Biển đảo Việt Nam

Xuân về trên Trường Sa Kỳ 2: Đón Tết ở Trường Sa

H.D 28/01/2025 06:48

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước, đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân ở Trường Sa ngày càng được cải thiện. Tết ở Trường Sa cũng có hoa, bánh trái đủ đầy. Song hơn cả là sự quây quần ấm áp, đoàn kết nghĩa tình của quân và dân Trường Sa, cùng nhau vượt qua sóng gió nơi khơi xa để bảo vệ bình yên chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

1(3).jpg
Lyly (2)

Tết ở Trường Sa cũng có hoa, bánh trái đủ đầy. Song hơn cả là sự quây quần ấm áp, đoàn kết nghĩa tình của quân và dân Trường Sa, cùng nhau vượt qua sóng gió nơi khơi xa để bảo vệ bình yên chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Trang trí Tết ở đảo

Chơi hoa tết hay trang trí nhà là phong tục không thể thiếu trong mỗi nếp nhà và trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam mỗi khi Tết đến, xuân về. Tuy nhiên, nơi đầu sóng ngọn gió thiêng liêng mà khắc nghiệt, mỗi cành đào, cây quất cũng trở nên quý hiếm, quân và dân ở Trường Sa cũng có cách trang trí tết, “chơi tết” rất riêng mà có lẽ chỉ ở đảo mới có.

z6248288633571_d8346c03e0098603e4a5b6bd0807eac4(1).jpg
Cây mù u được dùng để trang trí ngày tết cũng như phục vụ chương trình hái hoa dân chủ trong đêm giao thừa

Trường Sa những ngày đầu năm 2025, tiết trời khá ấm áp. Gió ngoài khơi xa đưa vị biển len lỏi khắp không gian của đảo. Bên cạnh những cành mai, cành đào được gửi từ đất liền, các chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây đã cắt một nhánh mù u về để trang trí tết ở hội trường Sở chỉ huy.

Trung tá Mai Văn Lưu, Phó Chỉ huy trưởng quân sự Đảo Song Tử Tây cho biết, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đặc thù ở ngoài đảo, cán bộ, chiến sĩ thường chọn các loài cây gắn bó thân thiết với đời sống trên đảo để “chơi tết”, trong đó có cây mù u.

dscf5904(1).jpg
Chiến sĩ trên đảo Len Đao trang trí không gian tết

Bất chấp mưa hay nắng, biển êm hay sóng dữ, cây mù u nơi đảo xa vẫn xum xuê, xanh rì một màu. Mù u có có thân cao lớn, tán rộng xum xuê, xanh tươi mát mỡ màng. Mỗi mùa tết về, cây mang theo những trái mù u xanh lủng lẳng, tròn xoe đẹp mắt. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ trên đảo thường cắt một nhánh mù u về để trang trí tết với mong ước sung túc đủ đầy. Đây cũng là loài cây tượng trưng cho sự kiên cường trước phong ba bão táp của quân và dân ở Trường Sa.

Không chỉ cán bộ, chiến sĩ hải quân háo hức trang trí đón tết, tại các ngôi nhà của Nhân dân trên đảo cũng ngập tràn không khí xuân. Đến thăm phòng làm việc cũng là phòng ở của anh Nguyễn Thiên An, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Song Tử Tây, chúng tôi vô cùng ấn tượng với bức tranh “Xuân Ất Tỵ 2025” được làm bằng những vỏ ốc hết sức độc đáo.

dscf5047(1).jpg
Bức tranh "Xuân Ất Tỵ 2025" được làm bằng vỏ ốc của anh Nguyễn Thiên An

Anh An chia sẻ, anh thường ra bờ biển vào sáng sớm để thu nhặt những vỏ ốc, cành san hô dạt vào bờ sau mùa biển động vì thấy đẹp. Sau đó anh bắt đầu có nhiều ý tưởng thực hiện các tác phẩm bằng vỏ ốc, vỏ sò, san hô để làm đồ kỷ niệm. Những chiếc vỏ sò, vỏ ốc sau khi được rửa sạch được anh An dùng keo, khéo léo gắn lại tạo thành dòng chữ “Xuân Ất Tỵ 2025”.

dscf5044(1).jpg
Anh Nguyễn Thiên An chia sẻ với phóng viên về ý nghĩa của bức tranh tranh trí tết độc đáo của anh

Chia sẻ với chúng tôi về ý nghĩa đằng sau bức tranh chúc mừng năm mới, anh An cho biết, dây kim tuyến vàng tượng trưng cho bố, dây màu xanh tượng trưng cho mẹ, dây màu hồng là con. Còn dây màu đỏ giống như mái nhà. Đây là bức tranh về ngôi nhà với đầy đủ các thành viên, bố mẹ, con cái.

