Chiến thắng ngày 7-1-1979 – Biểu tượng cao đẹp của tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, chí nghĩa, chí tình của Quân đội và nhân dân Việt Nam

Thương mại - Dịch vụ - Ngày đăng : 06:00, 07/01/2025

Cách đây vừa tròn 46 năm, vào ngày 7-1-1979, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã mở cuộc tổng công kích, giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh, đánh đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari.

Với thắng lợi này, Việt Nam không chỉ bảo vệ toàn vẹn độc lập, chủ quyền của đất nước, mà còn giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng tàn bạo bậc nhất trong lịch sử nhân loại, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự; tạo điều kiện để khôi phục lại tình hữu nghị và tình đoàn kết chiến đấu vốn có giữa hai Đảng và nhân dân hai nước. Năm tháng trôi qua càng chứng minh cho tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung, sự hy sinh cao cả của quân tình nguyện Việt Nam trong cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh đất nước.

Sau thắng lợi ngày 17-4-1975, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã phản bội lại nhân dân Campuchia, thiết lập “Nhà nước Campuchia Dân chủ”, thi hành chế độ diệt chủng, tàn sát nhân dân, thanh trừng nội bộ, giết hại hàng triệu người dân vô tội; phá hủy hàng trăm nghìn trường học, bệnh viện, chùa chiền... Tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari cuồng vọng xây dựng “xã hội cộng sản độc đáo kiểu Campuchia”, “xã hội nông nghiệp không tưởng” với mục tiêu: Xóa bỏ thành thị, xóa bỏ giai cấp, biến toàn dân thành nông dân; cắt đứt mọi ràng buộc tình cảm với gia đình, quê hương, cội nguồn văn hóa; quản lý dân trong những tổ chức hành chính quân sự gọi là “hợp tác xã”, “công xã”; thông qua cuộc “cách mạng” trên nhằm tiêu diệt bớt một phần dân chúng để dễ dàng cai trị số còn lại.

Trưa 7-1-1979, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, hồi sinh và mang lại tương lai tươi sáng cho đất nước Chùa Tháp. Ảnh: TTXVN 

Thực chất, mục đích bao trùm là nông thôn hóa đất nước, tiêu diệt giai cấp công nhân và những người có tinh thần quốc tế, mở đường cho việc thực hiện triệt để đường lối dân tộc cực đoan phản động... Trước nguy cơ diệt vong của dân tộc, những người cách mạng chân chính đã tập hợp lực lượng tìm đường giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu mình. Nhiều cuộc nổi dậy của lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đã diễn ra ở Quân khu Đông Bắc, Công Pông Chàm, Prây Viêng, Xvây Riêng..., nhưng do lực lượng quá chênh lệch, nên gặp nhiều khó khăn, tổn thất. Nhiều người Campuchia yêu nước đã sang Việt Nam nhờ sự giúp đỡ.

Dù còn chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, bị bao vây, cấm vận, nhưng với truyền thống đoàn kết, thủy chung, tương thân tương ái và tinh thần quốc tế cao cả, vô tư, trong sáng, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ, bồi dưỡng, huấn luyện những người yêu nước Campuchia trở thành cốt cán cho cách mạng; đồng thời từng bước phối hợp với các lực lượng ở Campuchia đấu tranh chống tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari. Với sự giúp đỡ hiệu quả của Việt Nam và sự nỗ lực của cán bộ cốt cán Campuchia, ngày 12-5-1978, Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia (tiền thân của Quân đội cách mạng Campuchia), được thành lập. Tiếp đó, ngày 2-12-1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập, kêu gọi nhân dân Campuchia đoàn kết đứng lên và đề nghị Việt Nam giúp đỡ xóa bỏ chế độ diệt chủng.

Đối với Việt Nam, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari xuyên tạc lịch sử, kích động hận thù dân tộc, phát động cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam, gây ra những tội ác đẫm máu đối với người dân vô tội; xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; chà đạp lên những giá trị tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam, Campuchia. Từng chung chiến hào chống kẻ thù chung, thậm chí đã được quân và dân Việt Nam chở che, đùm bọc trong khó khăn, ác liệt, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã phản bội lại và dã tâm xâm lược Việt Nam. Đó là những kẻ “dân tộc hẹp hòi”, đội lốt cách mạng để thực hiện những hành động phản cách mạng, phản bội lại bạn bè và hủy diệt chính dân tộc mình.

