Thuế - Tài chính

Giảm gánh nặng cho người nộp thuế thu nhập cá nhân

Thùy Dương 14/01/2025 08:16

Dù mức giảm trừ đã tăng nhưng lạm phát và các chi phí sinh hoạt ngày càng cao đang gây khó khăn cho nhiều gia đình nên cần có sự điều chỉnh kịp thời để giảm bớt gánh nặng thuế cho người lao động.

nop-thue.jpg.jpg
Cán bộ, công chức thuế rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN

Theo các chuyên gia kinh tế, mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã không còn phù hợp với mức sống thực tế của người dân.

Dù mức giảm trừ đã tăng nhưng lạm phát và các chi phí sinh hoạt ngày càng cao đang gây khó khăn cho nhiều gia đình. Do đó, cần có sự điều chỉnh kịp thời để giảm bớt gánh nặng thuế cho người lao động, nhất là khi thu nhập bình quân của người dân vẫn còn thấp so với mức giảm trừ hiện tại.

Thuế thu nhập cá nhân gồm thuế từ người làm công ăn lương (chiếm chủ yếu) và cá nhân kinh doanh. Đây là một trong ba sắc thuế trụ cột của ngân sách, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng (VAT).

Từ năm 2009, khi Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực, mức giảm trừ gia cảnh ban đầu khi áp dụng luật đối với người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng, đến năm 2020 nâng lên 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) và 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc.

Với mức giảm trừ như hiện nay, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp..., hiện nay cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu (Hà Nội) đều làm công ăn lương, có 2 con nhỏ đang trong độ tuổi đi học chưa đủ 18 tuổi, có tổng mức thu nhập hơn 37 triệu tháng. Hai con nhỏ đang được kê khai giảm trừ gia cảnh theo bố bởi chồng chị Hà đang có thu nhập hơn 20 triệu đồng. Như vậy hiện giờ chỉ có thu nhập của chị Thu đang chịu thuế thu nhập cá nhân.

Theo chị Thu, với mức thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh theo Luật hiện hành, gia đình chị mỗi năm đang mất khoảng 5 triệu đồng tiền thuế. Dù đây không phải là số tiền lớn nhưng với hoàn cảnh gia đình chị vẫn là rất quý.

“Chi phí tiền học phí cho hai con cùng với chi phí sinh hoạt đang không ngừng tăng do áp lực của lạm phát đã tạo gánh nặng chi phí lớn cho 2 vợ chồng tôi dù thu nhập cũng không phải quá thấp,” chị Thu chia sẻ.

Không chỉ riêng chị Thu, nhiều gia đình đang sinh sống tại những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng chịu áp lực tương tự. Những khoản chi phí thường ngày như học hành, ăn uống, các khoản phí… khiến số thu nhập gần như không còn dư địa. Đó là chưa kể những khoản chi phí phát sinh như ốm đau; ma, chay, hiếu, hỉ… Điều này khiến cho nhu cầu tiết kiệm của các gia đình gần như bằng “0.” Với những gia đình trẻ, việc tiết kiệm thu nhập để dành cho mua sắm tài sản lớn như nhà cửa gần như không khả thi.

thu-thu-nhap-ca-nhan.jpg
Ảnh minh họa: Vietnam+

Theo Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công bố thì thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người. Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng) là bằng hơn 2,21 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người, tương đương thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số giàu nhất.

Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định khi CPI biến động trên 20% so với lúc luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo, nhưng qua theo dõi từ năm 2020 đến nay, CPI chưa biến động đến mức 20%.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng mức tính thuế thu nhập cá nhân hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn và cần phải có những điều chỉnh phù hợp để đảm bảo cho cuộc sống của người dân.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, mức giảm trừ khi tính thuế phải dựa vào đời sống thực tế của người dân, các chi phí thực tế như ốm đau, bệnh tật, nuôi con ăn học cần được tính vào.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng với quy định cộng dồn CPI 20% mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh, chính sách này đã lạc hậu, không theo kịp tốc độ thay đổi của nền kinh tế và chi phí sống. Từ năm 2020 đến nay, giá cả tăng không ngừng, nhưng mức giảm trừ vẫn cố định là một bất hợp lý. Do đó, theo ông Đinh Trọng Thịnh, mức giảm trừ gia cảnh đang quá thấp, cần phải tăng thêm, ở những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, mức giảm trừ nên ở khoảng 16-18 triệu đồng/tháng trở lên.

Trước đó, tại Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) hồi tháng 11/2024, Bộ Tài chính đánh giá mức giảm trừ gia cảnh hiện hành đã được áp dụng từ năm 2020 đến nay, cần đánh giá lại để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện mới.

Theo Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với sự biến động của giá cả, sự gia tăng mức sống dân cư cũng như dự báo cho thời gian tới.

Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu, điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú. Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc thuế của biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp; xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế...

Ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thuế thuộc Bộ Tài chính, cho biết CPI có thể biến động mạnh trong năm 2025 và Bộ Tài chính sẽ đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh mà không cần sửa Luật Thuế Thu nhập Cá nhân.

Dự kiến, kỳ họp tháng 10 sẽ xem xét vấn đề này, đồng thời Bộ Tài chính đang rà soát và dự định sửa đổi Luật trong năm 2025. Năm 2024, Bộ Tài chính cho biết, số thu từ thuế thu nhập cá nhân cả năm ước thực hiện là 189.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 157.000 tỷ đồng).

Thùy Dương