Văn hóa

Đắk Nông phát huy vai trò chủ thể của người dân trong bảo tồn văn hóa

Mỹ Hằng 15/01/2025 08:20

Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã và đang từng bước phát huy vai trò của người dân - chủ thể trong các hoạt động văn hóa cộng đồng nhằm góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.

Những người lưu giữ văn hóa truyền thống

Ông K’Kim, bon Păng So, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong là người đã giữ nghề đan lát của cha ông để lại từ hàng chục năm nay. Sau nhiều lần cùng bố đi lấy tre, lồ ô về đan gùi, rổ, rá, ro bắt cá…, ông K’Kim từ tò mò chuyển sang đam mê, thủy chung với nghề.

dsc06085.jpg
Ông K’Kim, bon Păng So, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong là người đã giữ nghề đan lát của cha ông để lại từ hàng chục năm nay

Theo ông K’Kim, nghề đan lát này đòi hỏi phải kiên trì, tỉ mỉ từ công đoạn chuẩn bị vật liệu, pha màu, trang trí cho đến hoàn thiện sản phẩm. “Mỗi sản phẩm tôi làm ra chứa đựng trong đó tâm tư, tình cảm, ước mơ của mình về giữ gìn, bảo tồn để nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình không bị mai một”, ông K’Kim chia sẻ.

Tiếng lành đồn xa, hiện nay, các sản phẩm đan lát của ông K’Kim không chỉ phục vụ cho bà con địa phương mà còn bán cho nhiều du khách ngoài tỉnh.

dsc05787.jpg
Bà H’Ang, bon B’ Srê B, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong luôn đam mê với nghề dệt truyền thống

Để giữ gìn nghề dệt truyền thống của dân tộc M’nông, bà H’Ang, bon B’ Srê B, xã Đắk Som đã tham gia lớp dạy nghề do địa phương tổ chức từ năm 2020.

Từ ngày biết dệt đến nay, bà H’Ang không chỉ làm ra những bộ quần áo truyền thống tặng người thân mà còn bán cho bà con trong vùng. “Mỗi dịp sum họp, nhìn các thành viên trong gia đình mặc bộ đồ truyền thống do chính tay mình làm ra, tôi rất xúc động, vui sướng. Đây chính là động lực để tôi cố gắng giữ gìn nghề dệt truyền thống và chỉ dạy cho các con”, bà H’Ang cho hay.

y lanh
Với mong muốn lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc M’nông, nghệ nhân Y Lanh, bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp đã sưu tầm, bảo quản, giữ gìn nhiều hiện vật

Với mong muốn lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc M’nông, nghệ nhân Y Lanh, bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp đã sưu tầm, bảo quản, giữ gìn nhiều hiện vật như chiêng, rổ, rá, nia, nơm, gùi, xà gạc, chày giã gạo, nỏ, cung, quả bầu... Nghệ nhân Y Lanh cho biết: “Mỗi hiện vật đều được bà con dân tộc M’nông thổi hồn, gửi gắm những ước mơ, tâm tư riêng. Nó như một câu chuyện kể về cuộc sống, sinh hoạt, tín ngưỡng của bà con từ quá khứ đến hiện tại. Do đó, tôi cố gắng giữ gìn để câu chuyện kể này được tiếp nối đến nhiều thế hệ mai sau”.

Ông K’Kim, bà H’Ang, nghệ nhân Y Lanh là 3 trong số rất nhiều người dân trong tỉnh luôn nỗ lực giữ gìn, bảo tồn để nét đẹp văn hóa, truyền thống, bản sắc dân tộc không bị mai một theo thời gian.

Phát huy các giá trị di sản

Theo thống kê, người dân trong tỉnh còn lưu trữ 186 bộ chiêng, 1 bộ goong prắc, 1 bộ goong pe, 1 bộ đàn đá… Toàn tỉnh có khoảng 194 nghệ nhân biết chế tác, sử dụng nhạc cụ dân tộc; 12 nghệ nhân nhớ, hát kể được sử thi Ót N’drông M’nông; 301 nghệ nhân biết và hát những làn điệu dân ca, 698 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm truyền thống, 53 nghệ nhân biết làm cây nêu truyền thống, 363 nghệ nhân biết đan lát truyền thống của dân tộc mình; 106 nghệ nhân biết và kể được truyện cổ; 139 nghệ nhân biết kể luật tục và phong tục tập quán truyền thống của cộng đồng; 9 nghệ nhân biết và sử dụng đàn tính - hát then...

