Kinh tế

OCOP nâng tầm nông nghiệp Đắk Nông

Hưng Nguyên 27/01/2025 10:15

OCOP mang lại nhiều giá trị cho nông sản Đắk Nông, góp phần giải quyết việc làm, phát triển các vùng nông thôn.

Thay đổi nhận thức sản xuất

Sau khi hình thành vùng nguyên liệu ca cao hơn 140ha, HTX Nông nghiệp Krông Nô đầu tư máy móc phục vụ chế biến ca cao. Từ việc chỉ sản xuất ca cao hạt bán ra thị trường, HTX đã từng bước tạo ra các sản phẩm chế biến sâu gồm bột ca cao, chocolate, rượu vang…

ocopdaknong-1-1-.jpg
HTX Nông nghiệp Krông Nô, huyện Krông Nô (Đắk Nông) có vùng nguyên liệu hơn 140ha

Các sản phẩm được HTX đầu tư thiết kế bao bì, mẫu mã, nhãn mác đẹp mắt để tạo dấu ấn trên thị trường. Cùng với đó, HTX tham gia Chương trình OCOP để nâng tầm sản phẩm.

Hiện nay, sản phẩm chocolate Duy Nghĩa và bột ca cao Duy Nghĩa của HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Từ khi tham gia Chương trình OCOP, HTX được ngành chức năng hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Các sản phẩm của HTX có điều kiện trưng bày, quảng bá tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm gắn với thương hiệu OCOP đã từng bước giúp HTX nâng cao uy tín, tạo niềm tin cho khách hàng.

ocopdaknong-9-(1).jpg
HTX Nông nghiệp Krông Nô, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đầu tư máy móc phục vụ chế biến, xây dựng sản phẩm đặc trưng địa phương

Ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX cho biết, đạt chứng nhận OCOP đã giúp cho HTX mở rộng thị trường qua các đợt quảng bá, giới thiệu, từ đó việc kết nối tiêu thụ sản phẩm ngày càng hiệu quả.

Thương hiệu OCOP giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế. HTX đã dần trở thành địa chỉ quen thuộc của người tiêu dùng với các dòng sản phẩm về ca cao.

Cùng với sản phẩm qua chế biến, HTX đã hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, giúp người dân sản xuất ca cao theo hướng bền vững, an toàn. Thời gian qua, HTX tạo việc làm cho 7 - 9 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã liên kết những người sản xuất mắc ca trên địa bàn để hình thành vùng nguyên liệu quy mô hơn 205ha.

ocopdaknong-8-(1).jpg
HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đầu tư máy móc phục vụ chế biến mắc ca

HTX đầu tư máy chế biến, đóng gói, xây dựng nhãn mác và cho ra thị trường sản phẩm "Mắc ca M’nông". Sản phẩm mắc ca sấy của HTX được công nhận OCOP hạng 3 sao. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 35 tấn mắc ca sấy khô.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực cho biết, sản phẩm "Mắc ca M’nông" đã khai thác được những tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là nét văn hóa đặc trưng của vùng dân tộc M’nông.

Chứng nhận OCOP đã thúc đẩy liên kết giữa nông dân với HTX và doanh nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ khép kín, bảo đảm sự bền vững.

Mắc ca sấy OCOP 3 sao của cơ sở sản xuất Hoàng Hiền, huyện Đắk R’lấp
Sản phẩm mắc ca sấy OCOP 3 sao của cơ sở sản xuất Hoàng Hiền, huyện Đắk R’lấp (Ảnh: LD)

Sản phẩm OCOP đã tạo ra việc làm cho người lao động địa phương, giúp các thành viên và hộ liên kết khu vực nông thôn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Hiện nay, HTX có vùng nguyên liệu 70ha mắc ca đạt tiêu chuẩn VietGAP và 135ha đang sản xuất theo quy trình VietGAP. HTX đã tạo việc làm cho 6 - 8 lao động địa phương, với mức thu nhập 6 - 9 triệu đồng/người/tháng.

ocopdaknong-6-(1).jpg
Sản phẩm OCOP gắn mã truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho khách hàng

Tính đến cuối năm 2024, Đắk Nông đã có 110 sản phẩm OCOP của 87 chủ thể, trong đó có 18 sản phẩm 4 sao và 92 sản phẩm 3 sao. Tỉnh có 5 sản phẩm đang đề nghị công nhận 5 sao.

