An toàn nông sản Đắk Nông
Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm thủy sản Đắk Nông quan tâm bảo đảm an toàn thực phẩm để khẳng định chất lượng sản phẩm.
Theo anh Đỗ Đức Dương, chủ cơ sở khô bò Đức Tâm, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, dịp Tết Nguyên đán này nhu cầu của khách hàng tăng cao.
Cơ sở của anh luôn phải tăng nhân lực, máy móc để bảo đảm nguồn hàng đúng hẹn. Nhu cầu lớn, lao động phải tăng ca, máy móc hoạt động liên tục ngày đêm nhưng anh không vì thế mà xem nhẹ các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).
Từ nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, sấy, đóng gói đều được anh sát sao từng công đoạn để có được sản phẩm ngon nhất đến tay khách hàng.
Trong đó, anh khẳng định nguyên liệu luôn tươi, sơ chế, chế biến sạch sẽ, an toàn, người lao động sức khỏe tốt, khử trùng, khử khuẩn nhà xưởng, dụng cụ…
Chính vì thế, nhiều năm qua, cơ sở, sản phẩm của gia đình anh đã tạo được uy tín đối với nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Cơ sở của anh luôn được ngành chức năng địa phương đánh giá đạt cao các tiêu chí cơ sở bảo đảm vệ sinh, ATTP. Khô bò sấy của cơ sở được đánh giá là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP 3 sao.
Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT, những năm qua, đơn vị thực hiện nghiêm túc hoạt động thẩm định, đánh giá định kỳ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Năm 2024, Sở NN - PTNT Đắk Nông kiểm tra, đánh giá 179 cơ sở sản xuất thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong đó có 17 cơ sở xếp loại A (chiếm 9,5%); 162 cơ sở xếp loại B (chiếm 90,5%) và không có cơ sở xếp loại C.
Theo đánh giá, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp về hạ tầng, kỹ thuật, nguyên vật liệu để bảo đảm các quy định, tiêu chuẩn về ATTP.
Số cơ sở xếp loại C đã không còn, trong khi đó năm 2023 có 4 cơ sở xếp loại C. Điều này đồng nghĩa với việc, chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản Đắk Nông ngày càng an toàn, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Lãnh đạo Sở NN - PTNT cho biết, trong năm 2024, đơn vị đã chủ trì, phối hợp triển khai 2 đợt lấy mẫu giám sát ATTP. Bộ phận chuyên môn đã thực hiện test nhanh tại cơ sở trên 249 mẫu, trong đó 60 mẫu thịt heo, 32 mẫu thịt gà, 99 mẫu giò chả, 35 mẫu rau, 23 mẫu trái cây.
Kết quả, 247/249 mẫu âm tính; 2/249 mẫu dương tính với chất thử (1 mẫu thịt gà dương tính với Chloramphenicol, 1 mẫu chả cá dương tính với hàn the).
Sở NN - PTNT đã lấy 30 mẫu gồm 8 mẫu thịt heo, 5 mẫu thịt gà, 5 mẫu giò chả, 4 mẫu rau, 5 mẫu măng tươi; 3 mẫu trái cây. Kết quả phân tích phát hiện 1 mẫu giò chả chứa natri benzoat.
Đối với mẫu không đạt, Sở NN - PTNT đã gửi công văn đề nghị cơ sở thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân, thực hiện hành động khắc phục sản phẩm không bảo đảm ATTP.
Cơ sở này được chính quyền địa phương tiếp tục cử người giám sát việc truy xuất. Sở NN - PTNT tiếp tục tham mưu thành lập các đoàn thực hiện việc truy xuất sản phẩm không bảo đảm ATTP theo quy định và tái giám sát nếu cơ sở vẫn tiếp tục vi phạm thì đề nghị thanh tra, xử phạt theo quy định.
Năm 2024, Sở NN - PTNT đã đẩy mạnh việc phối hợp Sở KH - CN thực hiện khảo sát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản.
Qua theo dõi, hầu hết các cơ sở đều đã cập nhật thông tin tạo thuận lợi cho hàng hóa khi gia nhập thị trường số, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, gia tăng uy tín cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã…