Cha mẹ 'bạo hành và kiểm soát', nhiều người trẻ Singapore ra ở riêng
Mẹo vặt - Ngày đăng : 13:56, 29/12/2024
Ngày mồng 3 dịp Tết Nguyên đán năm 2017, thời điểm nhiều gia đình đoàn tụ, nhưng Joey Liaw đã đến quán cà phê một mình. Cô giáo dạy trẻ khuyết tật này mong chờ được ăn tối với cha mình lúc 17h, sau khi ông tan làm. Cô ngồi đó 3 tiếng đồng hồ và cha không đến.
Liaw, hiện 34 tuổi, nói thêm: "Ông ấy không nghe điện thoại. Tôi đợi cho đến khi bị đau dạ dày vì đói. Khi về nhà, ông ấy nói rằng quên mất chúng tôi có hẹn".
"Cha tôi thậm chí còn không nói 'xin lỗi' mà lặng lẽ tự đi ăn một mình và bảo tôi hãy tự ăn", Liaw cho biết ví dụ về sự thờ ơ của cha đối với cô bắt đầu từ khi còn nhỏ. Còn mẹ Liaw đã mất nhiều năm trước đó.
Đây là một trong nhiều lý do khiến cô dần mất kết nối và không còn liên lạc với cha mình. Ba năm trước, Liaw đã thu dọn đồ đạc, rời khỏi nhà mà không báo trước. Cô sống một mình trong một căn phòng thuê kể từ đó.
Gia đình thiếu tình yêu
Liaw nằm trong số những người đã chọn cách xa lánh cha mẹ do nhiều năm bị ngược đãi, thao túng cảm xúc và thiếu tình cảm.
Những người trẻ tuổi thảo luận nhiều hơn về các vấn đề này trong gia đình trên mạng xã hội. Họ đặt ra những ranh giới rõ ràng hơn và cố gắng bình thường hóa việc thoát khỏi mối quan hệ cha mẹ - con cái không lành mạnh.
Các video TikTok trên khắp thế giới về những đứa trẻ đã trưởng thành giải thích về hoàn cảnh của mình đã lan truyền rộng rãi, thu hút hàng nghìn lượt xem dưới các hashtag "#nocontactwithparent và #raisedbynarcissists".
Xu hướng này cũng tạo ra một chủ đề thảo luận trên diễn đàn trực tuyến Reddit có tên là “Những đứa trẻ trưởng thành xa lạ” với khoảng 45.000 thành viên chia sẻ lời khuyên và kinh nghiệm.
Tại Singapore, người ta nhận ra rằng vấn đề này đã tồn tại từ lâu.
Một nhân viên dịch vụ công có tên Carla cho biết rằng cha đã đánh cô đến mức chảy máu trong quá khứ.
"Có lần, cha hét vào mặt tôi chỉ vì quên tắt đèn ở hành lang và ánh sáng đó khiến ông ấy không ngủ được. Ông ấy hét lớn đến nỗi tầng trên còn nghe thấy được và đe dọa dùng vũ lực", cô gái 27 tuổi cho biết.
Cha mẹ cô ly hôn từ lâu. Năm 2021, cô quyết định chuyển ra ngoài và sống với bạn đời của mình. "Tôi biết rằng mình không thể sống như thế này nữa", cô nói.
Trong suốt thời thơ ấu, mối quan hệ của cô với cha rất xa cách. Những vấn đề như chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên của cô trở thành trách nhiệm của người giúp việc.
Một nạn nhân của bạo lực gia đình khác là Oh, 32 tuổi, đã ra khỏi nhà vào năm 2015. Khi còn học tiểu học, cô đi học về và thấy mảnh thủy tinh vương vãi khắp sàn, đồ đạc bị xáo trộn. Cô phải đứng ngoài cửa đợi người giúp việc dọn dẹp.
Oh cho biết: “Tôi không chứng kiến cảnh đánh nhau nhưng thấy mẹ tôi khóc và có nhiều vết thương hằn sâu. Đó là khoảng thời gian khó khăn”.