Sản phẩm OCOP đã góp phần cải thiện kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân, nâng cao giá trị nông sản, xây dựng nông thôn mới. Các chủ thể OCOP đã tổ chức lại sản xuất, tạo thành chuỗi giá trị bền vững.

Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT đánh giá, kết quả nổi bật của chương trình OCOP tại Đắk Nông là làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân về tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

OCOP đã xác định rõ vai trò của liên kết sản xuất, đồng thời phát huy hiệu quả sức mạnh cộng đồng, trí tuệ, bản sắc, giá trị nông nghiệp địa phương.

Nâng tầm nông nghiệp

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm là "phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị".

Theo đánh giá của UBND tỉnh, Chương trình OCOP sau thời gian triển khai đã góp phần hiện thực hóa nhiệm vụ trọng tâm này của tỉnh, đồng thời nâng tầm cho nông nghiệp Đắk Nông.

Sản phẩm OCOP của Đắk Nông phong phú về sản lượng, được đánh giá cao về chất lượng khi tham gia các hội chợ, triển lãm
Sản phẩm OCOP của Đắk Nông phong phú về sản lượng, được đánh giá cao về chất lượng khi tham gia các hội chợ, triển lãm (Ảnh: LD)

OCOP đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, được người dân hưởng ứng tích cực, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa.

Chương trình OCOP đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

ocopdaknong-10-(1).jpg
Sản phẩm OCOP Đắk Nông được kết nối quảng bá, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh

Các sản phẩm OCOP ngày càng có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, mang đặc trưng gắn với văn hóa, tri thức địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Đắk Nông.

Lãnh đạo Sở NN - PTNT cho biết, các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP đã và đang đầu tư công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, hướng đến xuất khẩu và mở rộng thị trường tiêu thụ.

img_7528.jpg
Sản phẩm OCOP đã trở thành niềm tự hào của nông nghiệp Đắk Nông (Ảnh: LD)

Chương trình OCOP cũng đã nâng tầm giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, giúp chủ cơ sở tiếp cận với quy trình chế biến sâu, đầu tư nghiêm túc cho sản xuất nông sản.

Sản phẩm OCOP hiện nay không chỉ được bán với hình thức trực tiếp tại các chuỗi cung ứng OCOP, siêu thị, xuất khẩu… mà còn được bán qua sàn thương mại điện tử, mang lại doanh thu cao cho người dân, doanh nghiệp, HTX.

Năm 2023, doanh thu từ các sản phẩm OCOP của Đắk Nông đạt khoảng 150 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022. Các sản phẩm OCOP đã tạo ra khoảng 1.200 việc làm cho người dân địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống kinh tế khu vực nông thôn.

Sở NN - PTNT Đắk Nông

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ngô Xuân Đông cho biết, Đắk Nông phát triển các sản phẩm OCOP bằng việc dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu, văn hóa và tri thức địa phương.

OCOP cũng gắn với phát triển dịch vụ du lịch theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững trong sản xuất nông nghiệp của Đắk Nông.

Cũng theo ông Đông, thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh tập trung đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP vào các siêu thị, hệ thống cửa hàng trên cả nước.

dji_0371(1).jpg
Vùng nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm OCOP Đắk Nông ngày càng được mở rộng, chuẩn hóa tạo cơ sở phát triển bền vững cho nông sản

Các chủ thể OCOP được hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm; đổi mới, cải thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật sản xuất. Các đơn vị chức năng tập trung mở rộng vùng nguyên liệu tại địa phương, quản lý chất lượng sản phẩm; tiếp tục hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP…

Hưng Nguyên