc dê sinh sản. Sau 1 năm, tôi nhận thấy nuôi dê khá hiệu quả, không cần nhiều thời gian chăm sóc. Bởi mỗi ngày, gia đình chỉ cần khoảng 1 tiếng đồng hồ chuẩn bị thức ăn, còn phần lớn thời gian chúng tôi đi làm rẫy”.

Từ nguồn kinh phí gần 93 tỷ đồng của Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được bố trí, từ năm 2022 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã phân bổ cho các địa phương để thực hiện các dự án cải tạo cà phê, trồng dâu nuôi tằm, nuôi gà, bò, dê sinh sản…

Thực hiện các dự án, các hộ dân được quyền lựa chọn mô hình, lựa chọn con giống phù hợp với điều kiện thực tế. Nhiều địa phương linh hoạt trong công tác đa dạng hóa sinh kế, tổ chức các buổi tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới để người dân phát triển kinh tế bền vững.

img_8502.jpg
Nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống sau khi được hỗ trợ sinh kế

Bà Trương Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thành, huyện Đắk R'lấp cho biết thêm: “Trong quá trình thực hiện dự án, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện Đắk R’lấp, ban tự quản thôn trực tiếp hỗ trợ người dân, kịp thời hướng dẫn, tư vấn cho các hộ dân được cấp phát bò sinh sản. Nhờ dự án này, một số hộ nghèo của địa phương đã thoát nghèo, từ đó góp phần giảm hộ nghèo, thúc đẩy kinh tế phát triển”.

Chương trình hỗ trợ sinh kế không chỉ dừng lại ở việc cung cấp cây, con giống và kiến thức. Chương trình còn tạo ra sự kết nối giữa các cá nhân và tổ chức trong cộng đồng. Trong số này, đã có nhiều hộ được hỗ trợ bò, dê, hình thành mô hình nuôi chung, đổi công cho nhau. Mô hình góp phần giảm chi phí, nhân công chăm sóc, nâng cao hiệu quả của các dự án sinh kế, đặc biệt là tăng cường tinh thần đoàn kết, khuyến khích nhau cùng vượt khó.

Ông Phan Văn Quốc, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, toàn tỉnh Đắk Nông hiện còn 5.163 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,99%. Để đạt mục tiêu về công tác giảm nghèo trong năm 2025 và chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 -2025 đề ra, các địa phương đang đẩy mạnh thực hiện nhiều dự án đa dạng hóa sinh kế, tạo động lực để các hộ dân vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện còn 5.163 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,99%. Để đạt mục tiêu về công tác giảm nghèo trong năm 2025 và chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 -2025 đề ra, các địa phương đang đẩy mạnh thực hiện nhiều dự án đa dạng hóa sinh kế, tạo động lực để các hộ dân vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Ông Phan Văn Quốc, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Dương Phong