Y tế - Sức khỏe

Đắk Nông làm gì để bảo đảm an toàn thực phẩm?

Ngô Đồng - Lê Dung 10/01/2025 09:16

Dịp tết đến, xuân về, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là mối quan tâm không chỉ của cơ quan chức năng mà của mỗi người, mỗi nhà. Thực tế này đòi hỏi các ngành chức năng của Đắk Nông phải có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để bảo vệ người tiêu dùng.

Tuyên truyền đi trước

Để thay đổi hành vi của cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, công tác tuyên truyền luôn được Đắk Nông quan tâm ưu tiên đi trước một bước.

ATTP 4
Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tỉnh Đắk Nông

TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tỉnh Đắk Nông (Ban Chỉ đạo 389) đánh giá, thời gian qua, Ban Chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị, địa phương, báo chí trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng kịp thời thông tin, tuyên truyền, phản ánh tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm ATVSTP.

Qua đó, người dân không những nâng cao nhận thức, không tham gia tiếp tay cho các hành vi sai phạm mà còn mạnh dạn phát hiện và tố giác các hành vi sai trái.

ATTP 5
Các cơ quan chức năng tiếp tục đổi mới, gắn thanh tra, kiểm tra với công tác tuyên truyền về VSATTP

Phát huy kết quả đó, thời gian tới, Ban Chỉ đạo tỉnh, các cơ quan chức năng, địa phương tiếp tục đổi mới, gắn thanh tra, kiểm tra với đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền. Các ngành, địa phương vận động các cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, vi phạm ATVSTP...

Cùng với đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân tiếp tục nâng cao ý thức, chủ động tố giác tội phạm, không tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm, vi phạm ATVSTP…

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Thanh Huynh, việc bảo đảm ATVSTP chỉ có thể được giải quyết tốt nếu có sự tham gia một cách đồng bộ, từ người quản lý, người sản xuất, đến người tiêu dùng, với mục tiêu giữ gìn sức khỏe cho thế hệ hôm nay và tương lai. Do đó, công tác tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục, với những nội dung dễ hiểu, dễ nhớ nhằm nâng cao nhận thức chung của cộng đồng để cùng chung tay bảo đảm ATVSTP, nói không với thực phẩm bẩn.

Từ năm 2020 đến nay, nhiều hình thức tuyên truyền được triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng như: phát thanh, với trên 10.000 lần; phát hình với gần 1.500 lần; trên 200 tin, bài báo về ATVSTP; tuyên truyền lưu động, treo băng rôn, biểu ngữ…

Còn theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đắk Nông Trương Văn Nhương hàng năm, đơn vị thường xuyên phối hợp với Ban chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức các đợt tập huấn về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.

ATTP 2
Các mặt hàng thực phẩm, nước uống thiết yếu sử dụng nhiều trong dịp Tết đang được các cơ sở sản xuất kinh doanh chuẩn bị đầy đủ

Trong chương trình, đơn vị phổ biến, trang bị thêm một số kiến thức về cách nhận biết hàng thật - hàng giả trên thị trường cho lực lượng và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.

“Năm 2025, đơn vị tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch về các chương trình này. Trong đó, sẽ mở rộng đối tượng tham gia tập huấn là cán bộ tại các ngành, địa phương. Từ đó, cùng nhau phối hợp tuyên truyền, triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả một cách hiệu quả nhất”, ông Nhương cho hay.

Trong năm 2024, các lực lượng thuộc BCĐ 389 đã phát hiện, bắt giữ 1.995 vụ/2.154 đối tượng. Trong đó, xử lý hình sự: 230 vụ; xử lý hành chính: 1.753 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước với tổng số tiền là 35,7 tỷ đồng; chuyển cơ quan khác: 6 vụ; đang xác minh, làm rõ: 6 vụ.

Chủ động kiểm soát chất lượng

Cùng với các đơn vị sản xuất, các cơ sở kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh chủ động tham gia kiểm soát chất lượng hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường.

Giám đốc Co.opmart Đắk Nông Trần Giang Nhật Thảo cho biết, dịp tết năm nay, đơn vị chuẩn bị khoảng hơn 30 tỷ đồng để dự trữ gần 3.000 mặt hàng phục vụ thị trường.

ATTP 2
Hàng tết tại Co.opmart Đắk Nông được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu

Trong đó, Co.opmart ưu tiên dự trữ các nhóm hàng bình ổn như: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản… Những mặt hàng này thường đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt về vấn đề ATVSTP.

Vậy nên, ngay từ đầu tháng 12/2024, hệ thống đã tăng cường tần suất kiểm tra hàng hóa kinh doanh lên gấp 2-3 lần so với ngày thường. Trong đó, tập trung vào nhóm hàng phục vụ tết như: bánh mứt kẹo, giò chả, thịt gia súc, thịt gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây, bánh chưng bánh tét…

Các mặt hàng thực phẩm này trải qua 3 bước kiểm tra, từ nơi sản xuất, đến trung tâm phân phối và test nhanh trước khi lên kệ tại siêu thị. Hệ thống tập trung kiểm tra các chỉ tiêu kháng sinh trong thủy hải sản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ tiêu vi sinh, chất tăng trọng, hàn the, formol, chất tẩy trắng…

ATTP 5
Các mặt hàng thực phẩm này trải qua 3 bước kiểm tra, từ nơi sản xuất, đến trung tâm phân phối và test nhanh trước khi lên kệ tại siêu thị

Đặc biệt, đơn vị chú trọng các mặt hàng giá đỗ, dưa hành… do nhóm hàng này có thời gian sử dụng ngắn nhưng thường xuyên được sử dụng nhiều trong bữa ăn hàng ngày. Đơn vị kiểm soát chặt các hồ sơ pháp lý, hồ sơ chất lượng hàng hóa và các hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ…

Cùng với các doanh nghiệp, ngành Công thương Đắk Nông tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ người tiêu dùng, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa được sử dụng hàng chất lượng tốt, giá cả phù hợp, thông qua các kênh bán hàng.

