Đời sống

Trung tâm Bảo trợ xã hội - Nơi nương náu của những mảnh đời

Thanh Hằng 16/01/2025 08:33

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Nông quản lý, nuôi dưỡng gần 100 người tàn tật, neo đơn, người tâm thần nặng. Sau gần 20 năm thành lập, đây thực sự là ngôi nhà chung của những đối tượng yếu thế.

Ngôi nhà chung của tình yêu thương

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Nông hiện chăm sóc, nuôi dưỡng gần 100 đối tượng. Mỗi người một mảnh đời khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là không còn nơi nào để đi, không có ai để nương tựa.

Khi đến với trung tâm, những số phận kém may mắn ấy đều được quan tâm, chăm sóc tốt cả về vật chất lẫn tinh thần. Đồng thời họ luôn nhận được sự thương yêu, sẻ chia của cộng đồng xã hội, tự tin vượt qua mặc cảm về số phận, ổn định cuộc sống, vươn tới tương lai.

dji_20250107100530_0073_d.jpg
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Nông hiện chăm sóc, nuôi dưỡng gần 100 đối tượng

Bà Trương Thị Thanh là một trong số 12 người cao tuổi đang được được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Nông. Bà Thanh đã coi đây như ngôi nhà thứ 2 và những người già cùng cảnh ngộ trong trung tâm giống như người thân của mình.

Nhiều năm gắn bó với trung tâm, bà Thanh cảm nhận được sự ân cần, trách nhiệm và tận tụy của cán bộ, nhân viên trung tâm dành cho những người cao tuổi như bà.

Bà Thanh xúc động nói: “Ở trong trung tâm, chúng tôi được chăm sóc rất chu đáo, không phải lo ăn, lo mặc. Ngoài chăm sóc, điều trị khi ốm đau, trung tâm còn thường xuyên mời các bác sĩ về khám, cắt thuốc để chúng tôi bồi bổ sức khỏe, tinh thần thoải mái và ngủ ngon giấc mỗi đêm”.

img_8418.jpg
Các đối tượng tâm thần nặng được cán bộ, nhân viên trung tâm chăm sóc, hỗ trợ nhiệt tình

Chăm lo bằng tình thương và trách nhiệm

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh có 37 cán bộ, nhân viên, người lao động. Việc nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng dù gặp rất nhiều khó khăn, vất vả song với trách nhiệm, tình yêu thương đã giúp họ vượt qua, mang lại niềm vui, sự động viên lớn lao cho những mảnh đời kém may mắn.

Anh Lữ Mạnh Dũng, quản lý bệnh nhân tâm thần nam chia sẻ, những ngày đầu vào làm việc, anh nghĩ mình sẽ không cầm cự nổi, bởi liên tục phải chứng kiến cảnh người bệnh la hét, chửi bới. Tuy nhiên, khi đặt mình vào hoàn cảnh của người bệnh, anh Dũng lại đồng cảm và dành sự quan tâm, chia sẻ nhiều hơn với các bệnh nhân.

Tiếp xúc, gần gũi với các đối tượng bảo trợ, điều anh Dũng và cán bộ, nhân viên của trung tâm mong muốn nhất là những bệnh nhân tâm thần, những đứa trẻ mồ côi hoặc khuyết tật có thể tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc tốt nhất, có cơ hội khỏi bệnh và hòa nhập cộng đồng.

“Từ tháng 4/2024 đến nay, trung tâm thường xuyên phối hợp với Phòng khám nhân đạo của Hội Đông y tỉnh Đắk Nông tổ chức khám, chữa bệnh cho các đối tượng. Thông qua hoạt động này, các đối tượng bảo trợ đã được tiếp cận đầy đủ dịch vụ chăm sóc y tế, cải thiện tình trạng bệnh”, anh Dũng thông tin thêm.

img_8423.jpg
Nhiều gia đình tin tưởng, gửi gắm con em vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Nông để được chăm sóc, hỗ trợ

Sau gần 20 năm thành lập, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Nông đã có rất nhiều câu chuyện đẹp về tình người và sự yêu thương. Trung tâm đã trở thành ngôi nhà chung của các đối tượng yếu thế, giúp nhiều đứa trẻ có cơ hội đến trường, người già có nơi chăm sóc, tĩnh dưỡng và người bệnh có nơi điều trị.

Bà Trần Nữ Trang, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Nông chia sẻ, mỗi đối tượng đến với trung tâm đều có những hoàn cảnh và câu chuyện khác nhau. Khi vào trung tâm, những đối tượng này được cán bộ, nhân viên chăm lo mọi sinh hoạt và ăn uống hằng ngày, thiết lập mối quan hệ gần gũi, tạo niềm tin trong quá trình chăm sóc, điều trị.

img_8442(1).jpg
Sau gần 20 năm thành lập, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Nông thực sự là ngôi nhà chung của những đối tượng yếu thế

Dù đối diện với rất nhiều áp lực, khó khăn, thậm chí là nguy hiểm nhưng bà Trang cho rằng, bằng tình thương và trách nhiệm của mình, các cán bộ, nhân viên trung tâm luôn hết lòng, tận tụy với công việc, với các đối tượng bảo trợ với phương châm “Trung tâm là nhà, đối tượng bảo trợ là người thân; kết nối yêu thương, chung tay vì cộng đồng”.

Thanh Hằng