Cảnh giác lừa đảo qua mạng
Mẹo vặt - Ngày đăng : 11:28, 09/01/2025
Đối tượng lừa đảo có tổ chức, phân công nhau thực hiện kịch bản đưa nạn nhân vào bẫy, từ đó đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt tài sản. Nhiều trường hợp, đối tượng lừa đảo thông qua bẫy mời gọi đầu tư, dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền, rồi chiếm đoạt với số lượng nạn nhân rất lớn.
Nạn nhân lừa đảo cũng thuộc nhiều tầng lớp, như người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng… Với mỗi nhóm khác nhau, đối tượng lừa đảo có hình thức dẫn dụ khác nhau với mục tiêu là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin cá nhân, sau đó chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan chức năng đã thống kê 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng, với 3 nhóm chính là giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Nhiều nhất là giả mạo cơ quan chức năng, công ty tài chính, ngân hàng; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; lừa đảo tuyển cộng tác viên, tuyển dụng “việc nhẹ lương cao”; lừa đảo gửi mã độc đánh cắp thông tin, tài khoản… Song, điểm chung là đối tượng lừa đảo lợi dụng sự thiếu hiểu biết, khai thác tâm lý lo sợ của nạn nhân để dọa nạt hoặc đánh vào lòng tham để dụ dỗ...
Thực tế, thời gian qua, cơ quan chức năng đã liên tiếp cảnh báo người dùng về các hình thức lừa đảo trên không gian mạng; đồng thời, ngăn chặn, triệt phá các ổ nhóm lừa đảo, đặc biệt là hình thức lừa đảo thông qua mời gọi đầu tư.
Việc các ngân hàng cập nhật sinh trắc học cho các chủ tài khoản đã góp phần làm giảm đáng kể tình trạng gian lận, lừa đảo khi chuyển tiền của những tài khoản mua bán, mượn tên. Lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng của năm 2024. Đặc biệt, tại một số đơn vị đã không phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8 và 9-2024, theo thống kê của ngân hàng.
Tuy nhiên, như đã nói, cùng với sự phát triển của công nghệ, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng cũng ngày càng tinh vi. Vì vậy, chính bản thân mỗi người cũng phải tự cập nhật thông tin, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng để phòng, tránh.
Và dù với thủ đoạn lừa đảo nào thì cũng có những nguyên tắc mà người dùng mạng luôn phải nhớ, đó là không chuyển tiền cho người lạ liên hệ qua điện thoại hay mạng xã hội; không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng cho người lạ; không truy cập vào đường dẫn lạ được gửi kèm qua tin nhắn, thư điện tử (email).
Đặc biệt, người dùng luôn phải kiểm tra, xác thực thông tin của người liên hệ với mình thông qua chính cơ quan, tổ chức mà đối tượng tự giới thiệu. Hiện nay, tất cả cơ quan, đơn vị đều có cổng thông tin điện tử, website, tổng đài, người dùng có thể tra cứu rất nhanh và dễ dàng qua công cụ tìm kiếm trên internet.
Cùng với đó, người dùng cần đề cao cảnh giác, không vội nghe và làm theo yêu cầu của người lạ tự xưng là cán bộ của các cơ quan chức năng. Bởi trong trường hợp cần thiết, cơ quan chức năng sẽ mời công dân đến làm việc tại trụ sở chứ không làm việc qua điện thoại hay tin nhắn.
Ngoài việc tăng cường tuyên truyền về thủ đoạn lừa đảo sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng để người dân cảnh giác, cơ quan chức năng cần rà soát, ngăn chặn ngay website, hội, nhóm, tài khoản mạng liên quan đến lừa đảo; rà soát, cập nhật thông tin, bảo đảm tài khoản, thuê bao chính chủ; triệt để xử lý sim rác; nghiên cứu giải pháp kỹ thuật ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn nghi vấn lừa đảo… Ngân hàng, viễn thông, công an phải phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin, xử lý kịp thời trường hợp có dấu hiệu lừa đảo.