Y tế - Sức khỏe

Nỗi ám ảnh bệnh từ miệng mà vào

Ngô Đồng 10/01/2025 09:10

Thông tin thực phẩm bẩn liên tục được phát hiện khiến người dân, ám ảnh, bất an. Nhiều người không thể tin tưởng đâu là thực phẩm sạch.

Từ giá đỗ ngâm chất cấm

Vào cuối tháng 12/2024, việc lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk đồng loạt kiểm tra và phát hiện 6 cơ sở ở TP. Buôn Ma Thuột sử dụng chất cấm trong quá trình sản xuất giá đỗ đã gây xôn xao dư luận vì tính chất, mức độ vi phạm của nó.

screen-shot-2024-12-29-at-133610-1735454399182-17354543996231758881651.png
Ảnh tư liệu

Các đối tượng đã khai nhận, trong quá trình sản xuất giá đỗ, ngoài các nguyên liệu như hạt đỗ xanh, vôi cục, nước giếng, thì còn sử dụng thêm một loại chất lỏng không màu mà nhóm này thường trao đổi tiếng lóng với nhau qua mạng là “nước kẹo”. Nhưng đó thực chất là hoạt chất 6-Benzylaminopurine, không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Bởi vì đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin), nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người; ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong; phụ nữ mang thai hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh...

Mặc dù đều biết hoạt chất 6-Benzylaminopurine bị cấm, nhưng vì lợi nhuận, các đối tượng vẫn thường xuyên sử dụng để pha vào nước ngâm ủ giá đỗ, với mục đích làm cho rễ cây giá ngắn lại để tập trung dưỡng chất phát triển cho thân cây giá to, mập, tăng trọng lượng và có hình thức đẹp.

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ 20.357 kg giá đỗ mà nhóm này đã ngâm hoạt chất 6- Benzylaminopurine. Kết quả điều tra làm rõ, trong năm 2024, nhóm này đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6- Benzylaminopurine (trung bình mỗi ngày khoảng từ 8-10 tấn). Các đối tượng thường bán sỉ cho các đại lý ở chợ đầu mối, sau đó được vận chuyển về các huyện, thị xã, thành phố để tiêu thụ.

Đến hàng đông lạnh trôi nổi

Ngày 20/12/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Nông tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại một cơ sở kinh doanh ở phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa do ông B.H.H đứng tên chủ hộ kinh doanh.

Kết quả kiểm tra, phát hiện kho lạnh trong khu vực kinh doanh của ông B.H.H. có chứa 1.073kg hàng hóa là thực phẩm đông lạnh, gồm các loại nội tạng động vật gồm tim heo, xương ức lợn, xương ống lợn, ức gà, trứng gà non, bẹ sữa non, râu mực, được đựng trong các thùng cát tông, hộp xốp, túi nilon và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

attp.jpg
Số đùi gà đông lạnh không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ do Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3, Cục QLTT Đắk Nông phát hiện mới đây

Làm việc với cơ quan công an, ông B.H.H thừa nhận số hàng hóa trên được mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an còn phát hiện cơ sở kinh doanh của ông B.H.H không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP theo quy định.

Bên cạnh xử phạt chủ cơ sở số tiền 55 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh thực phẩm mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATVSTP, lực lượng chức năng đã tổ chức tiêu hủy hơn 1 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ.

717 cơ sở vi phạm

Rõ ràng, việc các loại thực phẩm không bảo đảm ATVSTP có mặt trên thị trường vẫn luôn là nỗi lo thường trực của mỗi người, mỗi nhà trong cuộc sống hàng ngày.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do sự buông lỏng quản lý ATVSTP ở một số địa phương. Công tác xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực ATVSTP còn thiếu kiên quyết, chủ yếu là nhắc nhở. Vai trò của các tổ chức, đoàn thể, công luận và người dân tham gia giám sát, bảo đảm ATVSTP chưa được phát huy, nhất là tại cơ sở.

ATTP 9
Đoàn kiểm tra liên ngành phát kiểm tra các cửa hàng, tạp hóa trên địa bàn tỉnh

Theo thống kê của Chi cục ATVSTP tỉnh Đắk Nông, mặc dù không có tình trạng ngộ độc thực phẩm hàng loạt (>30 người mắc/vụ), nhưng trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ ngộ độc nhỏ với 16 người mắc và đi viện, không có trường hợp tử vong.

Mặt khác, số lượng cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng nhanh, lại thường không chấp hành đúng các quy định, điều kiện ATVSTP cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có 4.372 cơ sở thực phẩm; trong đó, 51 cơ sở sản xuất thực phẩm, 1.579 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 1.806 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 936 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố…

Trong năm 2024, toàn tỉnh tổ chức 329 đoàn thanh tra, kiểm tra đối với 4.100 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, qua đó đã phát hiện 717 cơ sở vi phạm về điều kiện ATVSTP, xử phạt hành chính 109 triệu đồng; đồng thời nhắc nhở 665 cơ sở khác.

Bệnh từ miệng mà vào

Ông Huỳnh Thanh Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết, việc không bảo đảm ATVSTP không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của Nhân dân, sự phát triển kinh tế - xã hội mà về lâu dài còn ảnh hưởng đến sự phát triển giống nòi của dân tộc.

Hiện nay, thực phẩm bẩn đã trở thành một vấn đề chung không chỉ tại Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Chính thực phẩm bẩn đã gây ra không biết bao nhiêu tác hại cho sức khỏe con người như ngộ độc thức ăn, các bệnh khác ảnh hưởng đến cơ thể hay thậm chí là mất mạng. Nói một cách nôm na “bệnh từ miệng mà vào” là vậy.

dsc07724.jpg
Mỗi người dân hãy là những nhà tiêu dùng thông thái

Theo các chuyên gia, thực phẩm không bảo đảm ATVSTP sẽ dễ bị ô nhiễm bởi các tác nhân lý, hóa, sinh học, nếu được tiêu thụ sẽ gây hại cho cơ thể. Tác động tức thời có thể gây ra ngộ độc thực phẩm từ nhẹ cho đến nặng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy…

Tuy nhiên, nguy hiểm hơn là sự tích lũy lâu dài của các độc tố trong thực phẩm bẩn gây ra những hậu quả mạn tính mà không có biểu hiện ngay ra bên ngoài, nguy hiểm nhất có thể kể đến là ung thư.

Hiện nay, thực phẩm bẩn là một trong những "thủ phạm" được cho là liên quan đến tỷ lệ người bị ung thư ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Trong đó, ung thư đại tràng là loại ung thư có mối liên quan tới thực phẩm bẩn, xếp hàng thứ 5 sau ung thư phổi, dạ dày, gan, vú. Bởi, trực tràng nằm vị trí sát hậu môn, cách hậu môn khoảng 15 phân, là chỗ chứa phân trước khi cơ thể đưa ra ngoài, chứa nhiều siêu vi trùng, nấm nên dễ gây viêm nhiễm. Khi viêm nhiễm mạn tính sẽ dễ dẫn tới ung thư.

Để kiểm soát được thực phẩm, hàng hóa bảo đảm chất lượng phục vụ người tiêu dùng trong dịp tết cũng như lâu dài, đòi hỏi phải có sự tham gia mạnh mẽ của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể, các cơ quan quản lý chuyên ngành, các doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội.

Ngô Đồng