Pháp luật

Đắk Nông quyết liệt với thực phẩm bẩn

Lê Phước 11/01/2025 06:42

Nhiều loại thực phẩm tại Đắk Nông được phát hiện, xử lý nghiêm, thể hiện quyết tâm lớn của tỉnh trong đấu tranh với tệ nạn này.

Liên tiếp phát hiện thực phẩm bẩn

Ngày 20/12/2024, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Đắk Nông tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh ở phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa. Cơ sở này do ông B.H.H đứng tên chủ hộ kinh doanh.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện kho lạnh trong khu vực kinh doanh của ông B.H.H có chứa hơn 1 tấn thực phẩm đông lạnh. Kho hàng đông lạnh gồm các loại thực phẩm như: nội tạng động vật, xương lợn, ức gà, hải sản… Tất cả hàng hóa đông lạnh đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

anh kho dong lanh
Kho đông lạnh với hơn 1 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc được phát hiện tại một cơ sở kinh doanh tại TP. Gia Nghĩa cuối năm 2024

Làm việc với lực lượng công an, ông B.H.H khai nhận mua số hàng hóa trên ở nhiều nơi. Cơ sở kinh doanh của B.H.H cũng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Đắk Nông đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số thực phẩm đông lạnh nói trên để tiêu hủy theo quy định.

Cơ quan công an đã quyết định xử phạt ông B.H.H 55 triệu đồng vì kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Trước đó, vào tháng 11/2024, lực lượng của Cục Quản lý thị trường Đắk Nông đã kiểm tra một xe tải mang biển kiểm soát ngoại tỉnh đang lưu thông trên địa bàn. Trên xe tải có 300kg đùi gà đông lạnh chưa qua chế biến và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

anh dui ga
Sản phẩm đùi gà đông lạnh không rõ nguồn gốc được lực lượng chức năng của Đắk Nông phát hiện trong quá trình đưa đi tiêu thụ

Tài xế xe tải là ông L.V.H (ở Phú Yên) khai nhận chở số hàng hóa trên đi tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt ông L.V.H 12 triệu đồng vì hành vi kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và tiêu hủy toàn bộ số đùi gà đông lạnh nói trên.

Vào tháng 6/2024, Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt quả tang một cơ sở sản xuất, chế biến tại Đắk Song đang có hành vi sản xuất cà phê giả. Tại địa điểm trên, đối tượng T.V.Đ đã tổ chức sản xuất 329 gói cà phê loại 0,5kg/gói, tổng khối lượng 164,5kg cà phê bột giả.

Mở rộng điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông đã thu giữ 392 gói cà phê bột giả với tổng khối lượng 196kg do T.V.Đ sản xuất và bán ra thị trường.

Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”, ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam T.V.Đ theo quy định.

anh doi tuong
Đối tượng sản xuất, kinh doanh cà phê giả bị Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện, bắt quả tang

Tiếp tục đấu tranh trong chuyên án, lực lượng công an đã tiến hành kiểm tra một ô tô mang biển kiểm soát ngoại tỉnh của N.T.S (ở TP. Hồ Chí Minh) đang chở gần 6 tạ cà phê bột đi tiêu thụ.

Toàn bộ số lượng cà phê trên đều được xác định là hàng giả. Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”, ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam N.T.S.

Đấu tranh quyết liệt

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đắk Nông, năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thương mại trên địa bàn tương đối ổn định.

Trên địa bàn không xảy ra các vụ việc nổi cộm trong hoạt động kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm. Tuy nhiên, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn ra với quy mô nhỏ lẻ.

Trong năm 2024, lực lượng QLTT Đắk Nông đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với 1.231 vụ việc. Cục QLTT đã xử phạt 1.001 vụ việc, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 2 tỷ đồng, tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 200 triệu đồng.

So với năm 2023, số vụ vi phạm được lực lượng QLTT phát hiện, xử lý tăng về số vụ, về số tiền phạt và trị giá hàng tiêu hủy. Trong đó, vi phạm của nhóm mặt hàng thực phẩm chiếm tỷ lệ lớn nhất với 262 vụ việc, 266 hành vi và tổng số tiền xử phạt hơn 455 triệu đồng.

attp-edit.jpg

Cùng với lực lượng QLTT, Công an tỉnh Đắk Nông đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm. Công an chủ động nắm chắc tình hình, xác định rõ các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, đối tượng cầm đầu các đường dây buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả để tập trung đấu tranh.

Công an tỉnh Đắk Nông đã triệt phá thành công nhiều chuyên án, đường dây, băng nhóm buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng giả. Điều này tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, mạnh mẽ trong toàn xã hội về tinh thần, trách nhiệm của lực lượng chức năng.

Thống kê cho thấy, Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện, bắt giữ 278 vụ với 425 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2024. Trong đó, 222 vụ với 353 đối tượng đã bị xử lý hình sự. Công an đã xử phạt hành chính, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 700 triệu đồng.