Từ tháng 5-1975, quân Pôn Pốt đã mở nhiều cuộc tấn công vào sâu lãnh thổ nước ta, chiếm một số đảo ở vùng biển Tây Nam, thảm sát dân thường dọc biên giới, gây nhiều tội ác tày trời với nhân dân Việt Nam. Trước hành động của địch, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã kiềm chế và kiên trì thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị. Bất chấp việc Việt Nam nhiều lần đề nghị thương lượng giải quyết vấn đề, ngày 30-4-1977, quân Pôn Pốt đồng loạt tấn công 14 xã trên tuyến biên giới thuộc tỉnh An Giang, mở rộng dần thành cuộc chiến tranh lớn trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Không thể ngồi yên để chúng xâm lấn, các lực lượng vũ trang Quân khu 9 kiên quyết trừng trị, buộc chúng phải tháo chạy về bên kia biên giới.

Người dân thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) lưu luyến chia tay quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về nước, tháng 6-1984. Ảnh: TTXVN 

Từ ngày 25-9-1977, quân Pôn Pốt tập trung 9 sư đoàn chủ lực cùng lực lượng địa phương mở cuộc tiến công lớn thứ 2 đánh sang địa bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp và Tây Ninh, gây nhiều tội ác đối với nhân dân ta. Riêng ở 3 xã thuộc các huyện Tân Biên, Bến Cầu (Tây Ninh), quân địch đã tàn sát hơn 1.000 dân. Đặc biệt là vụ thảm sát ở Ba Chúc (An Giang). Khu di tích nhà mồ Ba Chúc chứa đựng 1.159 bộ xương cốt người dân vô tội bị giết hại là một bản cáo trạng, một chứng tích về tội ác “trời không dung, đất không tha” của chúng.

Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, Việt Nam quyết định sử dụng một bộ phận lực lượng chủ lực cơ động đánh trả các cuộc tiến công của địch. Quân đoàn 4, Quân khu 7 huy động lực lượng và triển khai Sở chỉ huy tiền phương để chỉ huy đánh địch. Ngày 29-9, Sư đoàn 341 được tăng cường lực lượng cho Quân đoàn 4. Trung đoàn 201, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4 (Sư đoàn 5), Trung đoàn 1 (Sư đoàn 9) thực hành phản kích, đánh thiệt hại nặng 2 đại đội địch, diệt gần 200 tên, đẩy địch ra khỏi đồn biên phòng Xa Mát, Khu ủy ban quốc tế và Đập Đá.

Từ ngày 15-11-1977, quân Pôn Pốt tăng cường lực lượng, mở cuộc tấn công mới. Trước tình hình đó, từ ngày 5-12-1977 đến ngày 5-1-1978, các Quân đoàn 4, 3 và Quân khu 7, 9 tập trung 8 sư đoàn mở đợt phản công trên các hướng đường 7, đường 1, đường 2, truy kích sâu vào đất Campuchia từ 20km đến 30km; đánh thiệt hại 5 sư đoàn, làm thất bại kế hoạch đánh chiếm thị xã Tây Ninh của địch.

Đầu năm 1978, địch tập trung 13 sư đoàn về sát biên giới, gây xung đột, tiến công lấn chiếm, bắn pháo, cối vào những nơi đông dân cư ở sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Từ tháng 3-1978, Quân đội nhân dân Việt Nam chuyển sang tiến công, đẩy quân địch ra xa biên giới và dồn đối phương vào thế bị động đối phó.

Ngày 23-12-1978, quân Pôn Pốt huy động 10/19 sư đoàn đang bố trí ở biên giới, mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới hai nước. Trước hành động điên cuồng của địch và đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, các Quân đoàn 2, 3, 4 và một số đơn vị của các Quân khu 5, 7, 9, các quân chủng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia liên tục mở các cuộc phản công, tiến công quân địch trên nhiều hướng biên giới, lần lượt phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của quân Pôn Pốt.

