Đời sống

Động lực cho công tác giảm nghèo năm 2025

Dương Phong 14/01/2025 08:00

Giai đoạn 2022-2024, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã mang lại nhiều kết quả tích cực, qua đó tạo động lực để hoàn thành nhiệm vụ giảm nghèo năm 2025.

Dấu ấn an sinh cho người nghèo

Một trong những thành công lớn trong công tác giảm nghèo năm 2024 là việc hỗ trợ người dân thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.

Với tổng vốn giao 3 năm, từ năm 2022 đến 2024 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững là gần 92,9 tỷ đồng, các địa phương đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất, trong đó chủ yếu là hỗ trợ các hộ dân nuôi bò, nuôi dê sinh sản, trồng dâu nuôi tằm…. Các mô hình này đã giúp nhiều hộ gia đình vượt qua khó khăn, nâng cao đời sống.

img_1960.jpg
Anh Thào Seo Thái được hỗ trợ dúi giống, tạo sinh kế để thoát nghèo

Là một trong số những hộ dân được nhận dúi giống, anh Thào Seo Thái, thôn 5, xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong cho biết: “Mô hình đã tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên và không tốn nhiều kinh phí để xây dựng chuồng trại. Hiện nay giá dúi thương phẩm cũng rất cao, khoảng 600.000 đồng/kg, giúp bà con nuôi dúi có nguồn thu nhập tốt”.

Ngoài hỗ trợ sinh kế, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được hỗ trợ xây nhà ở. Từ nguồn vốn được bố trí là 72,7 tỷ đồng, trong năm 2023 và 2024, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ xây dựng 134 căn nhà cho hộ nghèo, tương đương 25% so với số lượng nhà ở đã được phê duyệt tại Đề án của UBND tỉnh.

Các căn nhà sau khi hoàn thành đều bảo đảm diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, 3 cứng (nền cứng, khung và tường cứng, mái cứng). Có nhà ở ổn định, kiên cố đã tạo động lực, niềm tin để các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bà Thị H’Ngốt, bon Bu N’Drung, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức chia sẻ: “Trước đây nhà cửa dột nát nhưng không có điều kiện để sửa chữa. Nay được sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương xây dựng cho một căn nhà mới kiên cố, gia đình rất vui, từ nay không còn lo lắng về nhà ở nữa”.

img_1199.jpg
Phụ nữ bon Đắk Me, xã Đắk N'Drót, huyện Đắk Mil được đào tạo nghề may miễn phí

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ mô hình sinh kế, phát triển sản xuất, Đắk Nông còn chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Trong năm 2024, hàng ngàn người dân tại các xã khó khăn đã được tham gia các lớp đào tạo nghề, từ trồng trọt, chăn nuôi cho đến may mặc. Các chương trình đào tạo nghề này không chỉ giúp người lao động có tay nghề vững vàng mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chị H’Linh, bon Đắk Me, xã Đắk N'Drót, huyện Đắk Mil chia sẻ: “Sau khi hoàn thành khóa học may, tôi sẽ mua máy móc về để làm việc, phục vụ nhu cầu may vá của người dân trong vùng. Một số chị em còn trẻ thì có thể đi làm công nhân may mà không mất thời gian đào tạo, thử việc”.

Phấn đấu giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo trở lên

Trong 3 năm, từ 2022 đến năm 2024, tỉnh Đắk Nông được bố trí trên 897,2 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Nguồn vốn của chương trình được phân bổ thực hiện nhiều dự án, tiểu dự án, trong đó có hơn 368,8 tỷ đồng được bố trí để thực hiện Tiểu dự án 1 - hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Đến nay, các địa phương đã giải ngân được 318,8/368,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 86,54% vốn giao 3 năm.

img_9168.jpg
Theo thống kê, năm 2024, tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ xây mới hơn 120 căn nhà cho hộ nghèo các huyện Tuy Đức và Đắk Glong

Từ nguồn vốn trên, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục … được đầu tư xây dựng. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi; kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn chỉnh, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sản xuất và dân sinh.

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong thông tin, thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, thời gian qua, ngành chức năng của huyện hỗ trợ các xã Quảng Khê, Đắk Ha, Quảng Sơn, Quảng Hòa phát triển nhiều mô hình sinh kế và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã học được nghề mới và yên tâm phát triển kinh tế hộ gia đình, qua đó vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Năm 2025, huyện đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3%. Để đạt được mục tiêu trên và đưa Đắk Glong thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, nhiều giải pháp đang được tập trung triển khai thực hiện, trong đó có tập trung hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp và hỗ trợ người dân vay vốn, đầu tư sản xuất…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho hay.

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, năm 2024 là năm thứ 4 triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025. Công tác quản lý, điều hành chương trình đã được thực hiện thống nhất, đồng bộ từ tỉnh tới địa phương.

Từ nguồn lực hỗ trợ của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, năm 2024 công tác giảm nghèo của tỉnh Đắk Nông đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 2,99% (giảm 2,19% so với năm 2023), trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ còn 10,27% (giảm trên 6,15% so với năm 2023), đạt chỉ tiêu đề ra.

dji_20250108113451_0084_d.jpg
Nhờ nguồn vốn giảm nghèo, diện mạo vùng nông thôn, vùng khó khăn đã có nhiều khởi sắc

Ông Châu Ngọc Lương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, công tác giảm nghèo bền vững luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông. Mặc dù vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, nhưng những kết quả đạt được từ việc triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trong năm 2024 sẽ là nền tảng vững chắc, giúp tỉnh thực hiện thành công các mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025.

“Năm 2025, tỉnh Đắk Nông phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh từ 1% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 2% trở lên. Công tác giảm nghèo sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra”, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho hay.

Dương Phong