Theo lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông, các vụ việc sản xuất, buôn bán cà phê bột nói riêng, hàng giả nói chung đều được đề nghị xử lý nghiêm. Công an tỉnh Đắk Nông luôn xác định, thực phẩm bẩn gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, đặc biệt là quyền lợi, kinh tế và sức khỏe người tiêu dùng.

Những năm qua, Công an tỉnh Đắk Nông đã mở nhiều chuyên án đấu tranh để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

cfe ban
UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo vụ cà phê "bẩn" xảy ra trên địa bàn năm 2018

Cách đây ít năm, vào tháng 4/2018, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án liên quan đến vụ trộn tạp chất vào hỗn hợp cà phê (vụ cà phê bẩn). Đây là vụ án gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài.

Vụ án được tỉnh Đắk Nông nhanh chóng đưa ra xét xử ngay trong năm 2018. Viện KSND tỉnh Đắk Nông khẳng định, các bị cáo đủ nhận thức gây ra hành vi phạm tội của mình, gây ảnh hưởng an toàn thực phẩm và uy tín của mặt hàng nông sản. Cả 5 bị cáo liên quan đến vụ việc đều bị xử lý nghiêm với hình phạt từ 7 - 8 năm tù giam.

Tiếp tục đồng bộ các giải pháp

Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ389) tỉnh Đắk Nông, công tác phòng ngừa, đấu tranh tại địa phương được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của các thành viên BCĐ389.

Riêng năm 2024, các lực lượng của Đắk Nông đã phát hiện, bắt giữ 1.628 vụ với 1.787 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Có 230 vụ việc bị xử lý hình sự và 1.398 vụ xử lý hành chính. Lực lượng chức năng đã thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền gần 13,3 tỷ đồng.

BCĐ389 tỉnh Đắk Nông dự báo, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ diễn biến phức tạp trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm, chống hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng sẽ tiếp tục được BCĐ389 tỉnh đặc biệt quan tâm. Đắk Nông sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm.

anh phoi hop
Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông phối hợp tích cực trong quá trình chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Các lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường, đặc biệt là một số mặt hàng như: thực phẩm, xăng dầu… Các lực lượng sẽ triển khai các biện pháp nghiệp vụ để thanh tra, kiểm tra thị trường nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Tỉnh Đắk Nông xác định đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật về hàng hóa, thị trường đến người dân. Lực lượng chức năng sẽ vận động các cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm.

Sau khi vận động, lực lượng chức năng sẽ đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết đó. Đồng thời nâng cao ý thức để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân hiểu và chủ động tố giác tội phạm, không tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm…

BCĐ389 tỉnh Đắk Nông khẳng định, thực phẩm bẩn gây ra nhiều hệ lụy cho người tiêu dùng và cả xã hội. Để phòng, chống thực phẩm bẩn thì ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người tiêu dùng và doanh nghiệp cần thực hiện nhiều giải pháp.

Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, chú ý đến nguồn gốc, nhãn mác, tem chống hàng giả khi mua hàng. Ngoài việc hiểu rõ quyền lợi khi bị xâm phạm, người dân nên chủ động chia sẻ thông tin về thực phẩm giả, kém chất lượng cho người thân và cộng đồng.

anh ca phe ban
Sản phẩm thực phẩm "bẩn" (trong ảnh là sản phẩm cà phê giả bị công an Đắk Nông phát hiện năm 2024) gây rất nhiều hệ lụy cho người tiêu dùng và xã hội

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên tiêu dùng thông minh bằng việc mua thực phẩm từ nguồn tin cậy, hạn chế mua hàng rẻ bất thường và kiểm tra kỹ trước khi sử dụng. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ thực phẩm “bẩn”, người tiêu dùng nên báo cáo với cơ quan chức năng và cùng tham gia giám sát, hỗ trợ hoạt động kiểm tra.

BCĐ389 tỉnh Đắk Nông khuyến cáo doanh nghiệp cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp nên chủ động minh bạch thông tin về sản phẩm, từ nguồn gốc, chất lượng, tem mác, mã vạch… Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và thực hiện các vấn đề liên quan đến bảo vệ thương hiệu sản phẩm.

Doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong việc chia sẻ thông tin về thực phẩm “bẩn”. Doanh nghiệp có thể hỗ trợ kiểm tra bằng việc hợp tác, thu hồi sản phẩm giả mạo trên thị trường.

Theo BCĐ389 tỉnh Đắk Nông, nhờ sự phối hợp đồng bộ của người dân, doanh nghiệp và sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng chức năng, vấn đề thực phẩm “bẩn” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được kiểm soát.

Việc đấu tranh chống thực phẩm “bẩn” tại Đắk Nông đã và đang được thực hiện hiệu quả. Nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ việc thực phẩm “bẩn” nào quy mô lớn, có ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường và sức khỏe người tiêu dùng.

Lê Phước