Kinh tế

Đắk Nông quyết liệt làm sạch môi trường thương mại số

Lê Dung 06/02/2025 07:22

Đắk Nông đang đẩy mạnh các giải pháp đấu tranh để chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần làm sạch môi trường số.

Nhiều thách thức

Trong bối cảnh hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh chóng, nhất là qua các nền tảng mạng xã hội, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả đang trở thành vấn đề nóng.

Siêu thị
Hàng hóa được bán qua các kênh thương mại điện tử đang phát triển một cách nhanh chóng

Ngày 14/1/2024, qua theo dõi, giám sát, Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường Đắk Nông đã phát hiện cơ sở kinh doanh Quỳnh Anh đang sử dụng trang facebook cá nhân để bán mỹ phẩm có dấu hiệu vi phạm.

Đội đã tiến hành kiểm tra và phát hiện được một số lượng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính với số tiền 42,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm, bao gồm: 720 sản phẩm mỹ phẩm các loại, có tổng giá trị 46,5 triệu đồng.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đắk Nông, Phó Ban Thường trực BCĐ 389 tỉnh Trương Văn Nhương thông tin, từ đầu năm đến nay, Tổ TMĐT của Đắk Nông đã tổng hợp, phân loại được 31 đối tượng là cá nhân, tổ chức trên địa bàn có thực hiện kinh doanh, buôn bán hàng hóa trên các trang TMĐT, trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok…

img_8361.jpg
Đắk Nông đang có 31 cá nhân, tổ chức thực hiện kinh doanh, buôn bán hàng hóa trên các trang TMĐT

Ông Nhương cho biết, đây là nỗ lực lớn của các lực lượng chức năng trong quá trình bám nắm địa bàn và rà soát đối tượng. Bởi TMĐT đang là một lĩnh vực mới và phát triển nhanh. Trong khi, nghiệp vụ về kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng trong lĩnh vực này còn hạn chế.

Trang thiết bị phục vụ chưa bảo đảm nên hiệu quả đấu tranh phòng, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT chưa đạt hiệu quả cao.

Quá trình kiểm tra TMĐT thường khó xác định được vị trí, địa điểm, kho hàng và đối tượng vi phạm. Vì các đối tượng có thể thay đổi thông tin thường xuyên, dùng địa chỉ ảo để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

Các đối tượng thường lập và sử dụng nhiều tài khoản để thực hiện việc kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội như: zalo, facebook, tiktok...

Lực lượng Quản lý thị trường Đắk Nông kiểm tra việc chấp hành các quy định tại các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở Đắk R
Lực lượng Quản lý thị trường Đắk Nông kiểm tra, bám nắm địa bàn để kịp thời phát hiện các dối tượng vi phạm trong kinh doanh

Nhiều đối tượng thường thuê nhà ở, vừa làm điểm tập kết, vừa trung chuyển hàng hóa. Các khu vực này thường có an ninh, bảo mật cao gây khó khăn cho công tác tiếp cận trinh sát và kiểm tra xử lý…

Trong năm 2024, Tổ TMĐT đã kiểm tra 37 vụ, phát hiện, xử lý vi phạm 37 vụ, tổng số tiền xử phạt 242,5 triệu đồng. Hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy gồm: 541 sản phẩm quần áo các loại; 1.078 sản phẩm mỹ phẩm các loại; 50 hộp kem đánh răng, với tổng giá trị là hơn 128 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu được lực lượng chức năng phát hiện như: kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa

Xu thế mua hàng qua các kênh TMĐT của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng trong 2-3 năm trở lại đây và những năm tiếp theo với tất cả các mặt hàng. Song song với đó, TMĐT cũng trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng phổ biến.

Mức lương cơ sở tăng tác động trực tiếp đến hoạt động tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ trên toàn tỉnh Đắk Nông
Nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán cũng chính là kẽ hở cho các đối tượng quảng cáo, kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ

Dự báo, sau Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh sẽ vẫn diễn biến phức tạp.

Cùng với đó, việc lợi dụng hoạt động TMĐT, các trang mạng xã hội để quảng cáo, kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu sẽ là thách thức cho các lực lượng chức năng thực thi công tác này.

Ngành chức năng cũng xác định, công tác chống hàng giả trên môi trường TMĐT là nhiệm vụ mới, mặt trận mới. Vì vậy, trong năm 2025, BCĐ 389 của tỉnh sẽ tăng cường thực hiện thanh, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, nhất là trên nền tảng mạng xã hội như: zalo, facebook, tiktok…

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn việc kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường TMĐT, các lực lượng chức năng sẽ tổ chức theo dõi thông tin, nắm chắc tình hình địa bàn.

Các đơn vị cũng sẽ thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra việc tuân thủ pháp luật về TMĐT của các thương nhân, tổ chức, cá nhân.

img_8316.jpg
Kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội có xu hướng phát triển mạnh tại Đắk Nông trong thời gian gần đây

Lực lượng quản lý thị trường cũng định hướng sẽ thay đổi toàn diện phương thức hoạt động kiểm tra, kiểm soát. Theo đó, thay vì kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, lực lượng sẽ chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa; đặt mục tiêu trở thành lực lượng phản ứng nhanh, hoạt động 24/7h.

Đặc biệt, lực lượng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung. Trong đó, đưa các giải pháp về công nghệ áp dụng vào quá trình giám sát, phòng ngừa. Đồng thời, tập trung triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đắk Nông Trương Văn Nhương cho hay, thương mại số tại Đắk Nông đang phát triển mạnh, nhưng cũng đối mặt với nhiều vấn đề như hàng giả, lừa đảo, thông tin sai lệch. Để làm sạch thị trường, cần có những giải pháp đồng bộ từ cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trước hết, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát các sàn thương mại điện tử, trang bán hàng trực tuyến để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Các biện pháp như cấp phép hoạt động, kiểm định chất lượng sản phẩm, và xử phạt nghiêm minh sẽ góp phần tạo môi trường minh bạch.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần cam kết kinh doanh lành mạnh, minh bạch về nguồn gốc hàng hóa, cung cấp thông tin chính xác cho khách hàng. Xây dựng hệ thống đánh giá uy tín của người bán cũng là một biện pháp quan trọng.

Về phía người tiêu dùng, cần nâng cao nhận thức, chọn lựa các kênh mua sắm đáng tin cậy, kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch. Đồng thời, phản ánh kịp thời các trường hợp gian lận để bảo vệ quyền lợi chính đáng.

“Thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, lực lượng quản lý thị trường sẽ xây dựng đội ngũ công chức, kiểm soát viên chuyên trách về TMĐT. Cùng với đó là việc đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về TMĐT cho đội ngũ công chức. Đặc biệt các kỹ năng liên quan tới điều tra, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng”, ông Nhương cho biết.

Lê Dung