Đắk Nông nghiên cứu xử lý dứt điểm 64.000ha đất thu hồi từ các doanh nghiệp
64.000ha được UBND tỉnh thu hồi của các doanh nghiệp giao về cho địa phương quản lý nhưng việc cấp quyền sử dụng đất cho người dân còn nhiều vướng mắc.
Tại Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân diễn ra ngày 27/12/2024, chị Thị Thảo, một nông dân đến từ xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức cho hay, hiện nay, tại huyện Tuy Đức có nhiều diện tích đất nông nghiệp được các công ty, doanh nghiệp trả về địa phương quản lý.
Đa số diện tích đất này được người dân canh tác nhiều năm nay. Chị Thị Thảo đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương có phương án cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nông dân ổn định sản xuất, cuộc sống.

Trước đề nghị của chị Thảo, lãnh đạo Sở TN - MT Đắk Nông thông tin: Hiện nay, tỉnh đang rà soát diện tích đất các công ty không thuộc diện sắp xếp theo Nghị định số 118/2014 của Chính phủ.
Thực hiện Nghị định 118 của Chính phủ, toàn tỉnh đã thu hồi 64.000ha trên địa bàn các huyện giao cho các huyện quản lý. Tuy vậy, công tác triển khai đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tương đối chậm.
Nguyên nhân chậm do kinh phí bố trí đo đạc của tỉnh phụ thuộc vào tiền sử dụng đất. Trong khi những năm gần đây, nguồn thu sử dụng đất của tỉnh rất thấp.
“Lâu nay, chúng ta chủ yếu sử dụng nguồn từ kinh phí hỗ trợ. Về phía tỉnh đã tích cực làm việc với các bộ, ngành, Trung ương để hỗ trợ kinh phí đo đạc toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi từ nông lâm trường, nhưng kết quả chưa cao”, lãnh đạo Sở TN - MT Đắk Nông cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Sở TN - MT Đắk Nông, đối với cấp huyện để làm được việc triển khai đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các hộ gia đình, hộ đồng bào đang sản xuất thì phụ thuộc vào Luật Đất đai quy định phải lập phương án sử dụng đất.
Hiện tại, tỉnh ta đang triển khai nhưng làm chưa xong. Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất tỉnh đã phê duyệt cho các huyện đến năm 2030 thì hàng năm phải lập kế hoạch nhưng các huyện đang triển khai rất chậm.
Quá trình sử dụng đất của bà con có nhiều nguồn gốc khác nhau. Có những hộ lấn chiếm đất lâm nghiệp, đất rừng, mua bán, chuyển nhượng… Do đó, xác định đối tượng, nguồn gốc, diễn biến để đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận mất rất nhiều thời gian.

Trả lời câu hỏi của chị Thảo, lãnh đạo Sở TN - MT Đắk Nông đề nghị huyện Tuy Đức sớm lập phương án trình UBND tỉnh phê duyệt và đối chiếu quy hoạch sử dụng đất làm cơ sở để triển khai và ưu tiên những diện tích bà con đã canh tác lâu năm, không tranh chấp.
Chính quyền cấp huyện phải quan tâm hơn nữa trong việc này và có phương án để sớm triển khai cấp giấy chứng nhận sử dụng đất hàng năm.
Về ý kiến của chị Thảo, Phó Chủ tịch UBND Đắk Nông Lê Trọng Yên đề nghị Sở TN - MT và UBND các huyện, trong đó có Tuy Đức cần có cách nhìn để xử lý việc 64.000ha đất.

“Đề nghị Sở TN - MT nghiên cứu Điều 181 của Luật Đất đai 2024, bởi luật mới đã gỡ đất nông lâm trường. Quan trọng nhất là giải quyết dứt điểm cho đối tượng quyền được giao đất hay cho thuê. Vì thế, phải giải quyết dứt điểm bởi không chỉ ý kiến của 1 đại biểu mà có nhiều người đất thuộc 64.000ha. Chủ tịch UBND các huyện phải có trách nhiệm giải quyết 64.000ha đất này”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên chỉ đạo.
Nhiều nông dân phản ánh gặp khó khăn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và mong muốn tỉnh giải quyết sớm, thỏa đáng, từ đó ổn định sản xuất, cuộc sống.