Nguy cơ ngộ độc từ cơm, thức ăn thừa

Mẹo vặt - Ngày đăng : 11:29, 09/01/2025

Mới đây, nhà ăn A15 của Đại học Bách khoa Hà Nội đã tạm dừng hoạt động sau phản ánh sinh viên phải ăn cơm, canh thừa.

Đáng nói, đây cũng là thói quen “tiếc rẻ” của không ít bà nội trợ hiện nay mà không hay biết việc này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe.

thuc-an-thua.jpg
Việc bảo quản thức ăn nóng hay lạnh không đúng cách đều tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.

Rước bệnh vì sợ lãng phí thức ăn

Theo phản ánh của một số tân sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà ăn phục vụ bữa ăn trong 2 tuần học Giáo dục Quốc phòng - An ninh của trường không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể, cơm thừa trong bát của từng bàn trong bữa ăn trước, được thu gom lại, trộn đều rồi tiếp tục chia cho các nhóm sinh viên đến ăn sau. Không chỉ cơm thừa bữa trước được tái sử dụng cho bữa sau, thậm chí cả những bát canh ăn dở của mỗi bàn cũng được gom và chia tương tự.

Ngay sau phản ánh, nhà trường đã có hình thức xử lý đối với nhà ăn nói trên. Tuy nhiên, đây cũng là tình trạng dễ xảy ra tại nhiều quán cơm bình dân, chủ quán gom thức ăn thừa trong bếp “khuất mắt trông coi” để phục vụ khách hàng sau. Không chỉ riêng tại các quán ăn, ngay trong các bữa cỗ đặt của gia đình, người dân vẫn giữ thói quen thu gom thức ăn thừa từ các mâm rồi chia phần cho họ hàng, người thân. Bởi những bữa cỗ đầy ắp "sơn hào hải vị" là hình ảnh thường gặp ở nhiều địa phương, từ đó dẫn đến tình trạng thực phẩm thừa lại khá nhiều. Sợ lãng phí thức ăn, mọi người hình thành thói quen gom lại tất cả để hâm nóng, chế biến lại cho bữa sau. Đây cũng là “thủ phạm” khiến nhiều người phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Anh Nguyễn Văn Chính (huyện Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ: "Mỗi dịp giỗ chạp của gia đình, bố mẹ tôi thường quan niệm phải chuẩn bị “mâm cao cỗ đầy” nếu không sẽ rất ngại với họ hàng, làng xóm. Do đó, số lượng thực phẩm luôn nhiều hơn so với nhu cầu ăn uống của khách. Chưa kể vì còn hoàn thành xong xuôi các thủ tục cúng bái hoặc chờ xếp mâm cho đủ người nên đến khi xong việc, đồ ăn đều đã nguội ngắt. Nhất là vào mùa đông, các đĩa chiên, rán đã đông váng mỡ, xôi cũng khô róc... khiến mâm nào cũng thừa hết món này đến món kia, mẹ tôi và những người tham gia nấu cỗ sẽ thu gom thức ăn thừa rồi chia cho từng nhà. Phần còn lại nhà tôi cất trong tủ lạnh ăn đến vài bữa sau mới hết, ngày nào cũng hâm đi hâm lại từng ấy món trong thực đơn. Dù đã nhắc nhở ông bà nhiều lần nhưng “phép vua thua lệ làng”, hậu quả có lần các thành viên gia đình tôi đã bị rối loạn tiêu hóa từ những thực phẩm ăn thừa trong bữa cỗ”.

Chú ý quy trình bảo quản, hâm nóng lại thức ăn

Nhiều người có suy nghĩ đơn giản thức ăn thừa chỉ cần hâm nóng lại, nhiệt độ cao sẽ tiêu diệt hết vi khuẩn. Nhưng Tiến sĩ Chu Thị Tuyết, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) cho biết: “Những thức ăn đã nấu chín chỉ an toàn 2 giờ sau khi nấu và dễ hư hỏng ở nhiệt độ thường. Sau khoảng thời gian này, bảo quản nóng hay lạnh không đúng cách đều tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Một số loại thực phẩm sau khi hâm nóng lại sẽ mất hết giá trị dinh dưỡng, mùi vị, màu sắc bị biến đổi, thậm chí trong nhiều trường hợp còn có thể sinh ra các chất độc hại”.

Ví dụ như món cơm, hoàn toàn có thể nhiễm vi khuẩn Bacillus cereus. Khi cơm chín, nhiệt lượng đủ để tiêu diệt phần lớn vi khuẩn có hại này. Tuy nhiên, theo Cơ quan Y tế Quốc gia Mỹ, bào tử Bacillus cereus có thể tồn tại ở nhiệt độ cao. Khi cơm nguội đi, các bào tử này sẽ lại nhân lên và sản sinh ra chất độc nguy hiểm. Đối với các loại đồ ăn chiên rán như khoai tây chiên, gà tẩm bột, khi được đun lại, dầu ăn trong các món ăn này sẽ bị biến đổi các thành phần hóa học. Việc hâm nóng những thực phẩm này, dù nấu trên bếp hay cho vào lò vi sóng, đều khiến các chất béo không ổn định đó tiếp xúc với nhiều nhiệt, tạo ra nhiều gốc tự do hơn.

Các món ăn từ hải sản khi để qua đêm ở nhiệt độ lạnh chỉ có thể làm chậm sự phát triển của vi khuẩn nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn. Khi rau được nấu chín và để qua đêm, cùng với sự phát triển và xâm nhập của vi khuẩn, nitrate sẽ chuyển hóa thành nitrit, đây là chất phổ biến gây ung thư. Ngoài ra, việc hâm nóng thức ăn lấy ra từ tủ lạnh nếu không đảm bảo đủ nhiệt độ và thời gian thì cũng không đủ để tiêu diệt hết vi trùng.

Vì vậy, các chuyên gia y tế cảnh báo, ngay cả đồ ăn chín trong tủ lạnh khi lấy ra nên được nấu lại thật sôi để diệt hết vi khuẩn. Với các thực phẩm không thể nấu sôi như giò mỡ, thịt đông, người dân cần phải bảo quản kỹ càng bằng hộp kín, tránh vi khuẩn xâm nhập.

Bảo Ngọc