Ngày 6-1-1979, lực lượng ta và bạn bắt đầu tổng công kích và ngày 7-1-1979 giải phóng hoàn toàn Phnôm Pênh. Ngày 8-1-1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia. Đến ngày 17-1-1979, Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia phối hợp tiến công giải phóng các thành phố, thị xã, thị trấn và vùng nông thôn rộng lớn. Chiến thắng lịch sử này là chiến công chung của quân và dân hai nước Việt Nam - Campuchia, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, hòa bình, trung lập và phát triển của Campuchia.

Như vậy, thực hiện sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược đập tan cuộc tiến công xâm lược của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Không những vậy, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phản công, đánh đổ chính quyền Pôn Pốt, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Việc Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia đánh đổ tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari xuất phát từ tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó lâu đời giữa nhân dân hai nước láng giềng; từ thiện chí và sự đồng cảm của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, từng chịu bao đau thương của chiến tranh; từ chân lý “giúp bạn là mình tự giúp mình” theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, hành động này là thể theo tiếng gọi khẩn thiết của nhân dân Campuchia, của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia kêu gọi cứu nguy một dân tộc đang rơi vào họa diệt chủng. Đây là hành động hết sức cao cả và hoàn toàn chính nghĩa!

Sau đó, theo đề nghị của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Campuchia, từ năm 1979 đến năm 1989, hàng nghìn cán bộ chuyên gia và các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục sát cánh cùng nhân dân Campuchia thực hiện công cuộc tái thiết đất nước, ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng ở Campuchia; giúp hàng chục vạn người Campuchia đoàn tụ gia đình, phục hồi cuộc sống bình thường. Sự hy sinh xương máu, thái độ chí tình, chí nghĩa của Quân tình nguyện Việt Nam được nhân dân Campuchia ca ngợi, tôn vinh.

Ngài Chhay Yi Heang, cố vấn Chính phủ Hoàng gia Campuchia viết: “Việc nhân dân, Chính phủ và Quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Pôn Pốt và hồi sinh dân tộc là một sự nghiệp cao cả, sáng ngời chính nghĩa trong thế kỷ XX”[1]. Còn Ngài Hun Sen (hiện đang là Chủ tịch Thượng viện Campuchia) khi đương chức Thủ tướng Campuchia đã nhiều lần khẳng định: “Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu Tiên, Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là Đội quân nhà Phật”. 

Người dân Campuchia đứng hai bên đường vẫy chào, chia tay quân tình nguyện Việt Nam về nước năm 1989. Ảnh tư liệu: TTXVN 

Tổ quốc và nhân dân, cũng như “lịch sử đất nước Campuchia sẽ mãi mãi khắc bằng chữ vàng công ơn to lớn của các đồng chí chuyên gia, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất nước Campuchia”[2]. Ngài Hêng Ramrin – Chủ tịch Quốc hội Campuchia, thì khẳng định: “Sự thật là nếu không có sự hy sinh cao cả của bộ đội Việt Nam thì dân tộc Campuchia chúng tôi sẽ không có cơ hội để có Ngày chiến thắng lịch sử 7-1-1979. Nhân dân Campuchia chúng tôi mãi mãi tri ân công lao đó và xin khắc ghi trong lịch sử của mình để nhắc nhở cho con cháu muôn đời sau. Bởi nếu không có sự cứu giúp của Đảng Cộng sản Việt Nam thì nhân dân Campuchia chúng tôi chắc chắn sẽ không còn tên tuổi của mình trên thế giới này”[3].

Đại tá, TS PHAN SỸ PHÚC, Viện Lịch sử Quân sự

1.Việt Nam trong thế kỷ XX, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.130.

2.https://special.nhandan.vn/vang-danh-doi-quan-nha-Phat-/index.html#article.

3.Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Hêng Xom-rin ngày 5/1/2014 tại Lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm 35 năm sự kiện Quân tình nguyện Việt Nam thực hiện một sứ mệnh lịch sử cao cả, giúp giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt và giành đại thắng vào ngày 7/1/1979. In trong “Chiến thắng biên giới Tây Nam Việt Nam và dấu ấn Quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Campuchia”, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2014, tr.27-28.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.