Đắk Nông xây dựng lực lượng cơ yếu thống nhất, hiện đại, bảo mật cao
Công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin giữ vai trò “mạch nguồn” trong chuyển đổi số, bảo đảm an toàn dữ liệu, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở Đắk Nông.
Xây dựng lực lượng cơ yếu thống nhất, chặt chẽ
Cuối năm 2009, Tỉnh ủy Đắk Nông đã chỉ đạo hoàn thành việc mở mạng liên lạc cơ yếu đến 100% huyện ủy, thành ủy, với hai hệ thống kỹ thuật hiện đại và thủ công, đáp ứng yêu cầu liên lạc hệ mật, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh và là tỉnh đầu tiên của phía Nam phủ kín mạng liên lạc cơ yếu đến 100% các huyện ủy, thành ủy. Đến nay tỉnh đã có một hệ thống mạng liên lạc cơ yếu khép kín, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất và đem lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước.
Trong Di sản tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, tư tưởng về giữ gìn bí mật quốc gia, bí mật thông tin cơ mật trọng yếu chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng. Người nói: “Trong chiến tranh, giữ bí mật hay không là điều rất quan hệ đến sự thắng hay bại” và “Mật mã là một công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang… Các cô, các chú làm mật mã phải bí mật, đoàn kết và quân sự hóa”…
Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã luôn chủ động lãnh đạo, chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc, các cơ quan ban, ngành quán triệt, triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, thông tư, văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về công tác cơ yếu, bảo mật, an toàn thông tin. Trọng tâm là Nghị quyết số 56-NQ/TW, ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị trị “về chiến lược phát triển ngành cơ yếu Việt nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” và Nghị quyết số 27/NQ-CP, ngày 11/8/2020 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 56-NQ/TW của Bộ Chính.
Đặc biệt, ngày 20/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Quy định số 08-QĐ/TU về “xây dựng, quản lý tổ chức cơ yếu và người làm công tác cơ yếu hệ Đảng - Chính quyền tỉnh Đắk Nông”. Từ đó, tỉnh Đắk Nông nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự hiểu biết sâu sắc về công tác cơ yếu cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh trong việc tham gia xây dựng, phát triển các lực lượng cơ yếu trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, đặc biệt là những cơ quan, đơn vị có sử dụng cơ yếu thường xuyên quan tâm chỉ đạo xây dựng lực lượng cơ yếu tỉnh Đắk Nông thống nhất, chặt chẽ, đúng với tính chất của ngành khoa học - kỹ thuật cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt và sự quản lý thống nhất của Nhà nước.
Tỉnh xây dựng và phát triển các hệ thống cơ yếu đặt trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh nói riêng; gắn kết chặt chẽ với việc triển khai các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Tỉnh coi đây là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên, lâu dài của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.
Các lực lượng cơ yếu trên địa bàn tỉnh luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tự lực, tự cường, bảo đảm tuyệt đối an toàn, bí mật sản phẩm mật mã, thông tin trong hoạt động cơ yếu; không để tụt hậu, bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đắk Nông tập trung tận dụng mọi nguồn lực, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong các hệ thống cơ yếu.
Các sản phẩm mật mã của ngành cơ yếu đã được triển khai kịp thời, sâu rộng đến các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, góp phần rất quan trọng trong công tác bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị chỉ đạo tăng cường sử dụng triệt để chữ ký số chuyên dùng công vụ và luân chuyển các văn bản ký số trên mạng diện rộng của Đảng và mạng Intenet, nhằm góp phần bảo đảm tính pháp lý, thúc đẩy việc sử dụng, trao đổi văn bản điện tử, thực hiện cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy về “chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Nâng cao chất lượng công tác cơ yếu trong chuyển đổi số
Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, tỉnh Đắk Nông đang nỗ lực xây dựng, phát triển chính quyền số nhằm hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân tốt hơn.
Đồng thời, tỉnh triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - phát triển xã hội gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, quyết tâm hiện thực hóa khát vọng đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững, trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Tây Nguyên.
Tuy nhiên, việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số cũng đặt ra hàng loạt thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro về lộ lọt bí mật Nhà nước, mất an ninh, an toàn thông tin, đòi hỏi công tác cơ yếu, bảo vệ bí mật, an toàn thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà nước cần được đặc biệt chú trọng.
Hiện tại, Đắk Nông có đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
Tuy nhiên cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, công chức chuyên trách công nghệ thông tin và chuyên gia về an toàn thông tin mạng, chuyển đổi số còn thiếu và yếu so với yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Thời gian tới, tỉnh cần tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên cơ yếu, nhất là kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, phần mềm, ứng dụng của ngành cơ yếu để lực lượng cơ yếu của tỉnh phát huy được hiệu quả trong việc sử dụng hệ thống, trang thiết bị nghiệp vụ của ngành, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh xảy ra. Đồng thời có thể tham gia vào một số nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin nhằm bảo đảm thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp trong tình hình mới.
Để nâng cao chất lượng công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin, góp phần đẩy mạnh lộ trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là những cơ quan, đơn vị có sử dụng cơ yếu phải thường xuyên làm tốt công tác tham mưu, trong đó chú trọng phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật về cơ yếu. Ngoài ra, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác nâng cao trình độ lý luận, trình độ chuyên môn cho cán bộ, nhân viên cơ yếu phải được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ và đồng bộ. Tỉnh cần tiến tới đưa nội dung quản lý Nhà nước về cơ yếu vào chương trình giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ về công tác bảo mật và an toàn thông tin.
Đồng thời, đội ngũ những người làm cơ yếu, công nghệ thông tin phải thực sự phát huy vai trò nòng cốt, có những chuyển đổi căn bản về nhận thức, cách làm. Ngành xây dựng và phát triển lực lượng hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn đặt ra; làm tốt công tác bảo mật, an toàn thông tin, góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian sắp tới.