Thuật ngữ Gen Z: 'Câu cá sự nghiệp' - trốn nhận việc
Mẹo vặt - Ngày đăng : 13:10, 12/01/2025
Nhiều người trẻ sử dụng thuật ngữ "câu cá sự nghiệp" như một hình thức phản đối môi trường làm việc không đạt yêu cầu, mô tả công việc kém hoặc các hoạt động tuyển dụng không minh bạch. Bằng cách từ chối đi làm mà không thông báo, gen Z đang thúc đẩy các công ty đánh giá lại chiến lược tuyển dụng của mình.
Thuật ngữ "câu cá sự nghiệp" ám chỉ việc người trẻ chấp nhận lời mời làm việc nhưng không xuất hiện vào ngày đầu tiên, cũng không thông báo cho nhà tuyển dụng. Hiện tượng mới này đã làm dấy lên các cuộc tranh luận về văn hóa doanh nghiệp và đạo đức nơi làm việc.
Theo cuộc khảo sát với 1.000 nhân viên nhiều độ tuổi tại Anh của CVGenius, một nền tảng xây dựng sơ yếu lý lịch, cho thấy 34% nhân viên Gen Z (từ 27 tuổi trở xuống) thừa nhận đã từng bỏ rơi nhà tuyển dụng. Xu hướng này để phản ứng trước quy trình tuyển dụng lâu la, thủ tục đơn xin việc dài dòng và phản hồi chậm trễ từ các nhà quản lý tuyển dụng.
"Khảo sát của chúng tôi phát hiện ra rằng những người lao động gen Z lựa chọn những cách sáng tạo để ưu tiên bản thân lên trên công việc", các nhà nghiên cứu giải thích.
Điều thú vị là gen Z không phải là nhóm duy nhất tham gia vào xu hướng này. Cuộc khảo sát cho thấy 24% người thuộc thế hệ Millennials (từ 28 đến 43 tuổi) cũng đã không đến nhận việc, so với 11% thế hệ X (từ 44 đến 59 tuổi).
Mặc dù xu hướng "câu cá nghề nghiệp" đem đến cảm giác hả hê cho gen Z, nhưng nó có thể gây ra hậu quả lâu dài. Theo báo cáo của Resume Builder, các nhà quản lý tuyển dụng thường coi gen Z là đối tượng khó làm việc cùng, thường có các vấn đề về quyền lợi và thiếu động lực công sở. Những nhận thức này có thể khiến người trẻ khó tạo dựng được lòng tin với các nhà tuyển dụng trong tương lai.
Ngoài ra, thị trường việc làm đang giảm và sự cạnh tranh ngày càng tăng, việc từ chối công việc mà không báo trước cũng dễ phản tác dụng. Theo Fortune, lứa sinh viên tốt nghiệp năm 2025 tại Anh dự kiến sẽ phải đối mặt với các điều kiện thị trường việc làm thậm chí còn khó khăn hơn, với số lượng người vừa ra trường đã tăng 24% so với năm trước.
Cuối cùng, sự gia tăng của xu hướng "câu cá nghề nghiệp" làm nổi bật các vấn đề mang tính hệ thống trong việc tuyển dụng. Giao tiếp rõ ràng, phản hồi kịp thời và sự tôn trọng lẫn nhau giữa người sử dụng lao động và ứng viên là rất quan trọng để thu hẹp khoảng cách. Cả hai bên phải nỗ lực hướng tới các tương tác minh bạch và chuyên nghiệp để thúc đẩy văn hóa nơi làm việc lành mạnh hơn.
Đối với gen Z, hành vi này phản ánh tư duy ưu tiên các mục tiêu cá nhân. Điều này giống với các xu hướng khác tại nơi làm việc như "bỏ việc lặng lẽ", trong đó nhân viên chỉ thực hiện công việc ở mức tối thiểu được yêu cầu và "thẻ cà phê" - nhân viên đến văn phòng để điểm danh rồi ra quán cà phê làm việc.