Phạt vượt đèn đỏ bằng cả tháng lương, tài xế mong sửa ngay đèn tín hiệu lỗi

Mẹo vặt - Ngày đăng : 18:23, 01/01/2025

Lo bị phạt oan khi mức phạt vượt đèn đỏ có thể bằng cả tháng lương từ 1/1, nhiều tài xế mong cơ quan chức năng rà soát và sửa ngay các cột đèn tín hiệu đang bị lỗi.

Mức phạt nhiều lỗi vi phạm giao thông tăng hàng chục lần so với trước đây khi Nghị định 168/2024 của Chính phủ có hiệu lực đang là chủ đề "nóng" trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, đặc biệt là các lỗi "Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông".

Với hành vi này, mức phạt đối với ô tô tăng từ 4-6 triệu đồng lên 18-20 triệu đồng. Với xe máy, mức phạt tăng từ 1 triệu đồng lên 4-6 triệu đồng. Đây là mức phạt được đánh giá là nghiêm khắc và đủ sức răn đe, nên phần lớn người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, rất nhiều tài xế lo lắng vì chất lượng đèn tín hiệu ở nhiều đô thị hiện nay không đồng bộ, khiến họ có nguy cơ bị phạt oan. 

"Tôi không ngại về việc tăng mức phạt. Tuy nhiên, trong khi mức phạt vi phạm tín hiệu đèn giao thông có thể lên tới 20 triệu đồng thì rất nhiều cột đèn giao thông tại thành phố đang bị lỗi. Có lần tôi đang đi, đèn xanh vừa bật 3 giây thì bất ngờ chuyển vàng, nếu tôi phanh gấp thì rất nguy hiểm cho người phía sau, còn tiếp tục đi thì phạm lỗi, rất bất cập!", chị Thu Trang (ngụ Quận 1, TP.HCM) lo lắng.

Theo nữ tài xế này, đối với trường hợp trên, nếu camera phạt nguội ghi lại, chị "có chối đằng trời". Trước đây, chị Trang cũng nhiều lần lo bị phạt oan do đèn giao thông bị lỗi, song mức phạt không quá cao nên chị chưa có ý kiến. Hiện tại, một biên lai phạt cho lỗi này đã "ngốn" cả tháng lương nên chị không thể không lên tiếng.

Không chỉ chị Thu Trang, rất nhiều nhiều người khác chia sẻ họ từng gặp phải tình huống tương tự, thậm chí oái ăm hơn.

Anh Nguyễn Hiếu (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM), nói: "Giờ mà tìm cột đèn lỗi thì nhiều lắm. Trường hợp đèn đỏ 30 giây xong, chuyển đèn xanh chưa được vài giây đã qua đèn vàng thì rất nhiều. Có vài lần tôi bị như thế, bị cảnh sát giao thông gọi dừng lại, tôi phải nhờ camera hành trình 'kêu oan' thì mới được cho đi. Oái ăm hơn là trường hợp cả 3 đèn cùng sáng một lúc, đi thì sợ vi phạm, không đi thì bị xe phía sau còi inh ỏi hối thúc".

Là tài xế taxi lâu năm, anh Minh (TP.HCM) cũng không tránh khỏi những tình huống "dở khóc, dở cười" do hệ thống đèn giao thông lỗi: "Tôi làm nghề hơn 14 năm rồi, mấy lỗi cơ bản như vượt đèn đỏ làm sao tôi dám vi phạm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp mình muốn cãi mà không thể cãi, cảnh sát giao thông họ đưa hình ảnh mình vượt đèn vàng, trong khi sự thật là mình thấy đèn xanh đang hiện 20 giây đếm ngược nên mới đi tới".

Mặc dù thấy mức phạt lên tới 20 triệu đồng cho hành vi vượt đèn đỏ là xứng đáng, nhiều người cảm thấy rất bất công nếu như họ mất số tiền lớn đó chỉ vì hệ thống giao thông chưa hoàn thiện chứ không phải do cố ý vi phạm. Để tránh những tình huống như vậy, trên các diễn đàn mạng, nhiều người đề nghị cơ quan chức năng khẩn cấp sửa chữa những đèn tín hiệu bị hỏng, lỗi.

"Phạt là đúng, chỉ có đánh mạnh vào tài chính thì mới đủ sức răn đe những kẻ coi thường pháp luật về giao thông, nhưng không thể phạt oan người dân. Tôi mong cơ quan chức năng lập tức rà soát, phát hiện ngay những cột đèn đang bị lỗi và sửa lập tức"; chị Thanh Lam (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) nêu ý kiến

Một trường hợp tín hiệu đèn giao thông lỗi hiển thị xanh - đỏ cùng lúc.
Một trường hợp tín hiệu đèn giao thông lỗi hiển thị xanh - đỏ cùng lúc.