Năm 16 tuổi, cô phải nhập viện vì vấn đề sức khỏe. “Cha mẹ đã cãi nhau về việc ai phải trả tiền viện phí trước mặt tôi. Và đó là lúc tôi cảm thấy mình hoàn toàn đơn độc. Đó cũng là lúc tôi nhận ra, nếu gia đình tôi có thể đối xử với tôi như vậy, thì đó thực sự là gia đình sao”, Oh kể lại. Thời điểm đó cô từng muốn kết thúc cuộc đời mình trước ngưỡng cửa đại học.
Cha mẹ thường xuyên cãi vã
Một trong những nguyên nhân khác - sự cãi vã giữa cha mẹ ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con cái và để lại những ký ức tồi tệ. Jason Neo, 34 tuổi nhớ lại cách cha mẹ anh ngoại tình.
Họ không ở nhà hầu hết thời gian và liên tục cãi vã. Điều này cuối cùng dẫn đến việc bố mẹ ly hôn khi anh Neo lên 8 tuổi và buộc anh phải lựa chọn sống với cha hoặc mẹ.
Anh sống với cha một thời gian trước khi chuyển đến sống với mẹ. Mẹ anh đã tái hôn và cha dượng không đối xử với anh như con trai ruột của mình. Mẹ và cha dượng có một cô con gái chung, điều này khiến anh càng cảm thấy mình như kẻ bị ruồng bỏ.
Sau đó, anh quyết định chuyển ra sống với bạn gái, giờ là vợ anh. Người mang đến sự chăm sóc mà chính cha mẹ ruột anh cũng không có.
Neo kể thêm: “Mẹ tôi liên tục cố gắng chia rẽ tôi và bạn gái tôi vào thời điểm đó. Bà ấy liên tục nói những điều không hay về cô ấy trước mặt tôi và cố tình giới thiệu một người con gái khác trong lúc tôi với bạn gái đang hẹn hò".
Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi mẹ anh ly hôn với cha dượng anh vào năm thứ 2 đại học. Đã trải qua hoàn cảnh này trước đó, anh thấu hiểu nỗi đau của cô em gái cùng cha khác mẹ 6 tuổi.
Mâu thuẫn cao trào khi mẹ đòi 30% tiền lương của anh lúc mới bắt đầu đi làm. Anh từ chối và chỉ đưa cho bà một khoản tiền nhỏ mỗi tháng vì đang phải tiết kiệm tiền cho đám cưới và mua nhà. Sau đó, bà đã đi rêu rao với cả khu phố là anh không chu cấp chút nào.
Về phần cha Neo, ông đã nhiễm thói quen cờ bạc và cố gắng vay tiền từ Neo. Hai người cũng dần không còn nói chuyện với nhau.
Lời khuyên từ chuyên gia
Chuyên gia phục hồi chấn thương Nur Adam cho biết những đứa trẻ khi trưởng thành có thể gặp khó khăn trong việc giữ an toàn cá nhân hay gần gũi cha mẹ.
Nhìn chung, bà Nur nhấn mạnh rằng lòng hiếu thảo không phải là quyền lợi, trách nghiệm mà là sự kết nối.
“Các mối quan hệ đòi hỏi nỗ lực từ cả hai phía. Điều quan trọng là cha mẹ phải suy ngẫm về cách hành động của họ có thể tác động đến con cái ra sao. Mình có được tôn trọng, chứ không phải là đòi hỏi. Thông qua nỗ lực chung từ hai phía, tinh thần hiếu thảo mới thực sự được tôn vinh", bà nói.
Tuy nhiên, bà Nur cũng thừa nhận rằng hành vi của cha mẹ có thể bị ảnh hưởng bởi những thách thức và khó khăn trong cuộc sống của chính họ. Cố gắng thấu hiểu quan điểm của cha mẹ không có nghĩa là bào chữa cho hành vi sai trái mà là thúc đẩy sự đồng cảm.
Bà Nur khuyên người trẻ nên cân nhắc rằng cha mẹ có thể đã hành động vì hiểu sai về tình yêu hơn là cố ý gây tổn thương đến con trẻ.
Chuyên gia chấn thương lâm sàng Zanthe Ng, cho biết: "Quá trình làm lành thường bao gồm giao tiếp trung thực, thừa nhận tổn thương trong quá khứ cũng như cam kết thay đổi hành vi có hại".