Rộn ràng ngày cuối năm
Ngày cuối năm, làng quê tôi vui không thể tả. Đấy là lúc không khí Tết đã tràn ngập nơi nơi. Từ đường làng, ngõ xóm đến từng ngôi nhà đều rộn rã những thanh âm ngày Tết.
Thường thì vào ngày cuối năm, hầu như nhà nào ở quê tôi cũng đã hoàn tất chuyện sắm sửa, trang hoàng nhà cửa cho ngày Tết. Chỉ còn rất ít gia đình, vì con cái ở xa về muộn, thấy thiếu thứ này thứ kia mới tất tả chạy đi mua thêm mà thôi.
Công việc chính trong ngày này là lo sắm sửa bữa cơm tất niên, rồi tập trung gói bánh chưng, bánh tét nữa là xong.
Nói thì là vậy, nhưng khi trời còn mờ sương, đường làng đã rất đông người đi chợ. Hỏi ra mới biết, mọi người đi chợ mua sắm là phụ, còn đi chơi chợ Tết mới là chính.
Tôi cũng thức dậy thật sớm để đón mùa Xuân về trên quê hương, đang lan tỏa trong nhà mình. Hòa vào không khí tết quê, tôi cũng thay mẹ đi chợ sớm. Thực ra, mọi thứ sắm sửa cho ngày Tết đã được ba mẹ tôi chuẩn bị kỹ lưỡng rồi, ngày cuối năm đi chợ chỉ là mua hoa tươi, rồi mua thêm ít nguyên liệu để chế biến các món ăn trong mấy ngày Tết nữa là đủ.
Dù vậy, tôi vẫn rất háo hức với việc đi chợ ngày cuối năm. Bởi chợ Tết ở quê đâu chỉ có đi chợ để mua sắm đồ mà còn là đi chợ để ngắm, để xem không khí Tết quê rộn ràng như thế nào.
Đi chợ ngày cuối năm, tôi thích nhất là khu vực bán hoa tết. Lúc này, hoa tươi khắp nơi chở về bán dọc các con đường ở thị trấn, đường dẫn vào chợ. Có năm hoa bán với giá khá cao, cũng có năm giá hoa được cho là “rẻ như bèo”, nhưng dù giá cả có thế nào thì hoa vẫn bày bán khắp chợ. Và tôi, một người con xa quê, vẫn thích đi dạo, đi ngắm cho thỏa thích rồi mới tính, mới chọn mua những chậu hoa ưng ý nhất.
Tết năm ngoái, để tìm mua được mấy chậu hoa mai vừa ý, chị em tôi phải dạo chợ mấy bận mới đưa ra được quyết định cuối cùng.
Trong khi các bà, các chị chia nhau đi chợ ngày cuối năm để sắm sửa thêm những thứ cần thiết cho gia đình thì ngày cuối năm, đàn ông, thanh niên tổ chức dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm.
Mỗi nhà, cử một người cùng tham gia quét dọn đường làng; gia đình chỉ có người già thì lực lượng thanh niên chia nhau ra làm giúp. Đường làng đã sạch, ngày cuối năm càng sạch đẹp hơn.
Không chỉ quét dọn đường làng, ngõ xóm, đàn ông, thanh niên trong làng, trong xóm còn tập trung trang trí cổng chào của thôn, hội trường thôn bằng những chậu hoa, dàn đèn chớp nháy với dòng chữ quen thuộc “Chúc mừng năm mới”.
Dọn dẹp xong đâu đấy, mọi người tập trung lại để bàn tính chuyện đón giao thừa tập trung. Năm nào cũng vậy, đêm giao thừa, nhà văn hóa thôn tôi cũng rộn vui. Mỗi hộ gia đình đóng góp vài trăm ngàn đồng, người đi xa về tùy điều kiện đóng góp ở mức cao hơn để tổ chức tiệc đón giao thừa tập thể của cả thôn.
Trong khi chờ đến giờ ra hội trường thôn, ba tôi cũng nổi lửa nấu bánh tét. Bếp của nhiều gia đình khác cũng đỏ lửa, nồi bánh chưng, bánh tét sôi lục bục. Ở quê tôi, gần như nhà nào cũng nấu bánh chưng, bánh tét. Nhà ít thì cũng làm vài ký gạo nếp, nhà đông người thì gói cả chục ký. Bánh chưng, bánh tét bắt đầu bắt lên bếp củi nấu từ trưa ngày cuối năm cho đến lúc giao thừa thì mới vớt bánh ra.
Trong khoảng thời gian ấy, dù bận rộn đến đâu, bên nồi bánh cũng có người canh lửa. Bởi lửa có cháy đều, nước bánh phải thay thường xuyên thì bánh mới ngon, mới mềm, mới dẻo. Trong cái lạnh se se của đất trời trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tôi thích sao cái khung cảnh nấu bánh chưng, bánh tét ở góc bếp.
Khi nồi bánh chưng, bánh tét đang sôi thì ở hội trường thôn, chi đoàn thanh niên tất bật chuyển giàn karaoke, bàn ghế đến, xếp ngay ngắn ở sân hội trường để phục vụ bà con đến đón giao thừa.
Tiệc đón giao thừa thông thường là những món đơn giản, sẵn tiện, chứ chẳng phải nấu nướng gì, như khô gà, khô bò; rồi bánh chưng, bánh tét, dưa món; thức uống thì có rượu, bia, nước ngọt.
Chương trình văn nghệ chào đón giao thừa trong thôn bắt đầu từ 6 giờ chiều, sau bữa cơm tất niên của mỗi gia đình hoàn tất. Mỗi người trong thôn đều có cơ hội được thử sức với vai trò là người dẫn chương trình, nhạc công, ca sĩ kiểu cây nhà lá vườn nhưng ai cũng vui hết mình. Những giọng ca hay của xóm một năm có dịp về quê hội ngộ tha hồ mà “cháy” hết mình với những ca khúc mừng Xuân. Người này hát xong lại không quên giới thiệu người kia lên “sân khấu”.
Bà con hàng xóm lâu ngày có dịp gặp nhau nên ai cũng vui hết mình. Người lớn tuổi hơn cũng hòa vào lớp thanh niên, thể hiện những bài hát sôi động, phù hợp với không khí mùa Xuân đang về.
Cứ thế, chương trình kéo dài đến qua giao thừa. Cuối tiệc, mọi người cùng chúc nhau năm mới sức khỏe, bình an, làm ăn hanh thông rồi mới giải tán ai về nhà nấy.
Hồi chưa có phong trào đón giao thừa tập thể, thôn, xóm tôi chẳng vui như vậy, đêm cuối năm nhà nào ở nhà đó. Từ khi đón giao thừa tập trung như vầy càng gắn kết hơn tình làng nghĩa xóm.
Cũng vì thế mà đêm giao thừa ở quê gần như không nhà nào đi ngủ. Những ngọn đèn luôn sáng nôn nao chờ năm mới.