Toàn cảnh vụ cháy rừng hủy diệt ở Los Angeles
Nói về thảm họa cháy rừng đang hoành hành, Cảnh sát trưởng Los Angeles Jim McDonnell cho biết: "Đây là những giờ phút bi thảm trong lịch sử của chúng ta".
Các vụ cháy rừng lớn đang tàn phá nhiều khu vực của Los Angeles, cướp đi sinh mạng của ít nhất năm người, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và cơ sở doanh nghiệp, đồng thời khiến hơn 100.000 cư dân phải rời bỏ nhà cửa.
Các đám cháy cũng gây ra những tổn thất rất lớn, làm mất điện, đóng cửa trường học, trong khi các buổi ra mắt phim và sự kiện quan trọng khác phải hủy bỏ.
"Đây là những giờ phút bi thảm trong lịch sử của chúng ta", cảnh sát trưởng Sở cảnh sát Quận Los Angeles Jim McDonnell tuyên bố về tình hình vào sáng thứ Tư, ngày 8/1.
Ông McDonnell bày tỏ lo ngại: "Đây là ... những điều kiện thời tiết cực đoan chưa từng có, và cũng không thể dự đoán trước được khi đám cháy tiếp tục lan rộng và bùng phát ở nhiều địa điểm khác nhau. Không ai trong chúng ta biết đám cháy tiếp theo sẽ ở đâu".
Các đám cháy ở Los Angeles xảy ra ở đâu và phạm vi ra sao?
Bốn trong số các đám cháy rừng đang bùng phát trên khắp Quận Los Angeles vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn.
Đám cháy lớn nhất là đám cháy Palisades, được báo cáo lần đầu tiên vào khoảng 10 giờ sáng giờ địa phương vào ngày 7/1.
Chỉ trong vòng 20 phút, đám cháy rộng 8 ha đã bùng phát lên hơn 80 ha, và đến cuối ngày 8/1, đã thiêu rụi gần 6.500 ha khu vực các ngọn đồi giữa Santa Monica và Malibu.
Các nhà chức trách tuyên bố đây là đám cháy tàn phá nghiêm trọng nhất trong lịch sử thành phố.
Đám cháy Eaton bùng phát ở Altadena trên những ngọn đồi phía trên Pasadena vào khoảng 18h30, giờ địa phương vào ngày 7/1.
Trong vòng sáu giờ đầu tiên, đám cháy này đã lan rộng đến hơn 400 ha, và lên đến phạm vi 4.200 ha vào cuối ngày 8/1.
Đám cháy Hurst ở Sylmar ở Thung lũng San Fernando bắt đầu bùng lên vào khoảng 10 giờ tối giờ địa phương vào ngày 7/1, sau đó vượt quá phạm vi 340 ha trong vòng chưa đầy 24 giờ.
Vào tối ngày 8/1 theo giờ địa phương, một đám cháy từ bụi rậm mới lại bùng phát ở khu vực Hollywood Hills gần Runyon Canyon.
Đám cháy này (được đặt tên là Sunset), đã khiến cư dân một số địa điểm nổi tiếng của Los Angeles phải sơ tán, trong đó có cả Đại lộ Danh vọng Hollywood.
Trong khi đó, đám cháy Lidia ở Acton, phía đông bắc Santa Clarita, đã được khống chế khoảng 40 phần trăm vào tối ngày 8/1, theo thông tin từ Ban Quản lý Rừng Quốc gia Angeles, có nghĩa là một phần đám cháy đã được ngăn lại không cho lan rộng.
Đám cháy Woodley bùng phát gần lưu vực Sepulveda vào khoảng 6 giờ sáng giờ địa phương ngày 8/1, đã được khống chế hoàn toàn vào buổi tối.
Nguyên nhân dẫn đến cháy rừng ở Los Angeles và tại sao chúng lan nhanh?
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra các vụ cháy rừng khủng khiếp trên.
Đầu tuần này, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ đã đưa ra cảnh báo cao nhất về tình trạng cháy rừng cực độ ở nhiều nơi thuộc Quận Los Angeles từ ngày 7-9/1.
Với độ ẩm thấp và thảm thực vật khô do hạn hán, đây là điều kiện thời tiết "lý tưởng nhất" gây ra cháy rừng, cơ quan này cho biết.
Ngoài cây chaparral và cây bạch đàn, các khu đô thị đông dân của Los Angeles còn có vật liệu dễ cháy khác gồm: dây cáp điện treo, cột điện thoại bằng gỗ và những ngôi nhà được xây dựng bằng gỗ theo quy định về động đất.
Một điểm đáng lưu ý khác là gió Santa Ana mạnh mang theo không khí sa mạc khô từ phía đông về phía các dãy núi ven biển, đã làm bùng lên các đám cháy rừng trong khi thổi qua các đỉnh đồi và hẻm núi.
Tại sao giữa mùa đông lại xảy ra cháy rừng?