Đây là những di sản sống thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ do tỉnh, khu vực, toàn quốc tổ chức góp phần quảng bá văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số Đắk Nông đến du khách gần xa.

dsc03513.jpg
Mỗi dịp lễ hội, ngày tết, bà con dân tộc M'nông ở xã Đắk Nia, Gia Nghĩa đều biểu diễn tiết mục đánh chiêng

Bên cạnh đó, Đắk Nông hiện có 48 nghệ nhân ưu tú, 4 nghệ nhân nhân dân. Sử thi (Ót N’drông), dân ca M’nông, nghề dệt của người M’nông, lễ cúng thần rừng của dân tộc Mạ được Bộ VHTT - DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, địa phương có 2 danh hiệu do UNESCO công nhận là “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” và “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông”.

Từ những lợi thế này, ngành VHTT - DL đã đề xuất quy hoạch đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại bon N'Jriêng, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa và buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút; bảo tồn làng, bản truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số tại bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp…

nui lửa
Núi lửa Nam Ka, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô là một trong những điểm đến hấp dẫn thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông

Hiện nay, địa phương đang hướng đến phát triển du lịch cộng đồng tại một số bon, buôn. Sở VHTT- DL đã mở các lớp tập huấn trang bị những kiến thức cơ bản về phát triển du lịch cộng đồng như tổ chức, dàn dựng chương trình văn nghệ dân gian, văn hóa cồng chiêng kết hợp với nghi lễ, lễ hội truyền thống, dệt thổ cẩm...

Bà Lê Thị Trúc Linh, Phó Giám đốc Sở VHTT- DL tỉnh Đắk Nông thông tin: “Mô hình du lịch cộng đồng này phát triển không chỉ đóng góp cho nền kinh tế địa phương mà còn giải quyết công ăn việc làm, tạo sinh kế cho nhiều lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, góp phần bảo tồn truyền thống văn hóa các dân tộc một cách hiệu quả hơn”.

Phát huy vai trò của người dân trong bảo tồn, phát huy văn hóa

Theo bà Lê Thị Trúc Linh, để gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, ngoài sự nỗ lực của các cấp, ngành, yếu tố quyết định chính là người dân - chủ thể văn hóa trong các hoạt động văn hóa cộng đồng.

dsc06003.jpg
Ông K’Kim, bon Păng So, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong luôn cố gắng giữ nghề truyền thống để truyền lại cho con cháu sau này

Theo đó, mỗi người dân là chủ thể cần có trách nhiệm bảo tồn, phát triển di sản văn hóa truyền thống bằng những việc làm cụ thể, phù hợp. Người dân cần tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nghi thức lễ hội để phát triển bản sắc văn hóa dân tộc cũng như các hoạt động giúp đỡ cộng đồng trong bảo tồn, phát triển di sản văn hóa truyền thống.

Các hoạt động giáo dục văn hóa, truyền thống lịch sử, các trò chơi dân gian, hoạt động nghệ thuật… cũng cần được quan tâm nhằm trao truyền lại những giá trị truyền thống cho các thế hệ sau.

y lanh 2
Nghệ nhân Y Lanh, bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp luôn cố gắng giữ gìn các hiện vật liên quan đến đời sống, sinh hoạt của dân tộc mình để câu chuyện kể này được tiếp nối đến nhiều thế hệ mai sau

Các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là người dân - chủ thể trực tiếp có trách nhiệm gìn giữ, phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Toàn tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Trọng tâm tổ chức hoạt động lấy người dân là chủ thể văn hóa gắn phát triển du lịch phục vụ du khách ở trong nước và quốc tế như liên hoan cồng chiêng; xây dựng bon, buôn kiểu mẫu gắn với du lịch cộng đồng; lễ hội…

cvdctc.jpg
Để gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, ngoài sự nỗ lực của các cấp, ngành, yếu tố quyết định chính là người dân - chủ thể văn hóa trong các hoạt động văn hóa cộng đồng

Ngoài ra, các địa phương tiếp tục phát huy vai trò của nghệ nhân, già làng, chức sắc tôn giáo trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Cùng với xây dựng, bồi dưỡng thế hệ nghệ nhân trẻ, nòng cốt làm lực lượng kế cận, các địa phương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, động viên, khích lệ đối với nghệ nhân làm công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc…

Mỹ Hằng