“Tết càng đến gần, nỗi nhớ gia đình trong tôi càng trào dâng. Tôi thực hiện bức tranh này vừa để trang trí tạo không khí tết cho năm mới cũng vừa để vơi đi nỗi nhớ nhà da diết”, anh An chia sẻ.

Bữa cơm tất niên nơi đảo xa

Năm thứ 2 ăn tết xa đất liền nhưng với chị Trần Thị Thu Huyền, cư dân trên đảo Sinh Tồn, Tết Trường Sa đã trở nên thân thuộc và ấm áp hơn khi có sự quan tâm, hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ ở Cụm thi đua số 3. Chị Huyền cho biết, cứ mỗi độ tết đến, gia đình chị lại cùng cán bộ chiến sĩ trong Cụm thi đua sửa sang, trang trí nhà cửa và nấu bữa cơm tất niên.

dscf5519(1).jpg
Cán bộ, chiến sĩ Trường Sa chuẩn bị lá dong gói bánh chưng

Khi ánh chiều buông xuống, bữa cơm tất niên đã được chuẩn bị tươm tất. Cũng giống như các mâm cỗ trong các gia đình người Việt ở đất liền, mâm cỗ tất niên ở Trường Sa cũng có đầy đủ các món ăn truyền thống như: bánh chưng, chả, giò lụa, nem… Ngồi quây quần bên nhau, gia đình chị Huyền cùng cán bộ, chiến sĩ chia sẻ những câu chuyện của một năm qua và những ngày đang tới.

dscf5806(1).jpg
Các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn quây quần bên nồi bánh chưng

“Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, ngồi quây quần bên mâm cơm tất niên ở đảo xa, cả gia đình tôi và cán bộ, chiến sĩ đều cảm thấy ấm áp, nỗi nhớ nhà cũng dường như được vơi đi. Hy vọng năm mới an khang, nhiều may mắn sẽ đến với quân và dân trên đảo”, chị Huyền chia sẻ.

dscf5683(1).jpg
Cứ mỗi độ Tết đến, gia đình chị Huyền cùng cán bộ chiến sĩ trong Cụm thi đua số 3 trang trí nhà cửa và nấu bữa cơm tất niên

Lần đầu tiên đón tết ở Trường Sa, binh nhất Trần Vũ Hoàng Khang cũng không giấu nổi nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, không khí đầm ấm mỗi khi cả nhà quây quần mỗi khi tết đến. “Tuy nhiên, ở đây đồng đội và Nhân dân chính là gia đình thứ hai của tôi. Mọi người chia sẻ với nhau từ những chuyện nhỏ nhất, cùng nhau chuẩn bị đón tết, hết sức gần gũi và ấm áp. Điều đó đã giúp tôi yên tâm, vững vàng hơn giữa biển khơi”, binh nhất Trần Vũ Hoàng Khang cho biết.

dscf5687(1).jpg
Mâm cỗ tất niên ở Trường Sa cũng có đầy đủ các món ăn truyền thống trong ngày Tết như: bánh chưng, chả, giò lụa, nem,...

Thiếu tá Phạm Viết Sao, đảo Sinh Tồn cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước, đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân ở Trường Sa ngày càng được cải thiện. Đất liền có gì, ngoài Trường Sa có thứ ấy. Tết của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo vì thế đủ đầy hơn. Ngoài hàng hóa và quà từ đất liền gửi ra, các cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân cùng đã tăng gia, trồng nhiều rau xanh, nuôi lợn, gà, vịt nhiều hơn để dự trữ cho tết.

Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, ngồi quây quần bên mâm cơm tất niên ở đảo xa, gia đình chị Huyền và cán bộ, chiến sĩ đều cảm thấy ấm áp, nỗi nhớ nhà cũng dường như được vơi đi
Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, ngồi quây quần bên mâm cơm tất niên ở đảo xa, gia đình chị Huyền và cán bộ, chiến sĩ đều cảm thấy ấm áp, nỗi nhớ nhà cũng dường như được vơi đi

Nhiều năm đón tết ngoài đảo, trong điều kiện khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió nhưng cán bộ, chiến sĩ và Nhân trên đảo vẫn giữ gìn phong tục truyền thống đẹp của dân tộc, tổ chức bữa cơm tất niên với những món ăn ngày tết như: bánh chưng, giò chả, nem rán, thịt đông, dưa chua,... Những món ăn gợi nhớ hương vị quê nhà giúp mỗi cán bộ, chiến sĩ, và Nhân dân trên đảo vẫn có thể cảm nhận không khí tết đã về.

