Kinh tế

Krông Nô xuống giống sớm vụ đông xuân để tránh hạn

Văn Tâm 15/01/2025 08:29

Căn cứ tình hình nguồn nước, dự báo nguy cơ nắng hạn mùa khô năm 2025, huyện Krông Nô (Đắk Nông) chủ động xuống giống sớm để tránh hạn cuối vụ.

Tập trung xuống giống đồng loạt

Theo Phòng NN - PTNT huyện Krông Nô, do lượng mưa trong năm ít nên các hồ, đập tích trữ nước thấp hơn mọi năm. Do đó, mùa khô năm nay nhiều khả năng sẽ thiếu nước phục vụ sản xuất.

dong-xiaan2(1).jpg
Người dân xã Nam Đà, huyện Krông Nô (Đắk Nông) bón phân cho ruộng lúa vừa gieo sạ

Trước tình hình đó, huyện đã chỉ đạo xuống giống sớm vụ đông xuân các năm trước. Đến nay, diện tích lúa đông xuân của huyện đã cơ bản xuống giống đạt kế hoạch, khoảng trên 75% diện tích. Chỉ còn một số xã đang xuống giống như xã Đức Xuyên, Quảng Phú...

Trong những ngày này, gia đình ông Nguyễn Văn Phụng ở xã Nam Đà, huyện Krông Nô thường xuyên ra đồng để theo dõi, lấy nước, chăm sóc hơn 7 sào lúa vừa gieo sạ được hơn 10 ngày. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, vụ này, ông Phụng thuê máy móc làm đất sớm, khi có lịch hướng dẫn sản xuất là ông xuống giống ngay.

Ông Phụng cho biết: “Năm nay, gia đình tôi chuẩn bị làm đất khá sớm để cùng mọi người xuống giống đồng loạt. Không chỉ gieo sạ tập trung, năm nay, đa số người dân trên cánh đồng Nam Đà đều chọn giống lúa ST24, ST25 nhằm bảo đảm thống nhất một giống lúa, giúp áp dụng quy trình kỹ thuật, chăm sóc, phòng bệnh dễ dàng hơn”.

Hiện nay, mức nước các hồ chứa chỉ đạt 85% dung tích. Trong đó, lưu lượng nước tại hồ chứa thủy điện Buôn Tua Srah thấp hơn mực nước dâng bình thường khoảng 4m, có nguy cơ không đủ nước để điều tiết đến cuối vụ.

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Krông Nô

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Thành ở xã Nâm N’đir, mấy ngày nay cũng tập trung chăm sóc gần 1ha lúa vừa xuống giống. Để tiến hành gieo sạ đạt hiệu quả, ông Thành đã tuân thủ các quy trình sản xuất từ khâu làm đất đến xuống giống theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp huyện.

dong-xiaan3(1).jpg
Ông Nguyễn Văn Thành ở xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô (Đắk Nông) phun thuốc phòng trừ bọ trĩ trên ruộng lúa giai đoạn mạ non

Ông Thành cho biết: “Chúng tôi khẩn trương làm đất, gieo sạ đúng thời vụ, tập trung nhanh nhằm giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra. Đến nay, thời tiết nắng ấm trở lại, lúa bắt đầu bén rễ, lên xanh, chúng tôi đang tập trung phòng ngừa bọ trĩ, sâu ăn lá”.

Theo ông Vũ Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N’đir, vụ đông xuân này, toàn xã gieo trồng hơn 1.346ha cây trồng các loại. Trong đó, cây lúa là 400ha, bắp 520ha, khoai lang 350ha, bí đỏ 35ha, đậu các loại 32ha…

Để vụ đông xuân năm nay đạt kết quả trên cả 3 mặt: diện tích, năng suất, chất lượng, UBND xã đã xây dựng kế hoạch gieo trồng để giúp bà con nông dân tiến hành xử lý nhanh, gọn khâu làm đất, nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.

dong-xuan15(1).jpg
Người dân xã Quảng Phú, huyện Krông Nô khẩn trương gieo sạ trà lúa đông xuân muộn

Cũng như xã Nam Đà và Nâm N’đir, không khí xuống đồng của các xã ở huyện Krông Nô cũng nhộn nhịp không kém. Tại vùng sản xuất lúa trọng điểm xã Buôn Choáh, người dân đã huy động tổng lực nhân công, phương tiện máy móc để xuống đồng. Tại vùng đa cây ngắn ngày Đức Xuyên, nhiều trà bắp đến thời kỳ xoáy nõn, xanh mướt, hi vọng cho một mùa bội thu.

Đầu tư cho vùng sản xuất trọng điểm

Vụ đông xuân này, huyện Krông Nô vẫn tập trung định hướng 2 vùng sản xuất lúa tập trung chất lượng cao là Buôn Choáh và Nâm N’đir. Còn đối với các xã có diện tích lúa nhiều, huyện định hướng theo quan điểm “vùng sản xuất lúa chất lượng cao”.

dsc_0777(1).jpg
Người dân xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô tập trung xuống giống vụ lúa đông xuân

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Krông Nô, những năm vừa qua, việc sản xuất bắp giống F1 của huyện tương đối đạt hiệu quả.

Vụ đông xuân hàng năm, người dân đã liên kết với các đơn vị như: Công ty CP Syngenta, Tổng Công ty Giống cây trồng Việt Nam… sản xuất từ 500 - 700 ha bắp giống F1.

Cũng theo ông Lộc, giá trị bắp F1 mang lại khá cao, đặc biệt vụ đông xuân có năng suất cao hơn vụ hè thu. Một vụ bắp sau 3 tháng trồng, trừ tất cả các chi phí, người dân thu về khoảng trên 100 triệu đồng/ha.

canh-dong-dak-ren1(1).png
Người dân xã Nâm N'đir, huyện Krông Nô (Đắk Nông) luân canh, gối vụ các loại cây ngắn ngày trên cánh đồng Đắk Rền

“Sau vụ bắp đông xuân, bà con còn có thể sản xuất thêm cây bí, rau, củ các loại. Đây là định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, tránh né hạn cuối vụ đối với vụ đông xuân năm nay của huyện Krông Nô”, ông Lộc cho biết thêm.

Vụ đông xuân 2024 - 2025, huyện Krông Nô gieo trồng 4.295ha cây ngắn ngày các loại. Trong đó, lúa 1.922ha, bắp 1.426ha, đậu các loại 87ha, rau xanh 187ha, khoai lang 391ha, bí đỏ 202ha.

Văn Tâm