Anh Minh Lâm (tài xế taxi công nghệ ở Hà Nội) có chung quan điểm: "Sửa đèn tín hiệu là việc cần làm khẩn trương, làm ngay, vì mức phạt vượt đèn đỏ bây giờ rất cao, phạt đúng thì có tác dụng răn đe cực tốt, nhưng phạt oan thì thực sự ảnh hưởng đến đời sống người dân, có khi mất đến 2/3 thu nhập. Bây giờ camera phạt nguội có khắp nơi, nếu đèn lỗi thì số người bị phạt oan có thể khá lớn".

Chị Thu Trang cho rằng trước khi áp dụng quy định mới, lẽ ra cơ quan chức năng phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng, tập trung cải thiện hệ thống giao thông: "Chúng tôi hiểu rằng tăng mức phạt là để bảo vệ an toàn cho mọi người, nhưng nếu hệ thống giao thông không đảm bảo, người dân sẽ khó lòng tuân thủ một cách chính xác. Điều quan trọng là phải tạo ra một môi trường giao thông an toàn và công bằng, không chỉ dựa vào phạt nặng".

Ngoài chuyện đèn tín hiệu "chập cheng", một số người dân cũng lo lắng về khả năng chi trả theo mức phạt mới. Anh Minh nói: "Với một người làm tài xế taxi như tôi, thu nhập một tháng nhiều thì được vài chục triệu, nuôi cả gia đình. Nhưng với mức phạt mới, nhỡ như tôi vi phạm đèn tín hiệu một lần thì xem như cả tháng làm không công, vi phạm hai lần thì xem như càng làm càng gánh nợ".

Bên cạnh đó, thông tin TP.HCM là địa phương đầu tiên thí điểm bỏ đếm giây đèn giao thông khiến nhiều tài xế băn khoăn, cho rằng việc bỏ đếm giây không khác nào "gài" người dân vi phạm. 

Theo họ, nếu đèn giao thông hiển thị số giây, tài xế sẽ biết ước lượng để tăng giảm tốc độ cho hợp lý. Chẳng hạn, khi đèn xanh còn 5 giây đếm lùi, họ sẽ tự động chạy chậm lại. Còn nếu bỏ đếm giây, xe đang chạy tốc độ bình thường thì đèn bất ngờ chuyển vàng, tài xế có thể khó xử lý và vô tình mắc lỗi.  

"Thử tượng tưởng xem, xe đang chạy tốc độ cao trên quốc lộ mà phanh gấp thì điều gì sẽ xảy ra?!", anh Nguyễn Hiếu bày tỏ.

Tuy nhiên, không ít cư dân mạng cho rằng nếu thực sự tập trung lái xe, giảm tốc độ khi gần đến chỗ có đèn tín hiệu thì sẽ không sợ vô tình vượt đèn đỏ dù hệ thống tín hiệu có đếm giây hay không. 

Ngày 1/1/2025, Cục CSGT phản hồi về ý kiến của người dân xoay quanh mức phạt không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông tăng cao theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP.

Theo Cục CSGT, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định rõ, đèn giao thông có 3 màu vàng, xanh, đỏ. Đồng thời, luật cũng quy định đèn tín hiệu vẫn có loại có hoặc không có hiển thị thời gian (đồng hồ đếm giây).

Về băn khoăn cho rằng một số giao lộ đèn tín hiệu có thể gặp trục trặc, đại diện CSGT cho biết, tại các nút giao thông hiện nay, đại đa số đều được trang bị hệ thống camera giám sát và lực lượng vận hành, bảo trì.

Người dân khi gặp trường hợp bị lập biên bản xử phạt chưa thỏa đáng, họ có quyền khiếu nại theo quy định, thậm chí khởi kiện ra tòa án hành chính. Khi nhận được khiếu nại, lực lượng cảnh sát giao thông chắc chắn sẽ có sự đối chiếu, xem xét các yếu tố liên quan.

Về thông tin sẽ “bỏ đếm giây đèn tín hiệu” đang được lan truyền, Cục CSGT cho hay đây chỉ là đề xuất và thí điểm diện hẹp, ở một vài nút giao tại TP.HCM.

Tuệ Lâm

Tuệ Lâm