Kinh tế

Cẩn trọng với thực phẩm “nhà làm” online

Lê Dung 12/01/2025 06:51

Mua thực phẩm online đang dần trở thành thói quen của nhiều người. Thế nhưng, nguồn thực phẩm này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Nhanh, tiện lợi

Dạo quanh một vòng các trang mạng xã hội, người tiêu dùng không khó để tìm cho mình một địa chỉ đồ ăn ship tận nơi, với đầy đủ các món “nhà làm”.

z6207640056973_17df2fe6bc610c222ce523279c2f58c0.jpg
Nhiều cơ sở bán hàng "nhà làm" online đầu tư cho chất lượng sản phẩm và hình ảnh bắt mắt

Chỉ cần gõ cụm từ “thực phẩm online” trên trang tìm kiếm, sau không ít giây, chúng ta nhận được ngay rất nhiều kết quả như mong muốn.

Trên mạng xã hội hay các shop online, vô vàn các sản phẩm chế biến sẵn, từ thức ăn bình dân tới thực phẩm cao cấp… Tất cả được chào bán với hình ảnh bắt mắt, quảng cáo hấp dẫn, thu hút số đông khách hàng tương tác.

Chị Nguyễn Thị Thái, chuyên kinh doanh hàng online ở Đắk Song khởi nghiệp với các món thực phẩm chế biến sẵn, “nhà làm” từ 5 năm nay.

Chị thật lòng chia sẻ, buôn bán ở lĩnh vực này cũng không hề dễ dàng. Bởi trước tiên phải tìm được địa chỉ cung ứng uy tín, rồi mới dám đăng bán trên trang facebook, zalo cá nhân của mình.

z6207643234800_cce6c7c58c9cd9ff18210160fbbb0363.jpg
Thực phẩm được sơ chế, đóng gói sẵn, người tiêu dùng chỉ cần gọi điện đặt hàng là được giao tận nơi

Cụ thể, nơi làm ra thực phẩm chế biến sẵn này, bản thân chị Thái phải thực sự quen biết. Hiểu rõ được nguồn nguyên liệu họ lấy vào cũng như cách bảo quản, chế biến, giữ gìn vệ sinh cũng như tâm tính của chính người làm ra sản phẩm.

“Bán hàng online, nhưng thực tế khách mua toàn là người quen nên mình phải luôn cẩn trọng trong khâu lấy hàng. Không vì lợi nhuận mà cứ thấy nơi nào rẻ, không rõ nguồn gốc là mình nhập ồ ạt về được”, chị Thái chia sẻ.

Với khách hàng như chị Nguyễn Thị Dung, TP. Gia Nghĩa, thực phẩm “nhà làm” bán online đang vô cùng tiện lợi. Việc này đã giúp chị được giải phóng khỏi tình cảnh tất bật lao ngay vào bếp để nấu cơm cho cả gia đình sau một ngày dài làm việc mệt mỏi.

z6207647555905_893d0fed199c6183a73c4b3e9aa21c82.jpg
Các món ăn “nhà làm” đã giúp người tiêu dùng tiết kiệm được rất nhiều thời gian, mà không ảnh hưởng quá nhiều đến dinh dưỡng hàng ngày cho gia đình

“Nhờ các món ăn “nhà làm” đã giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian mà không ảnh hưởng quá nhiều đến dinh dưỡng hay chất lượng bữa ăn. Thực ra rất nhiều nơi bán đồ ăn tự làm, khẩu vị cũng không khác gì bữa cơm mình nấu nên tiện lợi vô cùng”, chị Dung bày tỏ.

Có thể thấy rõ, càng cận tết, thị trường thực phẩm online, “nhà làm” càng nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Hàng loạt các món ăn “nhà làm” phục vụ khách hàng trong dịp tết đang được phủ sóng ở hầu hết các trang mạng xã hội như: củ kiệu, bánh tét, bánh chưng, khô gà, bò khô, lạp xưởng, xúc xích...