Mặc dù chúng ta không thường xuyên nhìn thấy các đám cháy lớn bùng phát trong những thời điểm thời tiết lạnh hơn ở Australia, nhưng hiện nay giới khoa học đã coi cháy rừng là một nguy cơ xảy ra quanh năm ở California.
Nhiệt độ trung bình của tiểu bang đã tăng khoảng 1 độ C kể từ năm 1980.
Chuyên gia quản lý cháy rừng của Viện Lâm nghiệp Châu Âu Lindon Pronto cho biết: "Tác động rõ ràng của biến đổi khí hậu trong tình huống này là số ngày trung bình trong năm mà thảm thực vật dễ cháy đã tăng gấp đôi kể từ những năm 1980".
"Sau cùng, bạn sẽ thấy nhiều trường hợp cháy cực đoan hơn vào các thời điểm khác nhau trong năm mà bạn không thường thấy", Chuyên gia Pronto cho biết thêm.
Mặc dù có một thực tế là mùa cháy ở California "ngày càng kéo dài", ông Pronto vẫn bày tỏ "có phần ngạc nhiên" khi có "một sự kiện tàn khốc như vậy" vào thời điểm này trong năm.
"Sự tàn phá ở quy mô này không thường thấy vào tháng 1", ông khẳng định.
Tại sao lính cứu hỏa gặp khó khăn trong khống chế các đám cháy ở Los Angeles?
Điều kiện thời tiết và nhiên liệu dự trữ, cộng thêm các vấn đề về nguồn cung cấp nước, là những yếu tố gây ra khó khăn trong việc dập tắt đám cháy.
Sở Điện nước Los Angeles cho biết trước cơn bão, họ đã đổ đầy tất cả các bể chứa nước có sẵn trong thành phố, bao gồm ba bể chứa 3,8 triệu lít ở khu vực Palisades.
Quan chức cấp trưởng phòng của sở trên, Janisse Quinones cho biết ba bể chứa này đã cạn kiệt vào sáng sớm ngày 8/1, và bà đã kêu gọi người dân Los Angeles phải tiết kiệm nước.
"Chúng tôi đang chiến đấu với đám cháy rừng bằng hệ thống nước đô thị và điều đó thực sự là thách thức", bà Quinones cảnh báo, đồng thời lưu ý rằng Pacific Palisades đã đứng trước nhu cầu nước gấp bốn lần bình thường trong 15 giờ khi những người lính cứu hỏa chiến đấu với đám cháy.
Jay Lund, giáo sư về kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Đại học California, tại thành phố Davis, cho biết các bể chứa nước của thành phố thường được thiết kế để có thể dập tắt các đám cháy cục bộ, mà không phải là các đám cháy lan rộng như hiện nay.
"Vấn đề không phải là không có đủ nước ở toàn khu vực Nam California; mà là không có đủ nước cho một khu vực cụ thể của Nam California trong vài giờ mà bạn cần để dập tắt đám cháy", ông Lund giải thích.
Giáo sư Lund cho biết, bản chất của các đám cháy là gần như không thể chuẩn bị đủ nước trước.
"Nếu mọi thứ đều bắt lửa cùng một lúc, sẽ không có đủ nước cho tất cả mọi người", ông khẳng định, đồng thời cho hay: "Không có cách nào để lắp các đường ống vận chuyển nhiều nước như vậy qua khu vực đó trong một thời gian ngắn".
Trong khi đó, Cảnh sát trưởng thành phố Los Angeles Kristin Crowley cho rằng, chỉ riêng quy mô của các đám cháy Palisades và Hurst đã "khiến năng lực của các dịch vụ khẩn cấp căng thẳng đến mức tối đa".
Các đội cứu hỏa đang được đưa đến từ khắp nước Mỹ để hỗ trợ cho các nỗ lực chữa cháy.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết ông đã liên lạc với Tổng thống Mỹ Joe Biden để bày tỏ sự ủng hộ trong "thời điểm khó khăn" như vậy.
"Chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ những người bạn Mỹ của mình", ông Albanese chia sẻ.
Những ngôi sao bị ảnh hưởng bởi đám cháy ở Los Angeles?
Đám cháy lớn nhất đã tàn phá phần lớn khu dân cư Pacific Palisades giàu có và hoa lệ, là nơi sinh sống của nhiều người nổi tiếng ở Mỹ.
Các diễn viên Leighton Meester, Adam Brody, Billy Crystal, Eugene Levy, Miles Teller, John Goodman, Anna Faris và Anthony Hopkins nằm trong số những ngôi sao Hollywood được cho là đã bị đám cháy hủy hoại nhà cửa.
Paris Hilton cho biết cô được thông báo rằng ngôi nhà bên bờ biển của cô ở Malibu đã bị thiêu rụi.
Ngoài ra, hàng chục cái tên nổi tiếng khác cũng nằm trong số hàng nghìn cư dân buộc phải sơ tán./.