Sinh viên 'bỏ túi' bí kíp ăn mì tôm đúng cách để cân bằng dinh dưỡng
Mẹo vặt - Ngày đăng : 15:00, 28/12/2024
Thông tin trên được ThS.BS Trương Nhật Khuê Tường - Giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y dược TP.HCM chia sẻ tại Hội thảo "Cân bằng dinh dưỡng cho sinh viên" diễn ra vào sáng 27/12 tại Trường Đại học Công Thương TP.HCM.
Theo Bác sĩ Khuê Tường, chủ đề cân bằng dinh dưỡng có thể không quá lạ lẫm đối với sinh viên Trường Đại học Công Thương, tuy nhiên để hiểu sâu và đúng không phải là điều dễ.
Không chỉ sinh viên, mỗi người đều cần có năng lượng để hoạt động mỗi ngày, tùy vào hoạt động thường ngày mà năng lượng (lượng thức ăn) nạp vào khác nhau.
Song, làm sao để sắp xếp được bữa ăn hàng ngày hợp lý, đủ dinh dưỡng, đủ năng lượng cho cơ thể? Đặc biệt là đối với các bạn sinh viên, khi mì gói là thực phẩm được lựa chọn hàng đầu? Đây là nội dung được nhiều sinh viên quan tâm.
Bác sĩ Khuê Tường đánh giá, mì tôm trở thành món "ruột" của hầu hết sinh viên vào các bữa sáng hay những lúc ôn bài khuya vì sự tiện lợi. Tuy nhiên, nên bổ sung thêm dinh dưỡng từ bữa ăn để đạt được cân bằng, tốt hơn cho sức khoẻ.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, người trưởng thành (từ 19 đến 50 tuổi) cần bổ sung 1.000mg canxi mỗi ngày. Trung bình, một ngày người Việt ăn 3 bữa chính (sáng, trưa và tối), như vậy mỗi bữa ăn cần đáp ứng khoảng 333mg canxi. Trùng hợp, 333mg cũng là hàm lượng canxi tương ứng trên mỗi gói mì tôm Hảo Hảo.
"Chế độ dinh dưỡng thật ra rất đơn giản. Một bữa ăn lý tưởng cần có đủ tinh bột, rau, thịt, trái cây và sữa. Trái cây và sữa nếu không ăn cùng lúc trong bữa chính thì các bạn có thể ăn vào bữa phụ. Như vậy, bữa chính sẽ cần tinh bột, thịt và rau.
Với mì tôm, bản chất đã là tinh bột và có đủ hàm lượng canxi, các bạn chỉ cần thêm thịt (có thể thay thế trứng hoặc hải sản) và rau vào sẽ trở thành một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng", ThS.BS Trương Nhật Khuê Tường nói.
Đồng quan điểm với Bác sĩ Trương Nhật Khuê Tường, thầy Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP.HCM cho rằng, qua khảo sát của nhà trường, câu chuyện cân bằng dinh dưỡng từ trước tới nay chưa được các bạn sinh viên quan tâm nhiều.
Các chế độ ăn, ngủ, tập luyện, mua sắm… đang có sự mất cân bằng. Vấn đề ăn uống thất thường quá cao, tỉ lệ sinh viên ăn ngày 3 bữa chiếm số lớn, nhưng tỉ lệ ăn ngày 2 bữa cũng rất cao. Chỉ số khảo sát cân nặng/chiều cao cho thấy tỉ lệ thiếu câu quá nhiều, tỉ lệ thừa cân cũng xảy ra.
"Sinh viên thức khuya nhiều, thức tới sáng. Khoảng trên 5% sức khỏe bình thường, chỉ 2% sức khỏe tốt. Do đó, chế độ ăn cực kỳ quan trọng. Chúng ta phải nghĩ đến khẩu phần ăn mang lại sức khỏe tốt", thầy Thái Doãn Thanh nhấn mạnh.
Tiếp nhận thông tin từ bác sĩ, nhiều sinh viên háo hức vì đã tìm ra phương pháp ăn mì tôm đúng cách để cân bằng dinh dưỡng.
Sinh viên Thùy Linh chia sẻ, từ trước đến nay Linh thường ăn mì tôm lạt (không thêm gì vào). Dù có thể lót dạ nhưng Linh khá lo lắng về dĩnh dưỡng có đáp ứng đủ hay không. Hôm nay, sau khi nghe chia sẻ của các chuyên gia, Linh nói đã tự tin hơn trong cách chế biến món khoái khẩu của mình.
"Không chỉ riêng em, rất nhiều bạn khác cũng thích ăn mì tôm vì ngon và tiện lợi. Sau hôm nay, em đã tự tin cho mì tôm vào thực đơn sáng. Một gói mì 5 nghìn, thêm quả trứng 3 nghìn và rau 5 nghìn, bữa sáng chưa đầy 15 nghìn vừa đủ dinh dưỡng lại chế biến nhanh gọn', Thùy Linh háo hức.
Hội thảo “Cân bằng dinh dưỡng cho Sinh viên” do Báo điện tử VTC News phối hợp cùng Trường Đại học Công Thương TP.HCM, Công ty Cổ Phần Acecook Việt Nam tổ chức.
Với sự đồng hành của 2 chuyên gia là BS.CKII Nguyễn Hồng Phong - Nguyên BS Chuyên khoa ngoại BV Quân Y 175 và ThS.BS Trương Nhật Khuê Tường, hội thảo đã đem đến nhiều thông tin bổ ích cho hơn 400 sinh viên Trường Đại học Công Thương TP.HCM.