Giáo viên chủ nhiệm - Người bạn đồng hành của học sinh
Giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách học sinh. Không chỉ dạy chữ, các cô còn là người định hướng, rèn luyện kỹ năng cho các em phát triển toàn diện.
Tận tâm và thương yêu
Cô giáo Vương Thị Ngần, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A2, Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa được biết đến là một trong những giáo viên chủ nhiệm có kinh nghiệm và tâm huyết. Cô giáo Vương Thị Ngần vinh dự nhận danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh do Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông trao tặng tại Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi năm 2024 - 2025.
Đối với cô giáo Ngần, công việc của một giáo viên chủ nhiệm là trách nhiệm, tình yêu và sự hiểu biết sâu sắc đối với từng học sinh của mình.
"Ngoài gia đình, giáo viên chủ nhiệm là người gắn bó nhiều nhất với học sinh. Vì thế, giáo viên chủ nhiệm ngoài dạy chữ còn có trách nhiệm dạy học sinh làm người", cô giáo Ngần chia sẻ.
Theo cô giáo Ngần, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, giáo viên chủ nhiệm định hướng, khơi dậy niềm đam mê và sự tự tin của học sinh trong quá trình phát triển nhân cách. Do đó, giáo viên chủ nhiệm phải kiên nhẫn, biết lắng nghe, luôn đồng hành, hỗ trợ học sinh bộc lộ năng khiếu, khả năng của mình.
Cô giáo Ngần so sánh vai trò của giáo viên chủ nhiệm như người “bảo mẫu”. Bởi giáo viên chủ nhiệm phải luôn theo dõi sát sao từng hành vi, cử chỉ của học sinh. Giáo viên chủ nhiệm ngoài giám sát việc học, còn dạy các em ứng xử, giao tiếp, hình thành nền nếp sinh hoạt, các kỹ năng xã hội. Giáo viên chủ nhiệm còn đóng vai trò trong việc kết nối học sinh với nhau, phụ huynh với nhà trường, góp phần tạo môi trường giáo dục hài hòa, hiệu quả.
Cô giáo Văn Thị Yến Nhi, giáo viên Trường tiểu học Bùi Thị Xuân, xã Kiến Thành, huyện Đắk R'lấp cho rằng, ngày nay giáo viên chủ nhiệm phải sâu sát hơn khi các vấn đề tâm lý học đường của học sinh đa dạng.
Giáo viên, nhất là chủ nhiệm lớp phải hiểu và làm bạn với từng học sinh. Từ đó, giáo viên nắm, hiểu, có phương pháp giáo dục phù hợp, giúp học sinh phát huy tốt năng khiếu, khả năng của mình. Sự yêu thương, động viên đúng lúc chính là chìa khóa giúp học sinh tự tin hơn trong học tập, phát triển kỹ năng sống.
Theo đánh giá của Ban Giám hiệu Trường tiểu học Bùi Thị Xuân, với vai trò giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Văn Thị Yến Nhi góp phần nâng cao chất lượng học tập, giúp học sinh nhận ra giá trị của bản thân. Từ đó, các em mạnh mẽ, tự tin hơn trong hành trình phát triển toàn diện. Lớp cô giáo Nhi chủ nhiệm luôn đạt được nhiều thành tích, dẫn đầu trong các hoạt động của trường.
Thấu hiểu học sinh
Nếu ở bậc tiểu học, giáo viên tập trung vào việc uốn nắn, giáo dục nền nếp, thì ở bậc THCS và THPT khi học sinh bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì, nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm càng trở nên phức tạp hơn. Đây là giai đoạn học sinh phát triển mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tâm lý, dễ bộc lộ sự nổi loạn, bất ổn.
Cô giáo Bùi Thị Thu Thị Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A8, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa chia sẻ: “Học sinh tuổi dậy thì rất nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố xung quanh, bao gồm cả áp lực từ học tập, gia đình và bạn bè. Các em bắt đầu tìm kiếm sự tự do, khẳng định cái tôi cá nhân của mình. Vì vậy, nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm ngoài quản lý học sinh phải đồng hành, thấu hiểu và giúp các em giải tỏa những vấn đề về tâm lý, ổn định cảm xúc và phát triển theo hướng tích cực. Khó khăn lớn nhất của giáo viên chủ nhiệm là làm sao để học sinh tin tưởng, cởi mở chia sẻ với mình. Để làm được điều đó đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải thật sự chuẩn mực và gương mẫu".
Để thực hiện tốt vai trò của mình, cô giáo Hằng luôn đặt việc nắm bắt tâm lý học sinh lên hàng đầu. Cô giáo Hằng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn để kịp thời nhận ra những thay đổi trong hành vi, tâm lý của các em.
Cô giáo Hằng tạo sự kết nối mạnh mẽ với phụ huynh, bảo đảm có sự đồng hành từ gia đình trong quá trình giáo dục. Cô giáo Hằng luôn cố gắng trở thành người bạn, lắng nghe và chia sẻ với học sinh trong suốt hành trình học tập.
Cô giáo Hằng khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại khóa và các chuyên đề nhằm rèn luyện thêm kỹ năng sống. Thông qua các buổi sinh hoạt lớp, cô giáo Hằng luôn chú trọng định hướng, giúp học sinh hiểu rõ bản thân, phát huy năng khiếu, sở thích cá nhân để thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo.
Cô giáo Hằng đặc biệt quan tâm đến việc định hình tư duy đúng đắn cho học sinh, tránh cho các em bị lệch hướng trong giai đoạn nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông Lê Bá Cường, ngành Giáo dục luôn chú trọng đào tạo và nâng cao trình độ cho giáo viên chủ nhiệm về chuyên môn, kỹ năng quản lý và nắm bắt tâm lý học sinh. Các khóa đào tạo, tập huấn và hội thảo, hội thi chuyên đề được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy, quản lý lớp, học sinh hiệu quả.
Trong đó, thông qua các hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp là cơ sở để ngành Giáo dục đánh giá chất lượng công tác chủ nhiệm tại các trường. Đồng thời tạo sân chơi để giáo viên chủ nhiệm trao đổi, học hỏi những giải pháp mới trong triển khai nhiệm vụ.
Ngoài ra, các trường học khuyến khích giáo viên chủ nhiệm tham gia hoạt động ngoại khóa, các khóa đào tạo chuyên sâu và giao lưu với đồng nghiệp để cập nhật kiến thức, kỹ năng mới.
“Trong thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm, nhất là phát triển các kỹ năng mềm như giao tiếp, tư vấn tâm lý và quản lý lớp học hiệu quả hơn. Sở GD-ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục xây dựng những mô hình giáo dục linh hoạt, tạo sự gắn kết giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh. Mục tiêu cuối cùng là để giáo viên chủ nhiệm không chỉ là người thầy mà còn là người đồng hành, người bạn của học sinh, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ của tỉnh”, ông Cường thông tin.