“Với khẩu hiệu “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, bữa cơm tất niên ở đảo cũng chính là buổi đoàn tụ của tình đồng chí đồng đội, tình quân dân, tình thân và cũng là lời khẳng định luôn sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất, từng sải biển của Tổ quốc”, Thiếu tá Phạm Viết Sao cho biết.

Tết của tình quân dân

Khác với đất liền, tết ở Trường Sa không có rượu, bia, khói thuốc lá cũng pháo hoa mừng đón Giao thừa. Tuy nhiên, tết ở đảo cũng không kém phần trang trọng với đủ đầy mâm ngũ quả, mâm cỗ ngày xuân cùng với các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ vui nhộn và đầm ấm tình quân dân.

dscf5570(1).jpg
Quân và dân trên đảo Sinh Tồn tham gia cuộc thi gói bánh chưng ngày Tết

Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây chia sẻ, dịp Tết Nguyên đán, trên đảo thường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian phù hợp với truyền thống văn hóa, dân tộc Việt Nam như: bóng đá, bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, đánh cờ, thi gói bánh chưng, nấu bữa cơm tất niên, đêm lửa trại, hái hoa dân chủ,... nhằm tạo không khí vui xuân, đón tết thắm thiết tình quân dân, gắn bó, sum vầy, ấm áp để tết ở đảo cũng như tết ở đất liền.

dscf4956(1).jpg
Quân và dân trên đỏa Song Tử Tây tham gia thi kéo co ngày Tết

"Có những cán bộ, chiến sĩ lần đầu tiên đón tết xa gia đình, không tránh khỏi cảm giác nhớ nhà. Do đó, đơn vị đã làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền; thường xuyên sinh hoạt quần chúng, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ; thăm hỏi, tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ gọi điện thoại về chúc tết gia đình để vơi đi nỗi nhớ nhà", Thượng tá Nguyễn Văn Khương cho biết.

dscf5530(1).jpg
Quân và dân ở Trường Sa cùng tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghể, thể thao dịp Tết Nguyên đán

Năm đầu tiên đón tết ở đảo xa, binh nhất Huỳnh Ngọc Thọ đang công tác trên đảo Len Đao không thể giấu đi nỗi nhớ nhà. Nhớ nhà là tâm trạng chung của nhiều người lính trẻ mới ra đảo. Đây cũng là khó khăn lớn nhất với những người lính trên đảo xa, nhưng cũng là động lực để họ thực hiện tốt các nhiệm vụ, giữ chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. “Năm đầu đón tết trên đảo, tôi thấy gần như không thiếu thốn gì về vật chất so với trên đất liền. Ở giữa biển khơi mênh mông, tình đồng chí, đồng đội giúp chúng tôi vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà”, binh nhất Huỳnh Ngọc Thọ chia sẻ.

lyly (3)
Quân và dân ở Trường Sa tham gia chương trình hái hoa dân chủ

Trung tá Hoàng Văn Cường, Chính trị viên đảo Sinh Tồn, cho biết, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về ngoài công tác chuẩn bị đón xuân tại sở chỉ huy, tại hội trường bảo đảm cho người lính vui xuân đón tết thì đơn vị cũng thực hiện công tác dân vận. Đó là cùng với các hộ dân kết các cây mai, cây đào, bàn thờ cho các hộ dân, để cùng quân dân ăn tết một cách đầm ấm, vui vẻ nhất.

dscf5665(1).jpg
Nỗi nhớ nhà là khó khăn lớn nhất với những người lính trên đảo xa mỗi khi Tết đến xuân về, nhưng cũng là động lực để họ thực hiện tốt các nhiệm vụ, giữ chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

Chị Trần Thị Thu Huyền, cư dân đảo Sinh Tồn chia sẻ, năm nào cũng vậy, không khí đón tết ở trên đảo luôn đầm ấm, đoàn kết, chứa chan tình quân dân. Người dân và bộ đội trên đảo với nhau như những người thân trong gia đình. “Điều đó giúp chúng tôi cảm thấy dù Tết xa gia đình, xa quê hương nhưng vẫn luôn thấy ấm lòng”, chị Huyền chia sẻ.

Thực hiện: Hoàng Dương

H.D