Dinh dưỡng thiếu cân bằng, bác sĩ chỉ ra loạt bệnh lý sinh viên dễ mắc phải
Mẹo vặt - Ngày đăng : 07:00, 29/12/2024
Chia sẻ với hơn 400 sinh viên tại Hội thảo "Cân bằng dinh dưỡng cho sinh viên" do Báo điện tử VTC News phối hợp với Trường Đại học Công Thương TP.HCM tổ chức, BS chuyên khoa II Nguyễn Hồng Phong, nguyên BS Chuyên khoa ngoại BV Quân Y 175, cho rằng lứa tuổi sinh viên là lứa tuổi đang phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần; cần chế độ dinh dưỡng hợp lý cùng với tập luyện thể lực, nghỉ ngơi đảm bảo cho học tập và làm việc.
Do vậy, ngoài được chăm lo từ gia đình, bản thân các sinh viên phải ý thức rõ việc chăm sóc sức khỏe cho mình, bằng cách ăn uống cân bằng, sinh hoạt, vui chơi lành mạnh.
Ông dẫn chứng: Ở tuổi 18-20, sinh viên được gọi là tuổi trưởng thành, nhưng lứa tuổi này chưa phát triển hoàn chỉnh về thể chất. Cơ thể đang cần rất nhiều nguyên liệu để phát triển các chức năng của cơ thể, đặc biệt là phát triển về chiều cao, cân nặng, phát triển về nội tiết sinh sản. Nhưng lâu nay gia đình và chính bản thân các bạn còn thiếu quan tâm, nên thay vì ăn uống, tập luyện thể thao để có thể cao thêm thì khá nhiều người đã không tận dụng được giai đoạn phát triển này.
Đây là điều mà bản thân các bạn sinh viên phải nhìn nhận hợp lý và phải thay đổi.
Bác sĩ Phong nói ở lứa tuổi rất cần phát triển toàn diện về thể chất, sức khỏe nhưng nhiều sinh viên xa gia đình đang phải làm việc rất vất vả, làm hơn sức mình để kiếm tiền, cộng thêm thời gian tập trung cho việc học, thức khuya học bài, khiến nhiều bạn mất sức, suy nhược cơ thể. Nghiêm trọng hơn là những căn bệnh về hô hấp, tâm lý, các triệu chứng về thần kinh...
Ngoài ra, ăn uống không đảm bảo, thức khuya là nguyên nhân khiến nhiều người trẻ mắc các chứng đau dạ dày, da liễu, nội tiết, cơ xương khớp. Đây là những bệnh mà sinh viên rất dễ gặp phải.
Nếu không phát hiện sớm, điều trị đúng, kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tâm lý và cả tiền bạc. Do vậy, sinh viên phải biết cân đối việc học, việc làm, nghỉ ngơi điều độ, đúng cách và ăn uống đảm bảo.
Bác sĩ Phong khuyến cáo bản thân sinh viên phải tự ý thức rèn luyện, tập thói quen ăn uống đúng cách. Bí kíp đầu tiên chuyên gia này đưa ra là cơ thể phải được cung cấp đủ nước. Bởi thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa và trao đổi chất. Mỗi ngày, một người lớn cần uống đủ 2-3 lít nước tùy trọng lượng cơ thể, và không lợi dụng các loại nước uống nhiều đường, nước uống có chất kích thích...
Tiếp theo là bữa ăn hàng ngày phải cung cấp đủ chất xơ có từ rau xanh, trái cây. Các loại vitamin, khoáng chất, chất béo từ động vật, thực vật, đường... cũng phải được cung cấp đầy đủ cho cơ thể.
Ông lưu ý việc ăn kiêng đang nổi lên trong giới trẻ khiến nhiều bạn không ăn tinh bột, đường, chất béo... làm cơ thể mất cân bằng dinh dưỡng nghiêm trọng.
Trước cảnh báo của bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, Kỳ Duyên, sinh viên Trường Đại học Công Thương TP.HCM, cho biết bạn đang theo chế độ ăn thuần chay, và rất lo ngại mất cân bằng dinh dưỡng vì thiếu đạm động vật nhưng các thực phẩm chay hiện nay được chế biến quá nhiều dầu mỡ, tinh bột.
Chia sẻ với sinh viên này, bác sĩ Trương Nhật Khuê Tường, Giảng viên bộ môn dinh dưỡng, Đại học Y dược TP.HCM, cho rằng việc ăn chay không đúng cách có thể gây ra nhiều rối loạn dinh dưỡng. Để ăn đúng, cần chú ý sử dụng những thực phẩm thuần như đậu hủ, rau xanh ăn lá, củ quả, gạo lức, các loại hạt để bổ sung chất béo, không lạm dụng những thực phẩm tạo hình kiểu như thịt heo chay, thịt gà chay... và tăng cường thêm vitamin, nhất là B12.
Để có bữa ăn ngon, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng phù hợp với túi tiền sinh viên, các chuyên gia hiến kế sinh viên "vượt lười", cùng nhau nấu ăn chung để tiết kiệm và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, việc ngủ nghỉ, luyện tập thể thao, tham gia các hoạt động cộng đồng cũng là cách để các bạn phát triển đảm bảo thể chất, tinh thần, tăng cường các mối quan hệ xã hội, giảm stress...
Bác sĩ Trương Nhật Khuê Tường cho biết qua tiếp xúc với nhiều sinh viên, vấn đề nổi lên là các bạn lười luyện tập thể dục thể thao. Sau giờ học, một số bạn không đi làm thêm, không có các hoạt động bên ngoài giảng đường thì thường tranh thủ về nhà ngủ, lên mạng xã hội.
"Tôi có dịp tiếp xúc với nhiều sinh viên nước ngoài, khác biệt với sinh viên chúng ta là sau giờ học, sinh viên các nước sẽ tranh thủ tập luyện thể thao, tắm nắng, khám phá những điều mới mẻ thì nhiều sinh viên chúng ta lại tranh thủ về nhà ngủ. Một phần lý do vì thức quá khuya dẫn đến các bạn thiếu ngủ. Ăn uống mất cân bằng, ngủ nghỉ thiếu khoa học dẫn đến sức khỏe sinh viên rất yếu", bác sĩ Khuê Tường khuyến cáo.
Còn bác sĩ Nguyễn Hồng Phong cho rằng sinh viên là chủ nhân tương lai của đất nước. Để xây dựng đất nước thì nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng nhất bây giờ của sinh viên là phải phát triển tốt cả thể chất, tinh thần, năng lực, trí tuệ. Thông điệp ông muốn các bạn sinh viên luôn nhớ là có sức khỏe tốt thì mới xây dựng và bảo vệ được đất nước.