Ba đối tượng được dạy thêm, học thêm trong trường
Theo quy định mới về dạy thêm, học thêm, có ba đối tượng được học thêm trong nhà trường. Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm những đối tượng này thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền của học sinh.
(Ảnh: NHẬT QUANG) |
Một trong những điểm mới tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm là Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định ba đối tượng dạy thêm, học thêm trong trường nhưng không được thu tiền của học sinh gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Bên cạnh đó, nhằm hạn chế việc giáo viên đưa học sinh của mình, với những đối tượng học sinh học thêm như trên, để ra ngoài dạy thêm, Thông tư mới cũng quy định, giáo viên thuộc các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Về kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm, ba đối tượng nói trên thuộc trách nhiệm của nhà trường phải bồi dưỡng, được đưa vào nội dung xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường để đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường, bảo đảm quyền lợi của tất cả các học sinh phải đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình và không thu tiền học của học sinh.
Vụ trưởng Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Xuân Thành lý giải: “Với chương trình đó, đội ngũ đó nhưng vẫn còn có học sinh chưa đạt thì nhà trường phải có trách nhiệm dạy thêm hay còn gọi là phụ đạo kiến thức”.
Với đối tượng học sinh được lựa chọn bồi dưỡng học sinh giỏi, theo Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành, số này không nhiều và không phải một học sinh được lựa chọn ở tất cả các môn học, nên việc tổ chức dạy thêm cũng thuộc trách nhiệm của nhà trường.
Còn với học sinh lớp 9, lớp 12 ôn thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp được học thêm trong trường học. Tuy nhiên, việc tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp phải nằm trong kế hoạch giáo dục của nhà trường, do nhà trường chủ động quyết định, sắp xếp, bố trí và không được thu tiền của học sinh.
“Đây là việc nhà trường hoàn toàn có thể sắp xếp giáo viên phụ trách các môn học một cách hợp lý để dành cho việc ôn thi, giúp các em củng cố, tổng hợp lại kiến thức" – Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành nói.
Thông tư cũng quy định việc xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường cần bảo đảm yêu cầu như: Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 học sinh; trong một tuần, mỗi môn học thêm không quá 2 tiết để bảo đảm không vượt quá số tiết trung bình của các môn học theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông; không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa để hạn chế tiêu cực bắt ép học sinh học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.
“Với đối tượng nào thì việc dạy thêm cũng không quá 2 tiết/ tuần” – Vụ trưởng Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh. Còn lại, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự học, tự tìm tòi để thẩm thấu những nội dung đã được học trên lớp, tránh chuyện học thêm theo kiểu dồn ép kiến thức, không mang lại hiệu quả.
Việc quy định ba đối tượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm, học sinh không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, các em có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, tập luyện thể thao, các môn năng khiếu,…