Ngành Công thương hiện đã tổ chức được 10 điểm "Tự hào hàng Việt Nam" và 4 điểm mua bán hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng của miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ngành đang phối hợp với Co.opmart Đắk Nông tổ chức các chương trình bán hàng lưu động trong những ngày cuối năm này tại những địa bàn khó khăn.

Bà Dương Thị Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương

Với tiêu chí hàng Việt chất lượng cao, giá tốt sẽ vừa góp phần cung ứng nguồn hàng bảo đảm về ATVSTP, vừa lồng ghép tuyên truyền để người dân cùng chung tay đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu lạc ở những thị trường xa xôi này.

Mạnh tay xử lý

Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm ATVSTP luôn diễn biến phức tạp. Điều mà các tầng lớp Nhân dân mong muốn là các cơ quan chức năng trong quá trình thực thi công vụ phải thể hiện trách nhiệm bằng chính sự “cầm cân nảy mực” của mình.

ATTP 4
Công tác kiểm tra, giám sát VSATTP được quan tâm chú trọng

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đắk Nông Trương Văn Nhương cho biết, vấn đề VSATTP hiện nay vô cùng nhức nhối. Đơn cử như vụ sử dụng chất cấm để sản xuất giá đỗ ở Đắk Lắk. Vấn đề khó ở đây là công tác phối hợp trong kiểm tra, phát hiện và xử lý nhanh. Hiện nay, đơn vị đã công khai số điện thoại đường dây nóng tại trang thông tin điện tử của ngành và tất cả các địa chỉ kinh doanh, buôn bán trong tỉnh. “Thời gian tới, có vấn đề gì, mong các địa phương thông tin kịp thời, để có ngay giải pháp bảo vệ người tiêu dùng”, ông Nhương thông tin.

Trong năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường Đắk Nông đã thực hiện kiểm tra 303 vụ thuộc nhóm mặt hàng thực phẩm. Trong đó, phát hiện 262 vụ vi phạm, với 266 hành vi. Tổng số tiền xử phạt là hơn 455 triệu đồng. Tổng trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy là hơn 29,2 triệu đồng.

Ông Tăng Hải Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Đắk Nông cho biết: Trong dịp tết này, đơn vị sẽ chú trọng đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác ATVSTP trên địa bàn tỉnh. Địa bàn kiểm tra sẽ tập trung tại các địa bàn có nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm, nơi có nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Hiện nay, theo quy định, UBND cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ATVSTP trên địa bàn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Trong đó, bao gồm cả buôn bán hàng rong, cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt. Vì vậy, chính quyền các địa phương tích cực vào cuộc, “mạnh tay” hơn trong việc quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Công an tỉnh Đắk Nông cũng cho biết, trong dịp tết này, lực lượng sẽ tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, lực lượng Công an toàn tỉnh đẩy mạnh việc xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng, nhất là hoạt động nhập lậu, sản xuất, tàng trữ, buôn bán các loại thực phẩm giả, kém chất lượng theo quy định pháp luật.

dsc07930.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm về ATTP dịp Tết Nguyên đán 2025 trên địa bàn toàn tỉnh

Tại các địa phương sẽ thu hút nhiều khách du lịch trong dịp tết như huyện Đắk Glong cũng đang có những giải pháp quyết liệt cho vấn đề ATVSTP.

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong thông tin, trong năm 2024, huyện đã tổ chức được 28 đoàn kiểm tra; trong đó, có 16 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện, xử lý hành chính 31 cơ sở. Đặc biệt, đầu tháng 1 vừa qua, Ban Chỉ đạo về an toàn vệ sinh thực phẩm huyện đã họp và nhấn mạnh tới vấn đề kiểm tra, kiểm soát ATVSTP các nguồn hàng phục vụ trước, sau tết tại khu vực Tà Đùng, nơi có nhiều du khách lui tới.

Tại các điểm du lịch, huyện công khai số điện thoại đường dây nóng để du khách khi gặp bất kỳ vấn đề gì về ATVSTP có thể thông tin tới cơ quan chức năng, kịp thời kiểm tra, xử lý. Huyện rất quan tâm đến việc tổ chức ăn uống trên lòng hồ thủy điện. Thời gian qua, địa phương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân cam kết bảo đảm ATTP tại những khu vực này. Tuy nhiên, do công cụ hỗ trợ thiếu nên việc lấy mẫu rất khó khăn…

“Trong năm 2025, địa phương rất mong sẽ được tham gia các tập huấn về nội dung này, để được trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng, phục vụ tốt hơn cho quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm về ATVSTP. Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh về phát triển du lịch trên địa bàn”, ông Phương đề nghị.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSTP.

“Hơn ai hết, lực lượng thực thi công vụ phải thật sự công tâm, nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân cũng như bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, công bằng. Nếu những người thực thi công vụ có hành vi tham nhũng, bao che, bảo kê cho các đối tượng vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm minh, rõ ràng”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389

dien tu
ĐH: NH

Ngô Đồng - Lê Dung