Di sản - Truyền thống

Khai mạc Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Thu Hương 14/01/2025 08:41

Bên cạnh những hình ảnh quen thuộc của Tết cổ truyền Việt Nam như phố ông đồ, vườn mai, đường mai, Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ tại TP Hồ Chí Minh có nhiều đổi mới trong thiết kế cảnh trí và không gian.

ttxvn-tet-viet-1.jpg.jpg
Đường hoa mai là không gian được người dân lựa chọn vào mỗi dịp Lễ hội Tết Việt. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Chiều 13/1, Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ lần thứ 18 năm 2025 do Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đã khai mạc trong không khí rộn ràng, phấn khởi.

Điểm nhấn của Lễ hội Tết Việt năm 2025 là “ngôi nhà ngày Xuân” được xây dựng mô phỏng hình ảnh ngôi nhà sàn ở An Giang gắn với gian bếp, sân vườn đầy hoa cỏ mùa Xuân mang đến không khí những ngày Tết yên bình.

Ngôi nhà có chiều ngang 14m, nối với gian bếp kéo dài khoảng 20m, chiều sâu khoảng 12m. Ngôi nhà được đặt ở vị trí trung tâm, đồng thời cũng là sân khấu biểu diễn các loại hình nghệ thuật xuyên suốt lễ hội, tạo sự gần gũi giữa nghệ sỹ và khán giả.

Bên cạnh những hình ảnh quen thuộc của Tết cổ truyền Việt Nam như phố ông đồ, vườn mai, đường mai, Lễ hội năm nay có nhiều đổi mới trong phần thiết kế cảnh trí và không gian.

Đặc biệt, không gian trên đường Phạm Ngọc Thạch được trang trí bằng hoa mai kết hợp với 5.000 cây tre sơn đỏ. Không gian này không chỉ thể hiện sắc màu truyền thống của ngày Tết mà còn tượng trưng cho sự dẻo dai, kiên trì của người Việt Nam, khẳng định sự vươn mình đi lên trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước.

tet-viet-2.jpg
Nghi thức khai bút đầu Xuân của Lễ hội. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Lễ hội cũng có các không gian trưng bày tái hiện các làng nghề truyền thống như: làng gốm Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương), làng chiếu Định Yên (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), làng nghề đan lát Mỹ An (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).

Bên cạnh đó, Ban tổ chức chọn giới thiệu đến công chúng 3 loại hình nghệ thuật đặc trưng của ba miền gồm: ca trù, nhã nhạc cung đình Huế và đờn ca tài tử; đồng thời bố trí thêm một sân khấu phụ dành cho các ban nhạc trẻ biểu diễn acoustic nhằm góp thêm sắc xuân trẻ trung, sôi động.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trải qua 18 năm tổ chức xuyên suốt, Lễ hội Tết Việt đã thu hút hàng trăm nghìn người dân đến thưởng ngoạn, chụp ảnh kỷ niệm và tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống trong ngày Tết cổ truyền.

Tiếp nối hành trình ý nghĩa đó, Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 được tổ chức với nhiều hoạt động mừng Tết mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc nhằm lan tỏa các giá trị và tinh thần văn hóa truyền thống. Đây sẽ là một không gian văn hóa rực rỡ, sinh động và gợi lên nhiều cảm xúc ấm áp, để mọi người có thể bày tỏ lòng yêu thương với gia đình và bạn bè trong khoảng thời gian chuyển giao năm cũ, năm mới.

Lễ hội còn tạo nên một dấu ấn văn hóa đặc sắc của Thành phố Hồ Chí Minh khi Xuân về; là dịp để quảng bá hình ảnh, con người, nét đẹp văn hóa của một thành phố hiện đại, đồng thời góp thêm năng lượng, tiếp thêm động lực cho thành phố trước một chặng đường mới.

Ông Nguyễn Hồng Phúc cũng kêu gọi người dân khi đến Lễ hội Tết Việt hãy mặc áo dài bởi đây không chỉ là hình ảnh đẹp cho người dân mỗi dịp Tết đến, Xuân về mà còn là hoạt động lan tỏa tình yêu và niềm tự hào đối với quê hương, đất nước.

Tại Lễ khai mạc, đông đảo người dân diện áo dài đến Nhà văn hóa Thanh niên để tham quan, vui chơi và ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong dịp Tết.

Phạm Trần Gia Hân (19 tuổi, sinh viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) háo hức chia sẻ: “Mỗi năm, em đều tranh thủ cùng bạn bè đến đây để tham gia các hoạt động đón Tết. Em rất ấn tượng với các không gian văn hóa của Lễ hội cùng với các gian hàng ẩm thực đa dạng. Ở mỗi gian hàng, em có cơ hội được tìm hiểu thêm các phong tục văn hóa đặc sắc của 3 miền".

Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ năm 2025 mở cửa đón du khách tại Nhà văn hóa Thanh niên đến hết ngày 2/2 (mùng 5 Tết). Theo Ban tổ chức, năm 2024, Lễ hội Tết Việt thu hút gần 200.000 lượt người đến tham dự các hoạt động, tham quan, chụp ảnh.

Thu Hương