Có nên cấp chứng chỉ giấy phép lái xe máy cho trẻ từ 16-18 tuổi?
Mẹo vặt - Ngày đăng : 11:28, 09/01/2025
Đề xuất trên được Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia đưa ra tại một hội thảo về an toàn giao thông xe máy mới diễn ra đầu tháng 11-2024 tại Hà Nội. Theo Tiến sĩ Trần Hữu Minh, số trẻ từ 16 đến 18 tuổi đi xe máy dưới 50 phân khối (đúng quy định của pháp luật) ngày càng nhiều.
Theo đó, luật quy định các em phải hiểu biết về an toàn giao thông đường bộ trước khi lái xe, nhưng chưa quy định thế nào là “hiểu biết”. Vì vậy, nhóm trẻ này cần được nhà trường hoặc gia đình trang bị các kỹ năng không quá phức tạp như tốc độ, quan sát khi chuyển hướng, tránh điểm mù của xe khách, xe tải. Sau đó, các em được kiểm tra lý thuyết và cấp chứng chỉ giấy phép lái xe.
Khi được hỏi quan điểm về vấn đề này, chị Trần Thu Trang (đường D4, phường Tân Hưng, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) tỏ ra đồng tình: “Tôi có con gái vừa vào lớp 10, gia đình mua cho chiếc xe máy 49 phân khối để đi học cách nhà 4km trong khi tuyến này chưa có xe buýt thuận tiện. Chúng tôi đã cho cháu tập xe, dặn dò kiến thức cơ bản về đi lại an toàn. Nay nếu nhà nước tổ chức thi sát hạch, gia đình sẽ yên tâm hơn”.
Còn anh Trương Nghĩa Dũng (đường Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3) đề xuất: “Tôi đồng tình với chủ trương trên và đề nghị chứng chỉ này cũng áp dụng cả với học sinh đi xe đạp điện. Hiện mỗi ngày đi ngoài đường, tôi luôn bị giật mình lo lắng bởi nhiều cháu học sinh cấp 3 phóng xe đạp điện hay xe máy như chốn không người. Có nhiều tai nạn đã xảy ra vì các cháu chưa có kỹ năng tham gia giao thông với phương tiện tốc độ cao như vây. Việc quản lý là cần thiết”.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng học sinh chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển xe máy đến trường, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, chở quá số người quy định, đi hàng ngang trên đường bộ... vẫn diễn ra phổ biến.
Chỉ trong 15 ngày đầu thực hiện Chỉ thị 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đối với học sinh và triển khai cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh theo chỉ đạo của Cục Cảnh sát giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện, xử lý 2.940 trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ liên quan đến lứa tuổi học sinh.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần tính toán kỹ càng hơn nữa để việc sát hạch và cấp chứng chỉ cho trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi thực sự phát huy hiệu quả. Theo chuyên gia tâm lý Vũ Nguyên Bảo (thành phố Hồ Chí Minh), trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi dễ “bốc đồng”, tâm lý lứa tuổi chưa ổn định. Việc được cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện giao thông, nếu không chặt chẽ, có thể khiến trẻ “tự tin thái quá” khi chạy xe trên đường, từ đó có thể dẫn tới tai nạn giao thông.
“Cần có tiêu chí rõ ràng cho quá trình đào tạo và cấp chứng chỉ, không nên xem nhẹ vấn đề này để việc cấp chứng chỉ có hiệu quả thực tế lớn hơn. Cùng với đó, cần gắn chặt hơn nữa trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong quản lý học sinh đi xe máy đi học”, chuyên gia Vũ Nguyên Bảo đề xuất.
Ngày 1-11 vừa qua, Chính phủ ban hành Thông báo số 501/TB-VPCP về Kết luận tại cuộc họp rà soát dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ 2024; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024. Theo đó, Chính phủ đề nghị Bộ Công an thực hiện tập trung rà soát kỹ các nội dung quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với các đối tượng dễ bị tổn thương khi tham gia giao thông như học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật...
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần lưu ý bổ sung các nội dung quy định trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ sở giáo dục trong việc quản lý học sinh sử dụng phương tiện xe máy tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. Hy vọng với những quy định mới sát với thực tế này, việc học sinh đi lại bằng xe máy hoặc xe đạp điện sẽ được quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn, vừa tạo thuận lợi cho các em và gia đình, vừa bảo đảm trật tự an toàn xã hội.