Gia Lai đẩy mạnh thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 23:07, 08/01/2025

Tỉnh Gia Lai có hơn 1,4 triệu héc-ta diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Ðể phát huy tiềm năng lợi thế này, những năm qua, tỉnh chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện tại trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 18 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích hơn 3.400 ha, tập trung vào các sản phẩm chính như bơ, sầu riêng, thanh long, hồ tiêu, cà-phê, rau, hoa, dược liệu…
Hiện nay, Gia Lai đã hình thành được 18 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hiện nay, Gia Lai đã hình thành được 18 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, hiện toàn tỉnh thu hút được 295 dự án đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 133 dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư, gồm 29 dự án trồng trọt, 93 dự án chăn nuôi và 11 dự án trồng rừng. Có 3 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm Công ty TNHH Một thành viên Hương Ðất An Phú, Công ty cổ phần chè Bầu Cạn, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp.

Ðến thời điểm này đã có một số mô hình hoạt động khá hiệu quả. Có thể kể tới như: Nhà máy chế biến chanh leo của Công ty TNHH Quicornac tại Khu công nghiệp Trà Ða, công suất chế biến 450 tấn/ngày; Khu nông nghiệp công nghệ cao Tập đoàn Nafood Group tại xã Chư Á, thành phố Pleiku, sản xuất giống chanh leo 4.000 cây/ngày, nhà máy chế biến công suất 350 tấn/ngày; sản xuất cà-phê hữu cơ của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp tại xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê với 45 ha cà-phê hữu cơ tiêu chuẩn của Mỹ (Organic USDA).

Hay mô hình sản xuất chuối già hương Nam Mỹ xuất khẩu tại xã Ia Pết, huyện Ðak Ðoa của Công ty TNHH Hưng Sơn; chăn nuôi sữa bò công nghệ cao của Tập đoàn Nutifood tại huyện Mang Yang với quy mô 13.000 con theo tiêu chuẩn GlobalGAP; nuôi bò thịt công nghệ cao của Công ty Thaco Agri với quy mô 70.000 con tại xã Ia Puch, huyện Chư Prông…

Ðây là những mô hình đang hoạt động, khai thác được tối đa nguồn lực và cho hiệu quả tốt trên thực tế. Qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế-xã hội của Gia Lai nói chung. Ðến nay, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Gia Lai đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Ðiển hình như cà-phê công nghệ cao đã xuất khẩu đi 60 nước, nhiều nhất là thị trường châu Âu.

Năm 2024, giá trị xuất khẩu cà-phê của tỉnh đạt hơn 600 triệu USD; trái cây ứng dụng công nghệ cao đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, EU, Mỹ… đã thu về 150 triệu USD.

Trước hiệu quả của sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Gia Lai đã ban hành Ðề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. Cụ thể, đến năm 2030, Gia Lai định hướng phát triển lên 33 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ðồng thời, công nhận từ 8 đến 10 doanh nghiệp đạt chứng nhận sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho giá trị kinh tế khoảng từ 300 đến 500 triệu đồng/ha. Trong khi đó, bình quân thu nhập trên 1 ha cây trồng bình thường hiện chỉ đạt khoảng 96 triệu đồng/ha.

Ông Ðoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã góp phần thay đổi tư duy của người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Các cá nhân, đơn vị từng bước làm chủ được công nghệ như lựa chọn vật tư nông nghiệp có chất lượng, sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn gắn với xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc... Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giúp đời sống của người dân ngày càng nâng lên. Ðồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi tập quán canh tác, biết áp dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất. Nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Ðinh Hữu Hòa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung các nguồn lực để ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20/1/2022 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, sạch, dược liệu, trung tâm giống các loại… Riêng năm 2025, tỉnh có 5 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao được kêu gọi đầu tư. Ðáng chú ý là Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Chư Gu, Phú Cần, Ia Mláh (huyện Krông Pa) với diện tích dự kiến 1.000 ha, tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng. Dự án này phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của huyện Krông Pa nhiệm kỳ 2020-2025; phù hợp với quy hoạch xây dựng chung 3 xã và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pa đã thống nhất chủ trương đầu tư. Sau khi có nhà đầu tư được lựa chọn, Ủy ban nhân dân huyện cam kết phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định (kinh phí do nhà đầu tư tự chi trả).

Một dự án lớn khác là phát triển nông-lâm nghiệp công nghệ cao tại thôn 5, xã An Thành, huyện Ðak Pơ. Dự án có diện tích dự kiến 65 ha, với tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng. Hay Dự án ươm cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật và vườn trồng thí nghiệm tại xã Song An (thị xã An Khê) với diện tích 2 ha, tổng mức đầu tư dự kiến kêu gọi 10 tỷ đồng.

Dự án triển khai trên đất trồng cây lâu năm do Ủy ban nhân dân xã Song An quản lý, không có tài sản công trên đất. Dự án được xác định là phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của thị xã, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất thị xã An Khê.

Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh tiếp tục rà soát và công khai, minh bạch thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa, giảm các thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết theo hướng phấn đấu giảm thời gian thực hiện 30-70% so với quy định của pháp luật.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại trước áp lực của nhu cầu tiêu dùng nông sản tăng nhanh do việc tăng dân số, biến đổi khí hậu, yêu cầu hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ðể tạo tiền đề cho ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững, đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía, như: nông dân, doanh nghiệp, các hiệp hội, các tổ chức chính trị-xã hội… để phát huy sức mạnh, giúp nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh phát triển.

Đinh Sỹ Tạo