Ẩn chứa không ít nguy cơ

Nhiều ưu điểm nhưng thực phẩm online, “nhà làm” cũng ẩn chứa không ít nguy cơ về mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Bên cạnh những người bán hàng thực sự có tâm, lựa chọn những thực phẩm tươi ngon, sạch để chế biến bán cho khách hàng, vẫn có không ít những người đã lợi dụng thói quen tiêu dùng này để bán hàng không bảo đảm chất lượng.

z6207638419942_35ebce75430fb3ab86b2f2c5ee85e383.jpg
Thực phẩm đồ uống "nhà làm" được đăng bán trên nhiều trang mạng xã hội

Đáng nói hơn, khi hầu hết các sản phẩm đưa lên mạng, nhất là thực phẩm “nhà làm” đều kinh doanh không có giấy phép. Các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm.

Phần lớn chất lượng sản phẩm chỉ được chủ cơ sở cam đoan bằng miệng, khó kiểm chứng. Mọi câu từ quảng cáo đều được cân nhắc để hút khách bằng giá cả, ưu đãi... Người bán chỉ để lại thông tin sản phẩm, số điện thoại đặt hàng và nhận giao hàng đến khách.

Ông Phạm Khánh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho hay, vấn đề ATVSTP hiện đang là vấn đề khá nhức nhối, kể cả ở kênh bán hàng trực tiếp hay online đều ẩn chứa những nguy cơ khó lường đối với sức khỏe người tiêu dùng.

mt.jpg

Theo ông Tùng, ATVSTP đang xảy ra ở các khâu thuộc ngành Y tế quản lý, đó là: sản xuất, bảo quản, chế biến, cho đến bàn ăn. Sản phẩm bảo đảm ATVSTP thông thường nằm ở 3 chỉ tiêu chính, bao gồm: nấm mốc (vi sinh vật), kiểm soát kim loại nặng, kiểm soát hóa chất bảo vệ thực vật.

Trong 3 chỉ tiêu này, hiện nay, ngành Y tế xét nghiệm được về vi sinh vật. Về thành phần kim loại nặng trong thực phẩm đã có thiết bị test nhanh.

Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là thuốc bảo vệ thực vật, đơn vị không thể kiểm soát được. Bởi hiện nay, người sản xuất có thể không sử dụng, nhưng người bán lại sử dụng hóa chất để bảo quản cho thực phẩm luôn tươi, mới.

“Hiện tại, chắc chắn hơn 80% thực phẩm qua kiểm tra đều sử dụng chất bảo quản bằng hóa chất với hàm lượng cho phép hoặc cao hơn. Những mối nguy hại trên không xảy ra ngay với sức khỏe con người, mà nó sẽ xuất hiện ở 5-10 năm sau. Cho nên, vấn đề này, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận và có giải pháp quyết liệt ngay”, ông Tùng nhấn mạnh.

ATTP 10
Ngành Y tế kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong dịp tết

Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ trang bị thêm máy móc hiện đại hơn để kiểm tra, kiểm soát tốt nguồn thực phẩm trên địa bàn và rất cần sự phối hợp vào cuộc của các ngành Công thương, Nông nghiệp để tăng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Ngành Y tế cũng khuyến cáo, để tránh rủi ro, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ trước khi mua thực phẩm “nhà làm”, nhất là trên mạng xã hội. Theo đó, khi mua hàng nên tìm hiểu các cơ sở kinh doanh uy tín, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng.

Với hình thức mua hàng online, nên lựa chọn những tài khoản có lịch sử bán hàng lâu dài, ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín, có đăng ký, thông báo với Bộ Công thương.

Cùng đó, người mua cần tham khảo những phản hồi từ khách hàng, những nơi bán rõ ràng về quy trình sản xuất và nguồn gốc nguyên liệu. Mặt khác cũng nên lưu ý cả về bao bì, mùi vị, màu sắc sản phẩm, tránh những món ăn có dấu hiệu bất thường, để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình trong dịp tết.

Năm 2024, lực lượng quản lý thị trường Đắk Nông kiểm tra 303 nhóm mặt hàng thực phẩm. Trong đó, phát hiện 262 trường hợp vi phạm, với 266 hành vi. Tổng số tiền phạt là hơn 455 triệu đồng. Tổng trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy là hơn 29,2 triệu đồng.

Lê Dung