Chuyên gia hướng dẫn cách phòng ngừa virus HMPV
Theo các chuyên gia y tế, việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa này có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm HMPV và các bệnh truyền nhiễm khác trong cộng đồng.
Những ngày qua, thông tin về Human metapneumovirus (HMPV) được phát hiện ở Trung Quốc đang dấy lên những lo ngại về một đợt dịch mới tương tự như COVID-19. Người dân còn lo lắng hơn nữa khi ngày 7/1, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, HMPV đã được ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiếm tỷ lệ 12,5% ở trẻ em so với các tác nhân khác.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các chuyên gia y tế trên toàn cầu, các thông tin có vẻ như đang bị thổi phồng quá mức bởi truyền thông và mạng xã hội.
Sau đại dịch COVID-19, xu hướng coi mọi bệnh truyền nhiễm đều là các trường hợp khẩn cấp là không đúng với thực tế , khoa học và những thông tin cần được kiểm chứng nhằm tránh làm tăng sợ hãi cho cộng đồng.
HMPV có xu hướng bùng phát mạnh vào mùa đông và đầu xuân
Ngoài ra, các dữ liệu của CDC Hoa Kỳ thời điểm cuối tháng 12/2024 cũng cho thấy, trong số các bệnh nhân được xét nghiệm nhiễm virus đường hô hấp chỉ có chưa đến 2% được xác định mắc virus HMPV. Do đó, virus HMPV được xếp cuối cùng trong danh sách những thủ phạm thường gặp đối với các bệnh đường hô hấp.
Cũng tại Thành phố Hồ Chí Minh, HMPV chỉ chiếm tỷ lệ 12,5% ở trẻ em so với các tác nhân khác như rhinovirus (44,6%), virus hô hấp hợp bào RSV (41,1%), cúm A (25%).
Kết quả xét nghiệm 103 bệnh nhân viêm phổi cộng đồng (gồm 56 trẻ em và 47 người lớn) nhập viện từ tháng 7 đến tháng 12/2024 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, HMPV chiếm tỷ lệ nhỏ (12,5% ở trẻ em) so với các tác nhân gây viêm phổi cộng đồng khác.
Các tác nhân phổ biến hơn được tìm thấy ở trẻ em như vi khuẩn H. influenzae (71,4%), S. pneumoniae (42,9%), virus cúm A (25%), rhinovirus (44,6%), RSV (41,1%)...
Tác nhân phổ biến ở người lớn là vi khuẩn H. influenzae (42,6%), S. pneumoniae (27,7%) và virus cúm A (48,9%).
Tiến sỹ, bác sỹ Trương Hồng Sơn, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, virus HMPV không hề có họ hàng gần với virus SARS-CoV-2 đã gây ra đại dịch COVID-19.
Virus HMPV là một trong những loại virus đã được phát hiện từ lâu, không nổi bật, thường “ẩn danh” gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh hoặc cúm vào mùa đông, xuân.
Vì thế người dân “không nên lo lắng quá mức về tình trạng hiện tại, khi các trường hợp nhiễm virus HMPV nằm trong chu kỳ hoạt động của các virus đường hô hấp khi vào mùa.”
Về đường lây nhiễm, virus này chủ yếu lây nhiễm qua giọt bắn đường hô hấp, với các giọt bắn chứa virus được phát tán trong không khí thông qua các hoạt động như ho, hắt hơi, hoặc thậm chí là quá trình nói chuyện thông thường.
Ngoài ra, sự lây truyền HMPV còn có thể xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với bề mặt bị nhiễm virus và sau đó chạm tay vào niêm mạc mũi, miệng, mắt.
Virus HMPV có thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Một đặc điểm quan trọng của virus này là khả năng tạo miễn dịch không hoàn toàn sau nhiễm trùng, dẫn đến hiện tượng tái nhiễm có thể xảy ra nhiều lần trong đời.
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, virus HMPV có thể được phát hiện quanh năm, nhưng có xu hướng bùng phát mạnh vào mùa đông, xuân nên sự gia tăng các trường hợp mắc trong thời gian này không phải là tình trạng bất thường. Vì vậy, không nên lo lắng thái quá về tình trạng hiện tại, nhất là khi chúng ta đã có kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19.
Những ai dễ bị lây nhiễm
Tiến sỹ, bác sỹ Trương Hồng Sơn, hiện virus HMPV vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Virus HMPV lây nhiễm chủ yếu cho trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ có thể mắc đi mắc lại virus này, với các triệu chứng thường nhẹ hơn lần nhiễm đầu tiên. Người lớn trên 65 tuổi và những người có vấn đề về hô hấp hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu cũng có thể bị các triệu chứng nghiêm trọng.
Virus HMPV chiếm khoảng 10-12% các ca nhiễm trùng hô hấp ở trẻ em, với phần lớn các ca bệnh có biểu hiện lâm sàng nhẹ. Tuy nhiên, khoảng 5-16% trường hợp mắc có thể tiến triển thành nhiễm trùng đường hô hấp dưới nghiêm trọng, trong đó viêm phổi là biến chứng đáng lo ngại nhất.
Trong hầu hết các trường hợp, virus HMPV thường gây ra các triệu chứng nhẹ tương tự như khi bị cảm lạnh thông thường, cụ thể như ho, sốt, nghẹt mũi, đau họng, thở khò khè, khó thở nhẹ, đôi khi phát ban đỏ… thậm chí có trường hợp không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào.
Khi bị nhiễm virus HMPV nhẹ, người bệnh có khả năng hồi phục dần trong ít ngày (thường là 2 – 5 ngày) mà không cần can thiệp điều trị y tế hay nhập viện.
Trong một số trường hợp nhất định, loại virus này có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới nghiêm trọng như viêm phổi hoặc làm trầm trọng thêm bệnh lý nền đã có sẵn như hen suyễn hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với nhóm trẻ nhỏ, người già và những cá nhân có hệ miễn dịch suy giảm hoặc bệnh phổi mạn tính. Một số dấu hiệu cho thấy người bệnh đang bị viêm đường hô hấp dưới, bao gồm: Sốt cao, khò khè, ho có đờm đặc, khó thở, da tím tái, suy hô hấp…
Nếu triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần hoặc ngày càng trở nên nghiêm trọng, người bệnh nên thăm khám bác sĩ để được can thiệp điều trị kịp thời.
Để ngăn ngừa lây nhiễm virus MMPV và hạn chế lây lan của virus này, mỗi người nên duy trì thực hiện các thói quen: Rửa tay thường xuyên và đúng cách với xà phòng và nước sạch; Sử dụng dung dịch sát khuẩn tay có cồn khi không có điều kiện rửa tay với xà phòng; Tránh chạm tay vào vùng mặt, đặc biệt là mắt, mũi và miệng.
Bên cạnh đó cần che miệng và mũi bằng khuỷu tay (không dùng bàn tay trần) khi ho hoặc hắt hơi; Đeo khẩu trang khi ở nơi đông người hoặc khi bị bệnh; Tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp; Không dùng chung đồ dùng cá nhân như bát đĩa, ly cốc và dụng cụ ăn uống.
Cần đảm bảo thông gió tốt trong không gian sinh hoạt và làm việc; Thực hiện vệ sinh và khử khuẩn thường xuyên các bề mặt thường xuyên tiếp xúc; Duy trì môi trường sống sạch sẽ; Duy trì lối sống lành mạnh và cân bằng; Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý…
Theo các chuyên gia y tế, việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa này có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm HMPV và các bệnh truyền nhiễm khác trong cộng đồng.